Mới trung tuần tháng Ba (âm lịch) mà ở miền Bắc, ve đã ra rả trên vòm sấu cất tiếng gọi hè. Miền Trung đã cảm nhận rõ hơi nóng hừng hực của những đợt gió phơn Tây Nam. Còn ở Nam Bộ, phất phảng bên những cơn mưa rào chuyển vụ, mấy hàng phượng vĩ đã nhu nhú sắc hồng trên tán lá xanh mơn...
Anh bạn đồng môn của tôi đi tàu hỏa xuyên Việt từ Bắc vào Nam, cảm nhận rõ sự dịch chuyển thời tiết của cả ba miền. Thời còn học dưới mái trường sĩ quan trên đất quan họ, anh làm bài thi môn Văn, phân tích bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của nhà thơ Chế Lan Viên, được thầy giáo cho điểm 9. Nay, trước ngày bảo vệ luận án tiến sĩ, anh dành khoảng thời gian quý giá vào Thành phố mang tên Bác với tâm niệm, muốn được dâng hương, dâng hoa ở nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ 110 năm trước. Dẫn bạn đi thăm những di tích liên quan đến sự kiện lịch sử trọng đại này, tôi nhắc lại bài văn năm xưa, anh vui sướng như được trở lại thuở mang cầu vai đỏ...
Tôi dẫn bạn đến phố Châu Văn Liêm, quận 5. Sự hiện hữu của những công trình kiến trúc cổ có từ thời Pháp thuộc và những hàng cây sum sê khiến tuyến đường này hao hao một khu phố cổ ở Hà Nội. Thế nên nhiều du khách yêu mến gọi đây là phố. Riết rồi thành quen, như là một nét đẹp văn hóa. Ngôi nhà số 5 trên phố Châu Văn Liêm là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở, trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Ngôi nhà đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là điểm đến không thể thiếu trong chuỗi hành trình tham quan các di tích truyền thống dành cho du khách. Hơn một thế kỷ trôi qua, di tích đã qua vài lần trùng tu, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, mái lợp ngói âm dương, tường màu vàng nhạt. Bên trong nhà, những vật dụng và cầu thang gỗ nhẵn bóng màu thời gian như vẫn còn in dấu chân và hơi ấm của Người.
    |
 |
Nhà số 5 phố Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG SƠN |
Thấy chúng tôi chụp ảnh, một người phụ nữ nói giọng Bắc ở căn nhà số 7 kề bên bước ra. Chị đon đả:
- Nhà tôi ở đây, hằng ngày được chứng kiến những hoạt động bên căn nhà từng là nơi ở của Bác Hồ, cảm thấy thiêng liêng, ấm áp vô cùng.
Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hải, quê ở Bắc Ninh, sinh trưởng tại TP Hồ Chí Minh nên chị nói được tiếng của cả hai miền Nam, Bắc. Chị kể, thân phụ chị là ông Nguyễn Hữu Thạnh, một cán bộ của Quân Giải phóng. Sau khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, ông chọn thành phố này làm quê hương thứ hai và sinh sống tại căn nhà này suốt mấy chục năm qua. Sau khi song thân qua đời, chị Hải trở thành chủ nhân ngôi nhà liền tường với di tích. “Chúng tôi cố gắng giữ nguyên kiến trúc ngôi nhà cho tương đồng với kiến trúc di tích, chỉ có mái ngói hư hỏng nặng nên phải thay bằng tôn. Vào các ngày lễ, tết hay các sự kiện quan trọng, các cơ quan, đoàn thể của thành phố lại đến di tích dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác, làm lễ kết nạp đảng viên... Sống cạnh không gian thiêng liêng mang hơi ấm Bác Hồ, chúng tôi coi đó là niềm tự hào, hạnh phúc lớn lao của gia đình”, chị Hải nói và nhớ rành mạch các tư liệu lịch sử về ngôi nhà số 5.
Trong khoảng thời gian ở đây, Bác của chúng ta vừa dạy học, vừa đi làm ở trường thợ máy (École des Mécaniciens) và bán báo ở thương cảng. Người lăn lộn mưu sinh cùng bà con để thấu hiểu sâu sắc hơn đời sống công nhân, nhân dân lao động. Sự vất vả, cực nhọc của đồng bào mình và cuộc sống xa hoa của người Pháp trên các chuyến tàu ra vào các bến cảng Sài Gòn là những hình ảnh tương phản cao độ. Ở Sài Gòn không nhiều, nhưng đó là khoảng thời gian hết sức quan trọng để Người có bước chuẩn bị trực tiếp cả về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng cho chuyến đi xa vì nghĩa lớn. Ngày 4-6-1911, với bí danh Văn Ba, Bác bước xuống con tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville và ngày hôm sau (5-6-1911), Người theo con tàu rời bến cảng, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước...
Chúng tôi kính cẩn dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Người. 110 năm đã trôi qua. Lịch sử đất nước trải qua biết bao biến động, thăng trầm. Ngôi nhà này trở thành một chứng tích trong dòng chảy thời gian, lưu giữ những giá trị hồn cốt của một Sài Gòn xưa, nuôi dưỡng, lan tỏa tinh thần yêu nước đến với muôn triệu trái tim. Bạn tôi đọc khẽ mấy câu thơ, thanh âm như tiếng sóng vỗ bên mạn tàu từ hơn một thế kỷ trước vọng về: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác...”.
2
Trong hành trình sống cùng lịch sử với anh bạn hôm nay, tôi nhớ về cuộc gặp gỡ với ông Võ Huy Quang, quê ở Phan Thiết trước đó. Là một độc giả thân thiết của Báo Quân đội nhân dân, ông Võ Huy Quang đã cho chúng tôi xem nhiều tư liệu quý giá trong gia phả tộc họ. Ông là cháu nội của cụ Võ Văn Trang, một người bạn thân thiết của Nguyễn Tất Thành ở Phan Thiết. Võ Văn Trang chính là người đã đánh xe ngựa chở Nguyễn Tất Thành từ chùa Phước An (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) về Trường Dục Thanh (Phan Thiết) làm thầy giáo, với quãng đường hơn 80km. Trước khi vào Sài Gòn, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã có thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh và có mối quan hệ thân thiết với một số người trong Liên Thành thương quán, trong đó có cụ Võ Văn Trang. Ngôi nhà số 5 trên phố Châu Văn Liêm, TP Hồ Chí Minh ngày nay, chính là một chi nhánh của Liên Thành thương quán tại Sài Gòn ngày ấy.
Trong di cảo để lại, cụ Võ Văn Trang có những trang viết rất cảm động về người bạn, người anh lớn Nguyễn Tất Thành trong thời gian Người lưu lại Phan Thiết trên hành trình vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước. Tháng 9-1969, sau khi hay tin Bác Hồ từ trần, cụ Võ Văn Trang đau buồn, đổ bệnh rồi cũng ra đi vĩnh viễn sau đó ít ngày. Noi gương ông nội, Võ Huy Quang giác ngộ, đi theo cách mạng từ nhỏ. Ông bị địch bắt, đày ra "địa ngục trần gian" Côn Đảo, chung nhà giam với đồng chí Nguyễn Đức Thuận, tác giả cuốn “Bất khuất”. Những năm gần đây, ông dành tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Ông đã hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều hình ảnh, hiện vật quý giá và đang sở hữu bộ sưu tập hơn 10.000 hình ảnh, hiện vật lịch sử về Bác Hồ, làm tư liệu giáo dục cho con cháu...
    |
 |
Bến Nhà Rồng hôm nay. Ảnh: XUÂN CƯỜNG |
Chúng tôi rảo bộ dọc vỉa hè phố Châu Văn Liêm, vừa đi vừa nghĩ về những gì mắt thấy, tai nghe trong một ngày nắng đẹp. Vỉa hè này, con đường này có nguồn gốc từ một dòng kênh lấp, dẫn từ kênh lớn Tàu Hủ vào. Tốc độ phát triển và đô thị hóa khiến hàng nghìn ki-lô-mét kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh biến thành đường phố, nhưng dấu ấn xưa cũ vẫn được lưu lại trên những bức ảnh, thước phim lịch sử. Rảo bộ từ phố Châu Văn Liêm ra kênh Tàu Hủ chỉ mất vài phút. Con kênh rậm rịt dừa nước và nhà sàn san sát hai bên bờ xưa kia giờ như một dải lụa thẫm giữa đôi bờ phố xá tấp nập, một bên là Đại lộ Võ Văn Kiệt, một trong những con đường đẹp nhất TP Hồ Chí Minh hôm nay. Cầu Chà Và nối hai bờ kênh tạo nên những cung đường uốn lượn trên lơ thơ sóng nước. Từ đây, chỉ 10 phút ngồi ghe hoặc chạy xe máy theo con đường hai bên bờ kênh là ra đến cầu Khánh Hội, bắc qua rạch Thị Nghè. Bên này mố cầu Khánh Hội là bến Bạch Đằng. Phóng tầm mắt qua lớp sóng lăn tăn của mặt sông Sài Gòn nhìn về phía bên kia, có thể thấy rõ những tán phượng vĩ đã bắt đầu đơm bông đỏ rực trong khoảng sân xanh mướt trên Bến Nhà Rồng.
Chúng tôi ngồi trầm ngâm bên ly cà phê trên Bến Nhà Rồng, hình dung những bước chân hối hả, gấp gáp của người thầy, người thợ, người thanh niên bán báo Nguyễn Tất Thành trên những góc phố lấp lóa ánh đèn đêm. Từ thành phố này, Người đã ra đi. Bao năm rồi, nhân dân thành phố này, đồng bào trên đất nước thân yêu này, từ thế hệ này đến thế hệ khác, đã đi theo bước chân Người, noi theo tấm gương của Người, làm theo lời dạy của Người, đưa đất nước, quê hương vượt qua muôn vàn gian khó, vững bước hùng cường.
Trăm năm, tiếng sóng trên sông Sài Gòn vẫn thế. Đứng dưới tượng đài thiêng liêng, bao dung của Bác trên Bến Nhà Rồng, nén hương trên tay chúng tôi tỏa khói ngát thơm, theo gió thênh thang hòa vào rì rào mặt sông sóng vỗ...
Ghi chép của PHAN TÙNG SƠN