Nhưng, như tâm sự riêng, ông thích nhất hồi được khoác trên mình màu xanh áo lính và làm công tác địch vận-bước đệm để sau này ông đến với ngành ngoại giao, sự nghiệp theo ông 50 năm sau đó. Câu chuyện sau đây mà ông kể chính là khi ông đảm nhiệm cương vị Trưởng phòng Địch vận của Bộ Tổng tư lệnh, đơn vị tiền thân của Cục Dân vận, cách nay tròn 70 năm.
Ông Lưu Văn Lợi. Ảnh: Tuấn Tú
Đầu tháng 3-1947, tôi đang ở chỗ sơ tán mới gần Hòa Lạc (thuộc Hà Tây trước đây) thì nhận được quyết định làm Trưởng phòng Địch vận của Bộ Tổng tư lệnh. Băn khoăn tự hỏi: Sao tổ chức lại giao cho mình làm địch vận, một việc mới mẻ với bản thân. Sau nghĩ ra, có lẽ thời gian tôi làm công tác vận động Pháp kiều với anh Bùi Lâm sau khi ta ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, tôi đã làm công tác vận động binh lính Pháp trong sư đoàn của tướng Lơ-cle (Leclerc). Công việc địch vận sẽ khó khăn nhưng đó cũng là một vinh dự đối với tôi.
Rời nơi sơ tán, dắt xe đạp qua con đường làng lổn nhổn đá ong, tôi ra đường cái lớn, ngủ một đêm ở Phú Thọ, hôm sau lên đường ngay. Dọc đường rất đông cán bộ cũng đạp xe như tôi hối hả đi về phía thị xã Tuyên Quang. Qua bến Bình Ca, tôi theo con đường Tuyên Quang đi Thái Nguyên. Lúc bấy giờ, Chính trị cục đóng quân ở thôn La Bằng, nhưng đặt trạm liên lạc ở Đại Từ. Đồng chí giao liên xem giấy tờ của tôi xong rồi dẫn tôi đi La Bằng. Anh Văn Tiến Dũng tiếp tôi rất niềm nở, thấy tôi thư sinh, anh có vẻ ái ngại với những gian truân dọc đường tôi trải qua, bảo tôi nghỉ vài ngày cho lại sức. Chị Kỳ, vợ anh Văn Tiến Dũng cùng tiếp tôi với sự thanh lịch của người Thủ đô.
Được nghỉ hai ngày, tôi chính thức nhận nhiệm vụ. Lúc này, Chính trị cục quan niệm công tác địch vận vẫn là lôi kéo binh sĩ ngả theo ta, ưu đãi và thả tù binh để quân địch hiểu chính sách của Quân đội ta, chống lại xuyên tạc của địch. Chính trị cục rất quan tâm tới vấn đề tuyên truyền binh sĩ, vấn đề đối xử với tù binh và thả tù binh, coi đó là công tác có khả năng tác động mạnh mẽ đến binh sĩ địch. Vấn đề tổ chức bộ máy địch vận từ Trung ương xuống đại đội cũng được đặc biệt quan tâm. Với khẩu hiệu “làm tan rã hàng ngũ địch”, chúng tôi vẫn chưa biết làm địch vận là làm gì. Đối xử với tù binh, hàng binh là những vấn đề “nhỡn tiền”, muốn hay không muốn cũng có cách giải quyết, nhưng làm sao làm tan rã được đội quân hàng vạn người khác xa người Việt Nam về mọi mặt.
Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Quân sự Trung Giã, tháng 6-1954. Ông Lưu Văn Lợi là người đeo kính ngồi cạnh trưởng đoàn Văn Tiến Dũng. Ảnh tư liệu
Tháng 8-1948, Chính trị cục triệu tập Hội nghị địch vận toàn quốc để rút kinh nghiệm địch vận trong chiến đấu, bàn chính sách đối với mấy nghìn tù binh Âu Phi mà ta bắt được. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho hội nghị một bức thư, Người nêu giá trị chiến lược của địch vận và một số hướng dẫn cách làm cụ thể. Đây là một bài học hoàn chỉnh về địch vận. Cả hội nghị từ anh Văn Tiến Dũng đến cán bộ, ai nấy đều vui mừng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ bảo về nghệ thuật và phương pháp làm địch vận. Riêng tôi thấm thía nhất câu: Không đánh mà thắng địch-một quan niệm vững vàng về công tác địch vận.
Phòng Địch vận khi đó gồm tôi, đồng chí Lưu Quyên, Phó trưởng phòng, một đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, đã bị bắt giam ở nhà tù Sơn La, sau đó vượt được nhà tù này; hai đồng chí người Đức là Chiến Sĩ và Lê Đức Nhân đã cùng tôi làm hai tờ báo La République và Le Peuple; một đồng chí người Áo, kỹ sư Gioóc-giơ Oan-tơ (Georges Walter, tên Việt Nam là Hồ Chí Thơ) và một vài đồng chí khác. Lực lượng đó coi như đủ với bước đi ban đầu của phòng.
Vấn đề khó khăn đầu tiên là quan niệm công tác vận động lính Pháp như thế nào để từ đó đề ra khẩu hiệu thích hợp. Như đã nói ở trên, lúc đầu kháng chiến, ta đưa khẩu hiệu “làm tan rã hàng ngũ địch” là yêu cầu quá cao, không thực tế. Ít lâu sau, căn cứ việc họ đã là nạn nhân của cuộc xâm lược Đức, ta coi họ là anh em cùng cảnh ngộ nên kêu gọi đi theo chính nghĩa. Khẩu hiệu này chắc cũng làm một số binh sĩ Pháp suy nghĩ. Thực tế một số đã chạy sang ta, nhưng số đông còn lo sợ mang tiếng phản quốc và cuộc sống sau này nên không dám bỏ hàng ngũ. Sau khi Lê-ô Phi-giê (Léo Figuères), đại diện Đảng Cộng sản Pháp sang thăm ta cho biết, nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh và hồi hương thanh niên Pháp, ta thay đổi khẩu hiệu vận động binh sĩ Pháp, đưa ra khẩu hiệu: Hòa bình và Hồi hương (Paix et Rapatriement). Khẩu hiệu này nhanh chóng tác động đến binh sĩ Pháp. Ta lại chủ động và đơn phương thả một số tù binh Pháp để lính Pháp còn trong quân ngũ và gia đình họ cùng đấu tranh đòi hòa bình và hồi hương. Ta lại ra tờ báo tiếng Pháp tên là Hòa bình và Hồi hương để giải thích chính sách của ta.
Thời gian đầu, ngoài công tác tuyên truyền, ra báo, tung truyền đơn coi như công việc “cơm bữa” của ngành, có hai sự kiện đáng kể. Sau khi số hàng binh, chủ yếu là Đức, sang ta nhiều, chúng tôi vui mừng thấy công tác vận động có kết quả, do đó nghĩ đến việc sử dụng hàng binh Đức một cách tốt hơn, đồng thời đẩy mạnh việc vận động binh sĩ Đức trong các đơn vị lê dương. Năm 1948, được Bộ Tổng chỉ huy đồng ý, chúng tôi thành lập một đơn vị làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, gồm khoảng 40 người, một nửa là Đức, một nửa là Việt Nam. Đội lấy tên là Guillaume Tell. Đội do Lê Đức Nhân làm đội trưởng, Phạm Bình làm chính trị viên. Đội viên anh hùng như Việt Đức (tên Đức là Sa-lô-ten), Phạm Nhân (tên Pháp là An-đơ-ri-a) do chiến đấu dũng cảm được phong thiếu úy. Đội hoạt động tốt ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và đánh thắng một số trận, trong đó có trận đánh úp một đồn nhờ ăn mặc giả làm lính Pháp. Ngày 9-4-1948, Lê Đức Nhân được thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thành tích chiến đấu...
Sự kiện thứ hai là việc thành lập Đội quân Bắc Phi độc lập. Chúng tôi chọn khoảng 40 lính Bắc Phi thành lập đội này có nhiệm vụ gọi loa, tán phát truyền đơn tiếng Ả-rập. Sau này, Đảng Cộng sản Ma-rốc biệt phái sang Việt Nam một ủy viên trung ương-đồng chí Ma-rúp (Marouf, tên Việt Nam là Mã), giúp ta công tác vận động người Bắc Phi. Đồng chí Mã viết truyền đơn tiếng Ả-rập, giáo dục tù hàng binh Bắc Phi, có một số lần ra mặt trận gọi loa lính Bắc Phi và càng về cuối, càng có thêm nhiều hàng binh Bắc Phi.
Đầu năm 1949, tôi thôi giữ chức Trưởng phòng Địch vận và sang làm Trưởng phòng Tuyên truyền. Nhưng năm 1951, Đảng Cộng sản Pháp cử sang một số đồng chí giúp ta đẩy mạnh công tác vận động binh sĩ Pháp và châu Phi. Tổng cục Chính trị thấy cần cử cán bộ giúp các đồng chí đó hiểu được tình hình kháng chiến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, vì thế rút tôi về tiếp tục làm công tác địch vận.
Thời gian làm công tác địch vận của tôi không liên tục, cũng chỉ mấy năm nhưng tôi đã làm được một số việc quan trọng, nhất là cùng các đồng chí Pháp đề xuất đổi khẩu hiệu mới để vận động binh sĩ Pháp “Hòa bình và hồi hương”; đề xuất việc đơn phương phóng thích mấy đợt tù binh Pháp để thúc đẩy phong trào đòi “Hòa bình và hồi hương” tại Pháp; tổ chức tốt việc giáo dục, nuôi dưỡng tù hàng binh; thành lập các đội vũ trang tuyên truyền gồm người Đức, người Phi châu...
BÍCH TRANG (ghi)
Đại tá Lưu Văn Lợi (kể)