Nhưng với tính cách thân thiện, dễ gần, ông vẫn dành cho chúng tôi nhiều giờ đồng hồ để nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên về trận đấu bóng đá lịch sử giữa hai miền Nam - Bắc lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 7-11-1976.
|
|
Ông Mai Đức Chung, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trong không gian yên ắng, vắng lặng giữa những ngày mà Thủ đô thưa bóng người qua lại vì đại dịch Covid-19, ông Mai Đức Chung vào mạch chuyện với bao cảm xúc như mới diễn ra ngày hôm qua: “Với thông điệp hòa bình, thống nhất và thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, sau ngày giải phóng hơn một năm, hai miền Nam-Bắc đã tổ chức trận giao hữu bóng đá và chúng tôi là những cầu thủ của đội bóng Tổng cục Đường sắt vinh dự được đại diện cho miền Bắc vào thi đấu với các cầu thủ đội nhà Cảng Sài Gòn (SG). Chúng tôi đã từng sang Trung Quốc, Triều Tiên, Ba Lan giao hữu với các đội bóng nước bạn, nhưng khi nhận được thông báo chuẩn bị vào Nam thi đấu, mọi người đều háo hức mong chờ”.
Gỡ bức ảnh to trên tường xuống, ông Chung giới thiệu với chúng tôi gương mặt từng cầu thủ có mặt tại sân vận động Thống Nhất vào tối chủ nhật 7-11-1976. “Khác hẳn với những hình dung ban đầu, xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều cầu thủ đội Cảng SG ra tận sân bay đón tiếp đội bóng rất thân tình như người thân đi xa trở về. 19 giờ trận đấu mới diễn ra nhưng từ đầu giờ chiều, hơn 2 vạn khán giả miền Nam đã phủ kín các khán đài. Khán giả đến đông tới mức tràn cả ra đường piste tiến sát vào đường biên, lực lượng làm trật tự phải dùng cành cây để ngăn cổ động viên không đứng vào vạch vôi ảnh hưởng đến trận đấu.
|
|
Đội bóng Tổng cục Đường sắt (ông Mai Đức Chung đứng thứ sáu, từ trái sang) tại sân Thống Nhất trong trận đấu ngày 7-11-1976. |
Giờ phút lịch sử đã đến. Các cầu thủ nắm tay nhau bước ra sân, hòa trong tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Hào khí của tình đoàn kết dân tộc, “Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn” đã hiện rõ trên khuôn mặt của từng người, cả trong và ngoài sân cỏ. Tiếng còi khai trận vang lên, các cầu thủ chạy liên tục, gần như không có “bóng chết”. Thông thường sau mỗi pha phạm lỗi, bầu không khí sẽ căng thẳng, nhưng hôm đó, cầu thủ phạm lỗi kéo cầu thủ bị phạm lỗi đứng dậy ôm nhau cười rồi chạy tiếp. Mọi người dường như đá với 120% sức lực mà không ai kêu mệt hay bị chuột rút. Khí thế thật đặc biệt” - ông Mai Đức Chung nhớ lại.
Trong ký ức của ông Chung, các cầu thủ của hai đội bóng-đại diện cho hai miền hôm đó đã thi đấu quyết tâm, cống hiến với tất cả khả năng tốt nhất của mình. Đội chủ nhà Cảng SG đá theo lối bóng ngắn, kỹ thuật, nhiều pha bóng ban bật, phối hợp tương đối nhuần nhuyễn. Còn đội bóng đến từ miền Bắc chủ yếu đá bóng dài và nhanh, tương đồng với lối chơi của các đội bóng Liên Xô, Tiệp Khắc lúc bấy giờ. Huấn luyện viên Mai Đức Chung kể: “Phút 28 của trận đấu, Lê Thụy Hải có một đường chuyền bóng tinh tế vào khu vực 16 mét 50 để tôi bật cao đánh đầu ghi bàn. Khán giả đứng dậy vỗ tay liên hồi. Tôi sung sướng cảm giác như bay trên mây. Kết quả trận đấu được định đoạt ở phút 54 khi Lê Thụy Hải làm một cú sút sấm sét từ gần giữa sân làm tung lưới của thủ môn đội Cảng SG”.
Trận đấu kết thúc thường sẽ có người vui kẻ buồn, nhưng hôm ấy, người ta không quan tâm đến chiến thắng về tỷ số mà chính là chiến thắng của tình đoàn kết hai miền Nam-Bắc sau bao năm chia cắt. Người dân miền Nam được tận mắt chứng kiến phong cách chơi bóng hào hoa, nhiệt huyết cũng như diện mạo của các cầu thủ miền Bắc. Đội bóng Tổng cục Đường sắt-những sứ giả thể thao và cũng chính là sứ giả của tình thân đã để lại cho người hâm mộ và nhân dân miền Nam một tình cảm quý mến, ấn tượng. Trận đấu giao hữu đã xóa nhòa mọi rào cản trong quá khứ, không còn tâm lý kẻ Bắc, người Nam. Tình đồng bào lại được nhân lên sau trận cầu lịch sử ấy.
CHÍ HÒA