Tôi vốn quen biết vợ chồng nhà khoa học Nguyễn Tự Cường-Tạ Phương Hòa. Anh là giáo sư, tiến sĩ khoa học, đã cùng với hai đồng nghiệp tại Viện Toán học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về các công trình nghiên cứu phát triển Đại số giao hoán. Còn chị là phó giáo sư, tiến sĩ về hóa cao phân tử, giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu. Tôi còn biết thêm: Chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha mẹ đều trong Đội du kích Ba Tơ vào đầu thập niên 1940. 

Một lần tôi được chị Tạ Phương Hòa lấy cho xem trong album gia đình một bức ảnh đã vàng ố vì thời gian. Trong ảnh có 4 người đứng mặc quân phục, đội mũ cứng, đeo súng ngắn tươi cười bá vai nhau và một người cũng mặc quân phục ngồi nghiêng. Chị chỉ vào người đứng đầu bên trái, bảo đó là cha chị, ông Tạ Phượng. Tiếp đến là những chỉ huy của Đội Du kích Ba Tơ, sau này đều là những tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta: Nguyễn Chánh, Nguyễn Đôn và Phạm Kiệt. Trong số những chỉ huy đầu tiên của Đội Du kích Ba Tơ thì cha chị mất sớm nhất, nên ngày nay rất ít người biết đến. Còn người ngồi nghiêng phía dưới trong bức ảnh, chị chưa biết rõ danh tính. Chị chỉ biết bức ảnh được chụp tại căn cứ của Đội Du kích Ba Tơ vào năm chị chưa ra đời. Lúc còn nhỏ ở trên chiến khu, có đôi lần mẹ lấy bức ảnh ra cho chị xem, kể về cha và các đồng chí của ông, không hiểu sao mẹ “quên” không nói về người ngồi là ai.

Tôi có một người bạn vong niên là nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1932, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Nhà thơ nhập ngũ vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ông hoạt động báo chí, văn nghệ ở Khu 5. Năm 2010, ông từ Quảng Ngãi ra Hà Nội họp Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, tôi liền mang bức ảnh mình đã chụp lại ra hỏi về những người trong ảnh. Ông nhận mặt được ngay 3 vị chỉ huy nổi tiếng của đội du kích. Nhưng với liệt sĩ Tạ Phượng thì ông không biết, vì lúc ông nhập ngũ thì người chỉ huy du kích ấy đã hy sinh được một năm rồi. Còn người ngồi nghiêng trong ảnh, nhà thơ bảo đó là nhạc sĩ Dương Minh Viên, tác giả bài hát “Du kích Ba Tơ” nổi tiếng từ thời chống Pháp. Bài hát tái hiện khí thế cách mạng của cuộc khởi nghĩa trên núi rừng Ba Tơ, Quảng Ngãi. Ca từ giản dị, mộc mạc nhưng đầy xúc cảm. Ta như được nghe thấy bước chân của đoàn quân du kích Ba Tơ hành quân trong ngút ngàn bóng núi. Dù khó khăn, gian khổ, họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời: Đây khe suối Loa, hang Én còn reo vang tiếng cười.../ Du kích Ba Tơ, sống giữa lòng dân nâng chí căm thù lên/ Từ Kinh đến Thượng cùng nhau kết đoàn, gian khổ bền gan.../ Mùa thu gió về lòng gợi thương nhớ người chiến sĩ vì dân...

leftcenterrightdel
Những chỉ huy du kích Ba Tơ và nhạc sĩ Dương Minh Viên (người ngồi). Ảnh chụp lại

Ngay từ khi mới ra đời vào mùa xuân năm 1949, bài hát đã được Đội văn công Quảng Ngãi thời bấy giờ trình diễn trước công chúng, nhanh chóng phổ biến khắp nơi trong tỉnh và toàn Liên khu 5, cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của quân và dân ta. Sau này, bài hát đã được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng và được chọn vào tuyển tập “30 năm miền Nam ca hát”, làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Nghĩa Bình (trước đây) và của Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Ngãi hiện nay. Bài hát còn được khắc trên đá quý đặt trong Bảo tàng Ba Tơ như một hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc khởi nghĩa hào hùng năm xưa.

Nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu kể tiếp: “Dịp kỷ niệm 40 năm Khởi nghĩa Ba Tơ (năm 1985), lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cử tôi và Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Tạ Hiền Minh tìm bằng được tác giả bài “Du kích Ba Tơ”. Thế rồi chúng tôi cũng tìm đến được nhà nhạc sĩ trong một con hẻm trên đường Huỳnh Tịnh Của (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Trong căn nhà mái tôn chật hẹp tuềnh toàng, nhạc sĩ Dương Minh Viên rơm rớm nước mắt xúc động đón những người anh em Quảng Ngãi, rồi ông vào chái nhà lấy ra những kỷ vật đã trân trọng lưu giữ trong nhiều năm: Ống tre đựng nước uống hồi tập kết ra Bắc, cái bát ăn bằng gáo dừa, bộ quân phục bạc màu, cái ruột tượng đựng gạo, chiếc áo trấn thủ bằng vải xi-ta xám tự túc của Liên khu 5... Nhạc sĩ sinh năm 1925 ở Hội An (Quảng Nam), thời trẻ học đàn violon với nhạc sĩ Vương Quốc Mỹ, một danh cầm của miền Trung lúc bấy giờ. Rồi hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông phải bỏ nhạc, học nghề chụp ảnh ở hiệu Lệ Ảnh. Quân Pháp tái chiếm Đà Nẵng, Hội An, Dương Minh Viên gia nhập đội vũ trang tuyên truyền Liên khu 5. Nhờ có nghề chụp ảnh, ông được Bộ tư lệnh Liên khu 5 bố trí đi dàn dựng, ghi lại người và cảnh của Đội Du kích Ba Tơ để làm tư liệu sau này. Ông đã chụp nhiều kiểu chân dung những chỉ huy du kích, đến kiểu ảnh này, ông để chế độ tự động và như lời ông tự nhận “góp mặt vô với mấy anh chỉ huy để có tấm hình kỷ niệm ngày trên chiến khu”.

Trong buổi lễ năm ấy, biết nhạc sĩ Dương Minh Viên tuổi đã cao, sức yếu, nhà lại rất nghèo, ban tổ chức và anh em văn nghệ Quảng Ngãi gom góp được 5 triệu đồng biếu ông, thời điểm đó số tiền ấy cũng có giá lắm. Ông nhận và cảm động nói: “Đời tui chưa bao giờ được số tiền nhiều như rứa!”. Buổi lễ vừa kết thúc, Trung tướng Nguyễn Đôn kéo nhạc sĩ Dương Minh Viên ra ngoài hành lang, tháo chiếc nhẫn vàng hơn một chỉ trên tay mình, chân thành nói với nhạc sĩ: “Chút quà nhỏ này anh cầm lấy làm kỷ niệm về một thời nằm gai nếm mật với nhau...”.

PHẠM QUANG ĐẨU