QĐND-Chúng tôi gặp Phó đô đốc Đỗ Xuân Công, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân khi ông ở Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm lại những người bạn ở thành phố Hải Phòng. Tuy đã trở về với đời thường nhưng hình ảnh về chiến thắng trận đầu ngày 2 và ngày 5-8-1964 của Hải quân nhân dân Việt Nam luôn hiện hữu trong lòng vị tướng.
Ngày 5-8-1964, Tàu T-161 của ông và đồng đội đang đậu tại cảng Sông Gianh chuẩn bị vũ khí, lương thực thực phẩm sẵn sàng chiến đấu thì nhận được thông báo: Để ngăn chặn chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ sẽ tập kích bằng không quân vào các mục tiêu quân sự của ta ở miền Bắc, nhất là các quân cảng và tàu của Hải quân. Vì vậy, toàn bộ lực lượng của Hải quân được chuyển sang trạng thái thời chiến. Các tàu Hải quân ở cảng sông Gianh triển khai sơ tán theo đội hình phòng không. Chỉ có tàu trực ban chiến đấu là được đỗ tại cảng. Hôm ấy Tàu T-161 mới sửa chữa xong nên đỗ tại cảng để tiếp nhận nhiên liệu, đạn dược và lương thực thực phẩm. Cán bộ, thủy thủ của tàu làm việc không kể thời gian giờ giấc; ai cũng động viên nhau cố gắng làm việc thật nhanh để sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó, Phó đô đốc Đỗ Xuân Công là Binh nhất, Tiểu đội trưởng hàng hải (lái chính) của tàu. Bỗng tiếng kẻng báo động vang lên. Các tàu đồng loạt kéo còi báo động phòng không làm náo động cả một dòng sông. Binh nhất Đỗ Xuân Công vác quả bom chìm nặng khoảng 30kg chạy về tàu đặt vào giá cố định thì vừa đúng lúc nghe lệnh của Thuyền trưởng Nguyễn Duy Khiêm:
- Rời bến khẩn cấp!
 |
Phó Đô đốc Đỗ Xuân Công (giữa) gặp lại CCB Hải quân tại Hải Phòng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Đỗ Xuân Công vội nhảy vọt lên đài chỉ huy và lái tàu rời bến theo lệnh của thuyền trưởng. Tàu T-161 vừa rời khỏi vị trí neo đậu thì đúng lúc tiếng bom nổ ầm ầm bên cạnh. Từng cột nước tung lên rồi đổ xuống rào rào như trận mưa lớn. Các tàu của ta gần như đồng loạt nổ súng đánh trả rất quyết liệt vào các “Thần sấm”, “Con ma” của Mỹ. Lúc đó vào khoảng 12 giờ 20 phút ngày 5-8-1964. Đỗ Xuân Công vừa lái tàu vừa quan sát bầu trời để kịp thời báo cáo hướng mục tiêu cho thuyền trưởng. Máy bay phản lực Mỹ gầm rú và thay nhau từng chiếc một bổ nhào thả bom và bắn súng 20,6mm như vãi đạn xuống dòng sông Gianh. Các loại pháo 40mm, 37mm, 20mm, 14,5mm của ta trên các tàu 79 tấn của Phân đội 7, Phân đội 5, Phân đội 6 đồng loạt bắn xối xả vào các máy bay của Mỹ. Bầu trời như xé ra từng mảng, lưới đạn của ta dày đặc. Đỗ Xuân Công lái tàu theo lệnh thuyền trưởng để vừa bảo đảm phát huy được hết hỏa lực trên tàu đồng thời tránh được các đợt thả bom của máy bay địch. Đợt chiến đấu chỉ diễn ra khoảng vài chục phút, các máy bay Mỹ rút chạy ra hướng biển. Các tàu của ta nhanh chóng củng cố sức chiến đấu, giải quyết vấn đề thương binh liệt sĩ và sơ bộ rút kinh nghiệm sau đợt chiến đấu vừa rồi. Mọi người kiểm tra vũ khí, máy móc rất khẩn trương để chuẩn bị sẵn sàng cho đợt chiến đấu tiếp theo.
Đúng như dự đoán của cấp trên, vào khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, từng tốp máy bay Mỹ lại bổ nhào ném bom xuống dòng sông Gianh. Bầu trời và dòng sông lại ầm ầm những tiếng bom rơi đạn nổ xen lẫn nhưng tiếng gầm rú xé tai của máy bay phản lực Mỹ. Do đã có kinh nghiệm nên các tàu chiến đấu đĩnh đạc hơn, pháo bắn đồng loạt và giòn giã hơn nên máy bay địch không dám xuống thấp. Đợt chiến đấu này cũng chỉ diễn ra vài chục phút rồi máy bay Mỹ lại tháo chạy ra biển, để lại đằng sau 2 chiếc bị bắn rơi xuống cửa sông Gianh. Trong trận chiến đấu này có rất nhiều gương chiến đấu dũng cảm. Có đồng chí bị thương nặng vào chân nhưng vẫn tự băng bó rồi tiếp tục giữ vững vị trí. Có đồng chí bị thương vào bụng nhờ đồng chí khác băng bó lại rồi tiếp tục chiến đấu...
Những tấm gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí, đồng đội trên con tàu T-161 như ngọn lửa thiêng thôi thúc Binh nhất Đỗ Xuân Công phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Từ một binh nhất, ông đã trở thành Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam. Ông là một vị tướng nhân hậu, mẫn cán và dành trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Trịnh Văn Dũng