Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trịnh Tố Tâm, từng giữ các cương vị: Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trưởng ban Thanh niên Quân đội. Ông sinh năm 1945 tại thôn Mỹ Cầu, xã Đồng Tân trong gia đình có 4 người con. Cha mất sớm, anh trai lớn cũng hy sinh ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trịnh Tố Tâm đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và chiến đấu anh dũng tại Mặt trận Trị Thiên-Huế. Từ năm 1967 đến 1970, Trịnh Tố Tâm đã tham gia và chỉ huy đơn vị chiến đấu 58 trận, tiêu diệt 1.500 địch, trong đó có 700 lính Mỹ, phá hủy gần 100 xe quân sự cũng như đánh sập hàng chục cầu, cống... nhằm ngăn chặn bước tiến của kẻ thù. Trong những trận chiến đấu đó, cá nhân đồng chí Trịnh Tố Tâm đã diệt được hơn 270 tên địch (trong đó có 185 lính Mỹ), bắn rơi và phá hủy 3 máy bay, nhiều xe quân sự của địch. Với những thành tích trong chiến đấu, Trịnh Tố Tâm có 53 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ, được đồng đội phong là “vua mìn đèo Hải Vân”, còn kẻ địch đã treo giải thưởng lớn cho ai bắt được “Con hùm xám đèo Hải Vân-Trịnh Tố Tâm”. Đặc biệt, năm 1971, Trịnh Tố Tâm được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân khi vừa bước sang tuổi 27 và là Đại đội trưởng Đại đội 21 công binh, Đoàn 4, Quân khu Trị Thiên.

leftcenterrightdel
Gia đình Anh hùng Trịnh Tố Tâm và đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương chụp ảnh bên bức tượng chân dung Anh hùng Trịnh Tố Tâm mới khánh thành. Ảnh: TUẤN TÚ

Trong dòng cảm xúc nghẹn ngào tại buổi lễ khánh thành tượng, bà Trịnh Thị Mạn, sinh năm 1934, chị gái của Anh hùng Trịnh Tố Tâm đã kể lại những kỷ niệm về người em rất gan góc nhưng giàu tình yêu thương với gia đình, làng xóm trước khi lên đường nhập ngũ. Đó là một thanh niên luôn đi đầu “ba sẵn sàng” trong những phong trào xung kích ở quê nhà. “Cậu Tâm nói đi ra chiến trường là liền một mạch không về nhà. Cậu chiến đấu gan dạ, lập nhiều thành tích, được tuyên dương anh hùng và ra cả nước ngoài nói chuyện với bạn bè quốc tế, nhưng cậu chẳng bao giờ “khoe” cả. Một năm sau ngày cậu mất (năm 1996), đạo diễn Vũ Quang làm phim về cậu. Xem phim, nghe đồng đội rồi bà con Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế kể lại, chúng tôi mới biết cụ thể những chiến công của cậu”-vừa nói, bà Mạn vừa đưa cho chúng tôi đọc bài thơ bà viết tặng em trai. Thơ có đoạn: Ôi tiếng nói nụ cười thân thương đến thế/ Người em trai chị yêu quý vô cùng/ Bao năm khói lửa mịt mùng/ Mà em vẫn giữ một lòng sắt son...

Còn các con gái của Anh hùng Trịnh Tố Tâm cho biết, trong cuộc sống hằng ngày, ông là người nghiêm khắc, mẫu mực nhưng cũng vô cùng giản dị trong lối sống, sinh hoạt. Dù đất nước đã hòa bình nhưng ông chưa bao giờ nguôi nhớ về đồng đội từng sát cánh trên chiến hào, nhớ về mảnh đất Phú Lộc (Huế); Hải Vân (Đà Nẵng)... nơi ông có gần 10 năm gắn bó. Chẳng thế mà khi sinh con gái đầu lòng năm 1976, ông đã đặt tên là Trịnh Hải Vân. Không giấu nổi niềm tự hào về cha mình, chị Hải Vân nói: “Là con của một người anh hùng nhưng những chiến công hiển hách của cha và đồng đội, chúng tôi lại được nghe chủ yếu qua đài, báo. Cha giản dị, khiêm nhường với bản thân và luôn tận tâm, cống hiến hết mình trong công việc”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người đề xuất ý tưởng đồng thời là nhà tài trợ chính cho việc đúc tượng Anh hùng LLVT nhân dân Trịnh Tố Tâm là ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương. Ông Phan Văn Quý từng là lái xe Trường Sơn, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 23 tuổi, là một trong những anh hùng trẻ tuổi nhất của bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ. Chia sẻ về quyết định đúc tượng Anh hùng Trịnh Tố Tâm, ông Phan Văn Quý cho biết: “Năm 1978, tôi và anh Trịnh Tố Tâm cùng là đại biểu anh hùng sang Cuba dự Festival Thanh niên lần thứ 11. Tôi đã rất ấn tượng khi thấy trên ngực anh đeo đầy huân chương, huy chương, ngỡ như tấm áo giáp. Chỉ bằng điều đó thôi đã thấy anh chắc chắn từng lập nhiều chiến công. Ấy vậy mà anh rất khiêm tốn, cẩn trọng trong từng câu chuyện kể, lại rất hòa đồng. Từ những ngày ấy, tôi đã có mong muốn làm điều gì đó về người anh hùng đặc biệt này”. 

Sau nhiều năm ấp ủ, mong muốn của ông Phan Văn Quý đã gặp ý tưởng và sự đồng điệu của nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Ông Cường cũng là cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4, từng chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Ông Cường cho biết, bản thân ông may mắn được biết Anh hùng Trịnh Tố Tâm từ rất sớm. Năm ấy, ông được giao phụ trách mỹ thuật công trình tượng đài liệt sĩ ở Phú Quốc, còn đồng chí Trịnh Tố Tâm là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã hỗ trợ ông rất nhiều để hoàn thành tác phẩm, nhất là khi biết Nguyễn Phú Cường lúc 17 tuổi đã “khai man” năm sinh để được nhập ngũ, vào chiến trường chiến đấu. Sau ngày hòa bình, ông Nguyễn Phú Cường khi thực hiện các thủ tục hành chính đã lấy lại năm sinh gốc. "Sự cố" xảy khi đối chiếu các giấy tờ để được công nhận là thương binh thì thấy “vênh” về năm sinh giữa các giấy tờ ông được cấp trong kháng chiến với sau này. “Đang loay hoay không biết gỡ rối như thế nào thì tôi được đích thân Thứ trưởng Trịnh Tố Tâm hướng dẫn, về địa phương xin xác nhận “là một người”, rồi đến Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội sẽ có cán bộ hỗ trợ tiếp. Anh Tâm thực sự là một cán bộ chính sách có tâm và tấm lòng với đồng đội”-ông Cường nhớ lại.

Trong ấn tượng của nhà điêu khắc Phú Cường cũng như nhiều người thân và đồng đội, đồng chí Trịnh Tố Tâm là một chính khách nhưng không hề xa rời quần chúng. Chính vì vậy, với mong muốn thế hệ trẻ hiểu hơn về Anh hùng Trịnh Tố Tâm, Tập đoàn Thái Bình Dương đã đề xuất ý tưởng đúc tượng ông và trao tặng mảnh đất Ứng Hòa-nơi ông sinh ra và lớn lên. Được sự ủng hộ của gia đình Anh hùng Trịnh Tố Tâm, sự nhất trí của lãnh đạo địa phương, Ban giám hiệu Trường THPT Ứng Hòa B và các đơn vị liên quan, sau khoảng 4 tháng triển khai, bức tượng Anh hùng LLVT nhân dân Trịnh Tố Tâm bằng đồng, có kích thước 90cm, nặng gần 2 tạ do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường thực hiện đã hoàn thành và được đưa về đặt trong khuôn viên của nhà trường. “Khi tạc tượng Anh hùng Trịnh Tố Tâm, tôi chọn hình tượng lúc anh còn trẻ với nụ cười rạng rỡ, ánh mắt thông minh và không thể thiếu những tấm huân chương, huy chương trên ngực áo. Qua hình ảnh đó, tôi muốn các cháu học sinh, thế hệ trẻ đến đây sẽ được truyền cảm hứng về tinh thần kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh của người anh hùng trên quê hương mình”.

Đón nhận món quà ý nghĩa này từ gia đình Anh hùng Trịnh Tố Tâm và Tập đoàn Thái Bình Dương, thầy Phạm Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa B, đã thay mặt thầy và trò nhà trường bày tỏ sự trân trọng, đồng thời khẳng định: "Từ nay, bên cạnh những tài liệu lưu giữ về lịch sử truyền thống của địa phương, khuôn viên nơi đặt tượng Anh hùng LLVT nhân dân Trịnh Tố Tâm sẽ là một điểm đến lý tưởng trong hành trình khám phá của học sinh cũng như bổ trợ cho nhiệm vụ giảng dạy lịch sử cho các giáo viên của trường bằng trực quan sinh động".

"Anh rất khiêm tốn, cẩn trọng trong từng câu chuyện kể, lại rất hòa đồng. Từ những ngày ấy, tôi đã có mong muốn làm điều gì đó về người anh hùng đặc biệt này". 

Anh hùng Phan Văn Quý

BẢO LINH