QĐND - Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức tọa đàm “Đồng chí Trần Văn Giàu-Nhà cách mạng, nhà giáo, nhà khoa học-Dấu ấn một nhân cách”. Những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm sâu sắc được các đại biểu trình bày đã góp phần làm nổi bật nhân cách cao đẹp của Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.
|
Giáo sư, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu. |
Trong cuộc đời gần 100 năm, Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu đã trực tiếp tham gia và chứng kiến những sự kiện hào hùng nhất, gian khổ nhất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông đã có hơn 80 năm đấu tranh kiên cường, dũng cảm vì sự nghiệp cách mạng và giảng dạy, nghiên cứu, cống hiến cho sự nghiệp khoa học, giáo dục nước nhà. Bởi vậy, rất nhiều thế hệ trí thức Việt Nam tôn vinh GS Trần Văn Giàu, cung kính gọi ông với danh xưng “thầy Giàu”. Theo GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nét đặc sắc trong nhân cách Trần Văn Giàu là ở chỗ, con người ông chính là sự hòa quyện nhuần nhuyễn của một người chiến sĩ yêu nước, nhà cách mạng chuyên nghiệp, nhà giáo mẫu mực và học giả uyên thâm. Bất cứ ai gặp ông dù chỉ thoáng qua hay được sống và làm việc gần gũi với ông đều có một ấn tượng sâu sắc. Từ giọng nói Nam Bộ, tiếng cười cởi mở, trong cách cư xử hằng ngày... đều toát lên lòng nhân hậu, bao dung, nhưng cũng rất quyết liệt, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng chân tình, dung dị. Ông Nguyễn Thọ Chân, 95 tuổi, lão thành cách mạng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người từng hoạt động cách mạng với Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu, nhớ lại: “Tháng 4-1940, anh Sáu Giàu mãn hạn tù 5 năm ở Khám Lớn Sài Gòn. Thực dân Pháp vừa thả anh Sáu mấy ngày đã bắt lại ngay và đưa đi an trí ở trại Tà Lài (Đồng Nai)-vùng rừng thiêng nước độc, cách biệt với đồng bào. Vậy mà, tại chốn sơn cùng thủy tận ấy, anh Sáu đã tổ chức cho những người đồng chí vượt ngục thành công và trở lại Sài Gòn hoạt động”.
|
Giáo sư Trần Văn Giàu với các cháu thiếu nhi TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu. |
Với bản lĩnh, nhân cách của một trí thức yêu nước, ngay trong nhà tù, Trần Văn Giàu vẫn là “giáo sư đỏ” thuyết phục luôn cả lính và cai ngục hướng về chính nghĩa. Ông đã biến lao tù thành “trường học nội trú” của Đảng, huấn luyện lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động cho anh em tù nhân. Đỉnh cao nhân cách Trần Văn Giàu là trong vai trò “nhạc trưởng” của Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ, giành được thắng lợi ngoài mong đợi.
Có một câu chuyện diễn ra ở Hà Nội, trong thời gian đồng chí Trần Văn Giàu ra Bắc công tác vào cuối năm 1945. Ấy là sự kiện Trần Văn Giàu diễn thuyết trước người dân Thủ đô, hạ bệ hàng loạt nhân vật "tai to mặt lớn” của Đảng Việt Quốc, Việt Cách, khiến chúng vô cùng căm phẫn, tung tin trên báo sẽ lấy mạng Trần Văn Giàu vào đêm diễn thuyết tại Nhà hát Lớn. Cái tin ấy càng làm cho nhân dân Hà Nội kéo đến nhà hát đông hơn để xem Trần Văn Giàu có dám diễn thuyết nữa không. Gần tới giờ vẫn chưa thấy diễn giả đâu, ai nấy đều lo lắng; đám Quốc dân Đảng đắc chí cười nhạo. Đúng lúc đó Trần Văn Giàu xuất hiện, tay cầm tờ báo đọc to mấy dòng kẻ thù đe dọa rồi vo lại ném xuống sàn, mạnh mẽ tiến tới bục diễn thuyết. Cả Nhà hát Lớn vang dậy tiếng vỗ tay. Bọn phản động không tài nào thực hiện được âm mưu hạ sát ông bởi người dân Thủ đô vây kín bảo vệ ông, lắng nghe ông tuyên truyền về cách mạng, kêu gọi phản đối Quốc dân Đảng. Sinh thời, Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng viết: “Sau lần ấy, uy tín của thầy Trần Văn Giàu trong lòng nhân dân Thủ đô tăng lên vùn vụt. Họ tin tưởng, tôn trọng tài năng, bản lĩnh, nhân cách của ông nên hết lòng ủng hộ, bảo vệ ông an toàn trước mọi âm mưu bắt bớ, đe dọa của đám Việt gian”...
Nhân cách Trần Văn Giàu không chỉ thể hiện trong hoạt động cách mạng mà ngay cả trong đời thường. Dẫu cuộc sống gian truân, vất vả, song ở ông luôn thường trực nụ cười nhân ái, sống trách nhiệm, trọn nghĩa vẹn tình. Tiến sĩ Đinh Thu Xuân, con nuôi GS Trần Văn Giàu, kể: “Năm 1994, cha đẻ tôi lâm trọng bệnh, GS đã gọi tôi đến nhà, lấy ra một cặp nhân sâm Triều Tiên rồi nói: “Đây là quà của Chủ tịch Kim Nhật Thành tặng”. Ông lấy một cây đưa cho tôi mang về quê ngay để kịp cho cha tôi bồi bổ sức khỏe. Việc lớn của quốc gia hay việc nhỏ thường ngày, GS Trần Văn Giàu cũng luôn quan tâm, mẫu mực, chu đáo và rất nghĩa tình”. Nhân cách của ông trong đời thường còn được Tiến sĩ Đỗ Nguyệt Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định thông qua câu chuyện mà bà là người trong cuộc: “Năm 1964, chính cô chú Sáu đã mai mối và làm chủ hôn cho đám cưới của vợ chồng tôi. Thời đó, mua được tấm vải may áo dài cô dâu là một việc rất khó, vì tiêu chuẩn tem phiếu của một người không đủ, nếu gộp cả năm cũng không thể mua nổi cái áo dài. Cô chú Sáu đã dành tiêu chuẩn cao cấp của mình cho tôi để mua áo cô dâu. Khi đất nước thống nhất, cô chú chuyển về Sài Gòn sống tại căn nhà số 70 Duy Tân (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) do Thành ủy TP Hồ Chí Minh cấp. Tại đây, cô chú sống cuộc đời vô cùng thanh bạch. Có một kỷ niệm mà đến tận bây giờ tôi vẫn không sao quên được. Đó là ngày 14-5-1983, tôi đang công tác tại Vũng Tàu thì nhận được thư của ông, trong thư có đoạn: “Cô và dượng rất muốn đi Vũng Tàu thăm các cháu nhưng mượn được xe ô tô mà không có xăng đổ nên đành nghỉ mát ở nhà vậy!”. Tôi đọc thư mà không cầm được nước mắt”.
Với người vợ hiền, bà Đỗ Thị Đạo, ông là người chồng rất mực thủy chung. Năm 1997, bà bị tai nạn phải nằm một chỗ. Hằng ngày, cứ đến bữa ông lại tự tay mang cơm đến bên giường ăn cùng bà. Ông chăm sóc bà cho đến lúc bà vĩnh viễn ra đi vào năm 2005. Ngày bà mất, ông buồn rầu, nước mắt lăn dài trên má, ngồi im bất động. Nhìn ông, nhiều người mới tiếp xúc lần đầu không khỏi ngạc nhiên: Con người lừng lẫy ở khắp các lĩnh vực lại nhân từ và trọng tình nghĩa đến vậy! Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, xúc động chia sẻ: “Năm 95 tuổi, thầy Giàu về thăm Viện Sử học, biết có thể đây sẽ là lần cuối được ra Hà Nội, thầy có nguyện vọng tới Lăng viếng Bác Hồ. Hôm đó lại đúng ngày Ban Quản lý đóng cửa Lăng để bảo dưỡng. Chúng tôi định đề nghị mở cửa Lăng để thầy vào viếng Bác, nhưng thầy bảo đừng làm phiền họ, rồi thầy bước tới vạch giới hạn, quỳ xuống, hướng vào Lăng vái lạy Bác Hồ và bật khóc khiến chúng tôi không nén được lòng”.
Ông khóc là bởi suốt cuộc đời ông nguyện học tập và noi gương Bác kính yêu, sống thanh bạch, giản dị, chẳng để lại gì cho riêng mình. Ngay cả ngôi nhà đang ở ông cũng bán đi, dành 1.000 lượng vàng (gần như toàn bộ gia sản có được) để lập Quỹ Trần Văn Giàu với mong ước giúp đỡ, phát triển những công trình nghiên cứu về lịch sử, tư tưởng vùng đất Nam Bộ thành đồng. Nguyên Thư ký Hội đồng chỉ đạo biên soạn “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” Trần Văn Kính cho biết: Năm 2006, khi biết tin cầu thủ Phan Văn Tài Em có hành động chống tiêu cực trong bóng đá, GS Trần Văn Giàu cho gọi Tài Em đến nhà khen ngợi và căn dặn: Bác không chuộng cái tài đá bóng của cháu mà rất chuộng cái đức cháu thể hiện ở SEA Games vừa rồi. Người có tài phải có đức, mong cháu giữ cái đức ấy để làm rạng danh cho quê hương. Rồi ông tặng Tài Em 5 triệu đồng cùng cuốn sách “Bản lĩnh Việt Nam” có ghi lưu bút: “Cháu đã giữ vững bản sắc dân tộc Việt Nam và danh dự của tỉnh Long An. Bác tặng cháu cuốn sách”…
Những hành động, việc làm của GS Trần Văn Giàu ngời sáng một nhân cách cao đẹp, tận tụy vì nước, vì dân. Hiện nay, khi cả nước đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì tấm gương của nhà cách mạng Trần Văn Giàu xứng đáng để thế hệ hôm nay tôn kính, noi theo. Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang khẳng định: “Nhân cách, phẩm chất, lý tưởng của người cộng sản kiên trung, mẫu mực đã đưa tên tuổi, hình ảnh Trần Văn Giàu trở thành hình tượng mẫu mực của nhân sĩ Nam Bộ mà thế hệ trẻ cần vươn tới để cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Cái tên Trần Văn Giàu đã, đang và sẽ vẫn còn gắn liền với lịch sử Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hôm qua, hôm nay và mãi về sau”.
HOÀNG THÀNH