Hai năm sau, Nhất Linh thôi việc sang Pháp du học, rồi trở về nước với tấm bằng cử nhân khoa học Toán-Lý, có ý định mở một tờ báo trào phúng. Nhất Linh nhớ ngay đến Hồ Trọng Hiếu và mời cùng làm báo với mình. Từ ấy, Tú Mỡ là bút danh của Hồ Trọng Hiếu khi làm văn chương, đến nỗi nhiều bạn đọc không biết tên thật của ông.
Trong bài “Bếp núc của Tự lực văn đoàn” in trên Tạp chí Văn Học số 5, tháng 6-1988, Tú Mỡ kể: Năm 1932, tờ Phong Hóa phát hành hằng tuần vào ngày thứ năm do Phạm Hữu Ninh quản trị, Nguyễn Hữu Mai giám đốc chính trị, loại báo vô thưởng vô phạt đang sống dở chết dở vì không ai buồn đọc, sắp sửa phải đình bản. Nhất Linh đề nghị nhượng lại tờ báo cho mình làm chủ bút, còn hai ông vẫn đứng tên quản trị và giám đốc chính trị làm vì, mỗi tháng lĩnh mấy chục bạc lương.
|
|
Nhà thơ Tú Mỡ. Ảnh tư liệu. |
Số báo đầu tiên ra ngày 22-9-1932 có đăng bài của Nhất Linh ủng hộ phong trào Thơ mới: “Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng”.
Từ một tờ báo không ai buồn đọc nhanh chóng trở thành tờ báo được mọi tầng lớp trí thức, dân nghèo cả ba miền hoan nghênh, đón nhận. Báo đã đáp ứng nhu cầu của quần chúng bấy giờ: Vạch mặt bọn cường quyền, tai to mặt lớn sống trên sự đàn áp, áp bức người khác; châm biếm bọn xu nịnh cúi luồn, đồng thời mở ra cho người dân cách nhìn vươn tới văn minh dân chủ. Khuyến khích con người đi tìm cảnh sáng tươi thay thế cảnh bùn lầy nước đọng, lầm than.
Báo Phong Hóa bộ mới có tôn chỉ rõ ràng: Theo con đường mới, tìm lý tưởng mới, không làm nô lệ ai, không xu phụ một quyền thế nào. Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động. Lấy thành thực làm căn bản. Lấy trào phúng làm phương pháp, lấy tiếng cười làm vũ khí… Báo sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, loại bỏ thứ văn lai căng. Theo Tú Mỡ: Nó không làm cách mạng, nhưng nó làm công việc khai phá, dọn đất cho cách mạng gieo hạt sau này.
Ngay từ thời đó, dưới sự điều hành của Nhất Linh, Báo Phong Hóa đã có nhiều chuyên mục rất hấp dẫn, tính chuyên nghiệp cao và thu hút độc giả. Báo còn đăng tải truyện ngắn, truyện dài, phóng sự về cuộc sống, tình yêu, về xung đột giữa cái cũ và cái mới trong cuộc sống muôn màu. Phong Hóa chọn lọc và đăng thơ của các nhà thơ: Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, làm cho thơ mới tung bay trên văn đàn như diều gặp gió.
Tòa soạn báo làm việc không biết mệt mỏi suốt ngày đêm, được tăng thêm niềm vui là sự tin cậy và yêu quý của bạn đọc. Ban đầu có 5 người: Ba anh em Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và hai người ngoài: Khái Hưng và Tú Mỡ. Bấy giờ có hai người là Hoàng Đạo và Tú Mỡ đang làm công chức nhà nước. Tú Mỡ-thư ký Sở Tài chính, còn Hoàng Đạo làm tham tá lục sự tòa án, nên họ vừa lo việc công sở lại đảm đương công việc báo đã giao. Nhất Linh là người tổ chức, chỉ đạo báo rất chuyên nghiệp, có biệt tài. Tất cả làm việc theo đường lối chung, nhưng viết có sắc thái, phong cách riêng. Các nhà báo giúp nhau trên tinh thần tôn trọng tự do cá nhân. Chủ bút Nhất Linh phân công cho các nhà báo từng lĩnh vực, không ai được lấn sân. Ví dụ mục “Giòng nước ngược” do Tú Mỡ phụ trách, mục “Bàn ngang” do Tứ Ly, tức Hoàng Đạo chăm sóc, mục “Những hạt đậu dọn” do Nhát dao cạo tức Khái Hưng đảm nhiệm v.v...
Họ thường gặp nhau vào tối thứ bảy tại trụ sở báo số 80 phố Quán Thánh, Hà Nội để bàn công việc. Chẳng hạn, Nhất Linh viết chung tiểu thuyết “Đời mưa gió” với Khái Hưng thì bàn nhau từng chương hồi cho nhân vật Tuyết gặp Chương ở đâu, tình tiết thế nào rồi phân ai chấp bút cho kịp in ấn.
Báo Phong Hóa đã nghĩ tới việc đi thực tế sáng tác cho các thành viên. Họ chuẩn bị đồ ăn thức uống rồi rủ nhau về các vùng quê gần Hà Nội thực tế. Khi thì đi về đền Lý Bát Đế, khi thì đi chùa Trầm, chùa Phật Tích, chùa Tiên. Có lần về Trung Hà rẽ vào thăm thi sĩ Tản Đà. Sau khi trở về lại có nhiều bài phóng sự mới rất xuất sắc.
Báo Phong Hóa làm ăn phát đạt, số báo in càng ngày càng tăng. Có số in một vạn bản, coi là kỷ lục bán hết. Công chúng bình dân rất yêu quý tờ báo, coi nó là tờ báo của mình, bạn đọc gửi bài đến càng nhiều. Ban lãnh đạo càng hăng hái viết bạo dạn hơn, đi đúng vào tâm lý quần chúng.
Nhưng Nhất Linh cũng có đề phòng bất trắc. Ông xoay xở cho ra một tờ báo Ngày Nay thật hiền lành để sơ cua sự biến cố xảy ra. Ngày Nay in chuyện văn chương, khoa học, xã hội, mỹ thuật, chính trị thường thức v.v...
Hai tờ báo song hành không lâu, quả nhiên tờ Phong Hóa bị chính quyền đương thời ra lệnh đóng cửa. Tờ Ngày Nay dần dần thay thế vai trò của Phong Hóa với nội dung cô đọng hơn trước.
Mỗi năm Ngày Nay có một lần làm báo Tết như chúng ta hiện nay. Họ tất bật nhưng vui. Cả tòa soạn rung lên như nhà có việc hỷ. Tết Kỷ Mão 1939, Tú Mỡ và Thế Lữ lo phần thơ xuân, đến khi báo lên khuôn thì gần như kiệt sức, nhưng hôm báo phát hành, nghe tiếng rao: “Ngày Nay số Xuân ơ…!” và bạn đọc chúi vào mua báo thì lòng người dâng trào niềm vui, quên mọi nhọc nhằn.
Kể từ khi chính phủ bình dân lên cầm quyền tại Pháp, ở Việt Nam được cởi mở hơn trong sinh hoạt báo chí. Các nhà báo “dễ thở” hơn, báo chí ít bị kiểm duyệt hơn. Tú Mỡ nói, ông nhờ làm báo cùng Nhất Linh mà tiến bộ hơn nhiều. Không chỉ làm thơ trào phúng còn làm thơ trữ tình, viết cả tường thuật trào lộng.
Báo Ngày Nay làm ăn càng phát triển, từ trắng tay giờ có lưng vốn, Nhất Linh cho xây dựng nhà in riêng, không phải in thuê bên ngoài nữa. Để chào mừng sự kiện này, báo đã ra vế xuất đối như sau để kính báo với bạn đọc: “Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà”. Quả là một vế xuất đối có một không hai trên văn đàn nước nhà khi đó. Chẳng có ai đối được, nhưng bạn đọc cả nước rất đỗi vui mừng.
Chiến tranh thế giới thứ hai sắp bùng nổ, chính phủ thực dân thẳng tay bóp nghẹt các hoạt động văn hóa tiến bộ và Báo Ngày Nay bị cấm. Tú Mỡ bị giám đốc Sở Tài chính Hà Nội dọa cách chức và bỏ tù, bắt cam đoan không được cộng tác với báo chí nữa. Giữa lúc ấy, tháng 9-1940, Nhật vào chiếm Đông Dương và sau đó đảo chính Pháp. Ngày Nay lại tục bản. Tú Mỡ lại tung bút đả kích, chiến đấu bằng ngòi bút trào phúng của mình, dù chỉ là nghiệp dư.
Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, trừ Thạch Lam mất năm 1942 vì ho lao, còn mấy người trong Báo Ngày Nay ly tán theo quan niệm sống mới của mỗi người. Sau tổng tuyển cử mồng 6-1-1946 và khi toàn quốc kháng chiến, Tú Mỡ theo Bộ Tài chính lên Chiến khu Việt Bắc, rồi ít lâu sau chuyển sang công tác văn hóa văn nghệ. Từ đó, Tú Mỡ thành Bút Chiến Đấu và “Giòng nước ngược” đã hóa thành “Nụ cười kháng chiến”. Thỉnh thoảng ông đi công tác lại gặp nhà thơ Thế Lữ, Xuân Diệu từng cộng tác với Báo Phong Hóa, Ngày Nay. Những lúc hàn huyên với bạn, ông thừa nhận trước khi viết cho Phong Hóa mới chỉ là học nghề, khi làm Báo Phong Hóa là vào nghề, đến báo Ngày Nay thành lành nghề.
KHÚC HÀ LINH