Quay sang chúng tôi, ông lại “nối dài” câu chuyện về những kỷ niệm khó quên của một người thầy-một bác sĩ-nhà khoa học-nhà quản lý mà gần trọn cuộc đời gắn bó với một trong những mái trường hàng đầu về y học nước nhà: Học viện Quân y.

leftcenterrightdel
Trung tướng, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khánh. Ảnh: KHÁNH AN

Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1961, cuộc đời của chàng thanh niên Phạm Gia Khánh có lẽ đã rẽ sang hướng khác nếu như ngày ấy ông… đủ cân để đi học tập ở nước ngoài. Vậy là ông khoác ba lô vào Trường Đại học Y Hà Nội. Năm 1966, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, Phạm Gia Khánh được giữ lại làm giảng viên của trường.

Đến bây giờ, những sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội từng học thầy Khánh vẫn nhớ bài học mà thầy căn dặn các thực tập sinh bệnh viện. Chuyện là một đêm mùa đông năm 1974 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, sau ca mổ cấp cứu, thầy Khánh ở lại chuyện trò với kíp trực sinh viên. Thấy một học viên giở tài liệu ra học bài, thầy nhắc: “Lý thuyết có thể học ở nhà, nhưng trong giờ trực, các em phải học thực tế, học trên bệnh nhân”. Bài học ấy là kinh nghiệm cũng là yêu cầu tiên quyết của nghề y, bởi người bác sĩ nắm trong tay sinh mệnh của người bệnh, không được để cho mình có phút giây lơ là, thiếu tập trung. Bên cạnh lý thuyết trên giảng đường, thực tế lâm sàng là nơi rèn luyện tốt nhất bản lĩnh, tay nghề của mỗi thầy thuốc.

10 năm gắn bó với Trường Đại học Y Hà Nội, thầy Khánh miệt mài với các giờ giảng trên lớp và bước đầu khẳng định năng lực của một phẫu thuật viên trẻ tài năng, đầy triển vọng. Nhưng có lẽ phải đến khi nhập ngũ năm 1975, chính thức trở thành bác sĩ quân y, gắn bó với Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), thầy Khánh mới thực sự được “chắp cánh” trong lĩnh vực ngoại khoa. Trưởng thành từ phó chủ nhiệm bộ môn đến khi là người lãnh đạo cao nhất ở học viện, ông có biết bao kỷ niệm ở môi trường “rèn người” và “luyện nghề” này. Ông bảo, chuyện đã cũ thì nhiều, nhưng có lẽ đáng nhớ và ghi dấu ấn với ông là việc mở lớp “đào tạo tuyến” và ca ghép gan đầu tiên.

Trở lại đầu thập niên 2000, bác sĩ tuyến cơ sở thiếu trầm trọng. Chủ trương của trên là phải gấp rút đào tạo bổ sung bác sĩ cho tuyến y tế xã, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới, vì việc làm này không chỉ phục vụ tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn có ý nghĩa quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ này được giao cho Học viện Quân y. Với cương vị Giám đốc Học viện, ông lo lắng “toát mồ hôi” bởi đây là nhiệm vụ chưa từng có ở học viện khi đối tượng đào tạo từ trước đến giờ là qua thi tuyển, đào tạo y, bác sĩ cho quân đội, “cái khó” quá nhiều. Trước hết là vấn đề nhân lực, rồi cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu nghiêm trọng, chương trình đào tạo phải xây dựng lại cho phù hợp với đối tượng cử tuyển. Phải bắt đầu thế nào đây? Nhiệm vụ trên giao phải hoàn thành, thêm vào đó là cần tạo tâm lý tốt cho cán bộ thực thi nhiệm vụ. Câu nói của Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó cứ trở đi trở lại trong đầu ông: “Đào tạo cho dân là gửi quân ở trong dân”, đã được ông truyền đạt tinh thần tới cán bộ toàn học viện. Cái khó sẽ được gỡ từng bước. Ông đã cho họp bàn các cấp, đề ra các phương án và nhanh chóng triển khai thực hiện.

Gần 3 tháng sau, khóa học đầu tiên đã được khai giảng, đào tạo các học viên đến từ 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Số bác sĩ này sau đó được đánh giá là đáp ứng tốt công việc tại tuyến cơ sở. Nối tiếp thành công đó, học viện được giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ cử tuyển khu vực Tây Nguyên. Song song với nhiệm vụ này, để tham gia sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới, học viện được giao đào tạo bác sĩ đa khoa hệ chính quy cho ngành y tế. Sự tăng đột biến về số lượng và khối lượng đào tạo trong một thời điểm là thách thức lớn đối với học viện. Song với truyền thống của quân đội “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, học viện đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bước sang thế kỷ 21, một thành tựu ấn tượng của học viện là tiến hành thành công ca ghép gan đầu tiên, năm 2004. Ông kể, thời điểm đó, tuy việc ghép thận đã thành công với ca ghép đầu tiên được tiến hành năm 1992 nhưng ghép gan vẫn là một điều mới mẻ, khó khăn và tư duy lúc đó đều cho rằng Việt Nam “chưa đủ điều kiện” để làm được. Trên cương vị là Giám đốc Học viện, thầy Khánh vẫn chỉ đạo các thành phần quyết tâm thực hiện. Bản thân thầy sẵn sàng đón nhận “chỉ trích” của dư luận nếu ca ghép không thành công. “Bệnh nhân là cháu Nguyễn Thị Diệp (10 tuổi), quê ở Nam Định, bị bệnh teo đường mật bẩm sinh đã biến chứng, nếu không ghép gan sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người cho sẽ hiến một phần lá gan là bố đẻ của cháu. Tôi nhớ hồi đó, có vị lãnh đạo ngoài ngành còn e ngại: “Ghép gan để làm gì? Số tiền quá lớn như vậy (2,7 tỷ đồng-PV) nên chăng dùng vào việc tiêm chủng cho trẻ em?”-GS Phạm Gia Khánh kể.

leftcenterrightdel
Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y thực hiện một ca ghép tạng, tháng 11-2018. Ảnh: VIỆT CƯỜNG

Nhưng đó là đề tài ông và đồng nghiệp đã trăn trở từ lâu. Từ nhu cầu của xã hội, rồi những chuyến thực tế tại các bệnh viện hàng đầu châu Âu, cùng những đêm dài nghiên cứu các tư liệu nước ngoài..., ông tin tưởng vào sự thành công của lĩnh vực còn khá xa lạ với Việt Nam này. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, kể cả những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được. Với sự quyết tâm cao, Học viện Quân y đã giải quyết các vấn đề với khả năng tối đa của học viện cùng sự giúp đỡ của các đơn vị bạn. Ví như, để bảo đảm kết quả sau ghép cần phải xét nghiệm nồng độ thuốc ức chế miễn dịch (tacrolimus) trong máu bệnh nhân hai lần trong ngày, kéo dài liên tục trong hơn một tháng. Ở thời điểm đó, xét nghiệm này chỉ làm được ở TP Hồ Chí Minh. Để giải quyết vấn đề, Học viện Quân y đã thành lập một “đường dây chuyển máu” của bệnh nhân từ Bệnh viện Quân y 103 đến Sân bay Nội Bài, từ Sân bay Nội Bài đến Sân bay Tân Sơn Nhất rồi chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115, một hành trình dài gần 2.000km với đủ các thủ tục hàng không phức tạp.

Sau nhiều cuộc họp đánh giá của Hội đồng Khoa học Bộ Y tế, cuối cùng Học viện Quân y đã có trong tay quyết định chuẩn y từ Bộ Y tế cho tiến hành phẫu thuật. Ông bảo, tình hình khi đó khó khăn đến mức dù ủng hộ quyết định ghép gan của Học viện Quân y, lãnh đạo một bệnh viện có tiếng cũng phải thừa nhận: “Nhận nhiệm vụ này thật là dũng cảm!”. Ca ghép gan đầu tiên đã thành công đúng như mong đợi. Thành công đóá không chỉ là việc cứu sống cháu bé 10 tuổi mà đã rút ngắn sự tụt hậu của trình độ ghép gan và ghép tạng Việt Nam so với thế giới. Ông cho biết: “Cùng với ghép thận, gan và sau này là ghép tim, tụy, phổi, chúng ta dù đi sau thế giới gần 50 năm, nhưng đến nay đã theo kịp”. Sự nỗ lực của ông và đồng nghiệp đã được ghi nhận với Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho Cụm công trình ghép tạng của Học viện Quân y, năm 2005.

Chia tay chúng tôi, ông vui vẻ cho biết, 15 năm đã qua, sức khỏe và chức năng gan của hai bố con cháu Diệp đều ổn định. Cháu Diệp đã tốt nghiệp tại một trường cao đẳng y-dược và hiện đang công tác tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y. Bản thân Trung tướng Phạm Gia Khánh, dù đã nghỉ công tác 10 năm nay, nhưng vẫn phải tham gia nhiều việc, là Chủ nhiệm Chương trình khoa học-công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về y dược, xây dựng chương trình nghiên cứu y dược cho Việt Nam; Trưởng ban Biên soạn về y dược cho bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, lại trên cương vị của một Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành y, Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam. Chia sẻ về điều đó, ông cười: “Người thầy thuốc chỉ có con đường học tập và nghiên cứu khoa học suốt đời, để vén dần bức màn huyền bí của bệnh tật và y học”...

PHẠM THU THỦY