Đồng chí Lê Văn Chừng (bên trái) và Phó đô đốc, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tình

Trưởng thành từ người lính trong kháng chiến chống Pháp, là lớp thuyền trưởng đầu tiên được đào tạo ở nước ngoài trở về xây dựng lực lượng Hải quân, sau trở thành cán bộ Cục Tác chiến... cuộc đời Đại tá Lê Văn Chừng chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Trong đó, lần bắn rơi máy bay Mỹ trên vùng biển Hạ Long ngày 5-8-1964 là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ông.

Đại tá Lê Văn Chừng kể: Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8- 1964, đế quốc Mỹ đã có nhiều hành động khiêu khích ở miền Bắc nước ta. Ngày 2-8-1964, tàu khu trục Ma Đốc đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam và bị tàu phóng lôi của Hải quân ta đánh đuổi. Nhận định đế quốc Mỹ sẽ đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc, Trung ương Đảng ra chỉ thị cho tất cả các lực lượng tăng cường cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

Hôm đó, ngày 5-8-1964, trời biển Hạ Long trong xanh, yên tĩnh lạ thường. Từng đoàn thuyền vẫn tấp nập ra khơi đánh bắt cá. Lúc này, 4 con tàu săn ngầm mang số hiệu T-227, T-229, T-231 và T-225 của Tiểu đoàn 200 đang đóng quân tại Bãi Cháy. Đây là những con tàu rất hiện đại mới được trang bị cho Hải quân. Nhiệm vụ chính là để săn ngầm. Tàu nặng 200 tấn, tốc độ tối đa 25 hải lý/giờ, có hệ thống lái chính điều khiển bằng điện, hệ thống lái phụ ở phía đuôi. Vũ khí trên tàu được trang bị 4 giàn hỏa tiễn ở phía mũi tàu rất hiện đại. Khi phát hiện tàu ngầm của địch bằng ra-đa, giàn hỏa tiễn mà anh em chúng tôi thường gọi là “bom phóng” sẽ phóng đi theo lối cầu vồng đón đánh tàu địch. Ở phía đuôi tàu có giàn bom chìm, được thả khi tàu ta lướt qua tọa độ có tàu địch. Trên boong còn có hai bệ pháo 25mm 2 nòng bố trí ở mũi và đuôi tàu, tầm sát thương ở độ cao gần 2km. Khi đó tôi đang là trung úy-thuyền trưởng. Ngoài tôi, còn có 2 thuyền phó và 5 ngành bảo đảm trên tàu. Tất cả có 20 người.

14 giờ 40 phút, một tốp máy bay Mỹ gồm 8 chiếc ầm ầm lao tới, và bất ngờ phóng rốc-két xuống khu trú đậu tàu của Hải quân. Cuộc tập kích bất ngờ làm 3 tàu tuần tiễu của Hải quân bị trúng đạn ở mạn khô. Tất cả các tàu săn ngầm của ta nhanh chóng cơ động ra khỏi cảng. Máy bay địch tiếp tục xuất hiện, bổ nhào lần thứ hai, các loại hỏa lực của ta dưới tàu, trên bờ đồng loạt nổ súng đánh trả quyết liệt.

Phán đoán máy bay địch sẽ bổ nhào theo từng đợt, tôi ra lệnh cho tàu cơ động ra khỏi quân cảng, qua bến Hòn Gai ra vùng vịnh sẵn sàng đón đánh địch. Cuộc chiến đấu ngày càng diễn ra ác liệt. Trong khói bom mù mịt, binh nhất pháo thủ Bùi Mạnh Hùng điềm tĩnh nhả đạn. Hùng là xạ thủ rất chắc chắn, có nhiều sáng kiến trong huấn luyện. Từng hòm đạn 45kg, bình thường phải hai người khiêng, lúc này chỉ một người vác băng băng. Các nòng pháo liên tiếp được làm nguội, nã đạn về phía kẻ thù.

Cùng chia lửa với chúng tôi là các tàu của Đoàn 130 phía bên Bãi Cháy, các đơn vị pháo cao xạ đóng quân trên đồi, các lực lượng tự vệ bến phà Hòn Gai cũng đồng loạt nhả đạn vây đánh kẻ thù. Mặt biển sôi sùng sục. Đạn, khói bay mù mịt. Các tàu của ta vừa cơ động chiến đấu vừa uyển chuyển tiến lùi tránh bom đạn địch. Tôi bình tĩnh chỉ huy, ra khẩu lệnh chiến đấu, hàng loạt đạn nã vào hướng máy bay đang bổ nhào cắt bom. Một tiếng nổ lớn vang lên kèm theo là những khối lửa loằng nhoằng, 2 chiếc máy bay Mỹ bốc cháy, một chiếc tan xác cùng tên giặc lái đâm sầm xuống biển trong tiếng hò reo của người dân ven biển. Chiếc máy bay còn lại viên phi công nhảy dù xuống biển và bị bắt ngay sau đó. Đó là “giặc trời” An-va-rét.

Sau chiến thắng, tàu T-225 cùng nhiều đơn vị, chiến sĩ được thưởng huân chương Chiến công các hạng. Riêng tôi được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng ba.

… Giờ đây, vị đại tá dũng cảm năm xưa sau gần nửa thế kỷ phục vụ trong quân đội đã về sống tại quê vợ làng Đoan Tảo, xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nơi có vườn cây hoa trái bốn mùa ngát hương. Kỉ niệm về chiến thắng trận đầu vang dội, những khoảnh khắc bắn rơi máy bay Mỹ năm nào vẫn vẹn nguyên trong tâm trí người thuyền trưởng ấy.

BÙI THỊ HƯƠNG