QĐND - Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Liêu Thượng, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Nhà tôi có 8 anh chị em, tôi là con út, được cha mẹ cho đi học từ nhỏ. Năm 13 tuổi, tôi được cha mẹ cho đi tu, hy vọng nương nhờ nơi cửa Phật để sau này làm nhiều việc thiện giúp cho quê hương. Lúc đầu tôi vào chùa làng sau lên chùa Cổ Lễ, được đặt pháp danh là Thích Pháp Lữ. Chùa Cổ Lễ do Hòa thượng Thích Thế Long trụ trì, luôn đề cao chân lý: Việc đạo không rời việc đời! Vì vậy, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch ngày 19-12-1946, tôi bàn với một số nhà sư và xin phép trình lên hòa thượng tạm thời rời cửa thiền đi đánh giặc.
 |
Đại tá Đinh Thế Hinh.
|
Ngày 27-2-1947, tại chùa Cổ Lễ đã tổ chức buổi lễ cho 27 phật tử “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Hòa thượng trụ trì Thích Thế Long đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật. Đại đức Thích Tường Minh hô: "Đội mũ!". Đồng loạt các tăng ni đội mũ có gắn sao vàng lên đầu. Bầu trời hôm ấy như nổ tung bởi các tiếng hò reo, vỗ tay như sấm dậy của bà con đến chứng kiến lễ phát nguyện. Thế là từ lúc ấy, chúng tôi đã trở thành chiến sĩ Vệ Quốc đoàn.
Những năm 1949-1950, tôi được vào học Trường Sĩ quan Nguyễn Huệ tại Hà Trung, Thanh Hóa của Quân khu 3. Học xong được cấp trên đưa về địa phương hoạt động trong vùng địch hậu công giáo Bùi Chu-Phát Diệm, nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc nhờ quần chúng bảo vệ. Sau hòa bình, được đi học Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây. Ra trường năm 1969, đi B được về Trung đoàn 225 pháo phòng không, thuộc Sư đoàn 367-Bộ đội Trường Sơn, rồi được bổ nhiệm làm Chính ủy Trung đoàn 542. Năm 1979, tôi được điều động về Quân khu 2. Năm 1989, được cấp trên cho nghỉ hưu.
Trung đội nghĩa sĩ Phật tử chùa Cổ Lễ năm xưa của chúng tôi mỗi người mỗi cảnh, người Nam tiến, có người lại trở về chốn cửa thiền, người về với đời thường. Chúng tôi bặt tin tức nhau từ ngày hòa bình lập lại vì những lý do riêng cho đến năm 2000 mới dần kết nối được. Đoàn quân phát nguyện đến nay chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay: 27 người thì có 12 người là liệt sĩ. Ở Hà Nội chỉ còn lại tôi và bà Nguyễn Thị Vạng-Ni cô Đàm Nhung, năm nay 93 tuổi, đang sống ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau, ôn chuyện cũ và nghiên cứu về Phật học, khai thác các khía cạnh tích cực của đời sống để cùng phát huy truyền thống, xứng đáng là những người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: TRẦN VĂN PHÚC (Ghi theo lời kể của Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 542-Bộ đội Trường Sơn.)