Ngày 14-4-1975

Chi khu quân sự quận lỵ Thiện Giáo (Bình Thuận) vừa được giải phóng.

Mình đi theo Đại đội 3 bộ đội địa phương tỉnh Bình Thuận qua lộ 8, đến khu vực ven Quốc lộ 1. Thời tiết ở đây nóng và gió vô cùng. Trưa, gió lùa nóng vào, như phả hơi lửa vào người. Gió làm tung bụi cát, gió khiến các cây tre già gai góc cọ vào nhau ken két.

Bầu trời vẫn tiếng máy bay “đầm già” vo ve. Tiếng pháo, tiếng súng đì đùng vọng lại.

Ngày 15-4

Gặp đồng chí Sĩ, Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Minh, Chính trị viên Xã đội; đồng chí Sơn, Xã đội trưởng. Các anh cho biết, hiện nay Xã đội đang quản lý ở Bình Lâm và Bình An. Tình hình còn phức tạp. Một số người dân chạy sang bên Đông lộ 8, một số chạy ra ruộng vườn cũ trú ẩn. Còn một số đông vẫn ở lại ấp... Có bà khóc hu hu: “Ông nhà tôi chạy đi đâu rồi?”. Bà nọ quát: “Chạy ra ruộng, ra vườn nhà mình chứ chạy đi đâu!”.

Công việc trước mắt của vùng giải phóng rất bề bộn...  

Ngày 16-4

Buổi sáng cùng với giao liên tên là Dũng, ra ấp Bình Lâm, làm việc với Xã đội Hàm Chính...

Công việc ở trụ sở Ủy ban xã (tạm gọi thế chứ chưa có ủy ban, chỉ có Xã đội làm việc) bận túi bụi. Xã đội trưởng Sơn (mình đã gặp và chụp ảnh anh ấy hôm trước) trẻ, vui, bám dân từ xưa (năm 1973), tíu tít với những công việc: Cấp giấy cho một ông cụ sang Phú Long tìm con làng tề về với cách mạng; cho du kích (1 tiểu đội) tỏa ra bên kia đường lùng bắt bọn tề điệp còn ẩn náu, thu vũ khí rơi vãi, bày cho nhân dân làm hầm hố, giúp cất nhà, tổ chức đời sống.

Có bà cụ đến trình: Cái xe Honda mà xã đang dùng là của bà, có giấy tờ chứng minh. Anh Sơn nói: “Xe này người ta nói là của con bà, con bà là địch, theo chính sách xã sẽ giữ, bao giờ con bà về trình diện sẽ trả lại. Tôi đã ghi sổ, xe bị bom hỏng đèn. Bà về đi, chúng tôi sẽ xét kỹ và bảo đảm trả xe cho bà nguyên vẹn”.

leftcenterrightdel

Xe Thiết giáp của Quân giải phóng trên đường tiến vào thị xã Phan Thiết, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu 

Ngày 17-4

Hôm qua giặc đã tháo chạy khỏi Phan Rang (Ninh Thuận). Không thể khác được. Ngọn lửa cháy rừng đã vượt qua mọi ranh giới và bây giờ có cơn mưa nào đâu để ngăn được nó. Có lẽ, trong vài ngày nữa nó cháy đến Bình Thuận rồi. Phan Thiết đã nằm trong tầm tay...

Đồng chí Đài, Chính trị viên Tỉnh đội, Phó chính ủy mặt trận, Chủ tịch Ủy ban Quân quản tương lai của Phan Thiết, vừa chạy đi mượn kéo để cắt tóc. Anh cho biết cần phải cắt tóc gọn gàng khi ra mắt chính quyền cách mạng.

Thế đấy, một tư thế, một hình ảnh, một không khí kỳ diệu thật. Trong khi tiếng pháo của địch ở nhiều trận địa (Lầu ông Hoàng, Ngã Hai, Mương Máng, Trinh Tường, Căng Êsepic) vẫn ầm ầm dội về. Máy bay F-5E vẫn gầm rít và giội bom. Nhưng xe tăng ta đang vào, xe tăng ta sắp vào. Xe tăng và bộ binh ta cơ động nhanh đến nỗi Chủ tịch Ủy ban Quân quản tương lai cuống quýt đi mượn kéo...

Phải làm một cái gì gửi Hữu Thỉnh (vốn là một chiến sĩ trong Binh chủng Tăng thiết giáp). Mình và Thỉnh cùng lên đường một ngày. Nhớ hôm chia tay ở Ngọc Hà. Giờ này bóng dáng mảnh khảnh của anh đã lẫn vào cái dáng hùng vĩ của thiết giáp. Chúng tôi nghe tin chiến thắng và hình dung đủ mọi kỳ tích quanh chiếc xe tăng...

Ngày 18-4

Máy bay đang quần trên đầu và giội bom khắp nơi. Đang bắt đầu thời kỳ của Phan Thiết đây. Sẽ căng thẳng vô cùng trong mấy ngày nữa, trước tình hình giải phóng Phan Thiết ra sao...

Ngày 19-4

Ở ấp Tùy Hòa, ven Đường 1, cây số 1693 (tính từ Hà Nội vào), cách Phan Thiết 11km.

Tối qua, Quân giải phóng vào giải phóng Phan Thiết. Địch bỏ chạy khỏi Phan Thiết.

Nửa đêm đã lục đục dậy. Hành quân. Ủy ban Quân quản vào thị xã Phan Thiết. Mình theo sở chỉ huy tiền phương vượt An Phú, qua Tầm Hưng sang Đường 1.

Đi trên Đường 1 vẫn còn dấu xích xe tăng. Nhưng sao mình không lạ lẫm như Đường 9 của năm 1972. Trong những ấp ven đường (Xa Ra, Tùy Hòa, Hòa Vinh...), mấy anh đang ngủ. Có tiếng chuông điện thoại. Thấy mấy anh thông tin đang rải dây. Xe cộ phủ ngụy trang giấu kín trong vườn hay nép bên đường. Có những chiếc đang chạy. Bộ đội từ miền Bắc đã vượt gần 2.000km vào đây. Mình giơ tay chào các bạn, họ hét to:

- Vào Sài Gòn đây!

Nhìn những chiếc xe ZIL, GAZ vô cùng quen thuộc của Trường Sơn lại về đây, xòe lá ngụy trang như sư tử, cơ động trên Đường 1...

Đã gặp những đồng đội vô cùng thân yêu của chiến trường quen thuộc ngoài kia rồi.

Hôm qua đã viết xong bài thơ “Chờ anh ở cực Nam” để tặng Hữu Thỉnh.

Đường 1 rầm rập xe cộ, người ùn ùn kéo vào, phố xá hai bên đường rất đẹp, đầy cây ăn quả và các loài hoa tím, trắng, đỏ rực rỡ. Chụp mấy kiểu ảnh giữa bình minh. Sẽ đi Phan Thiết một giờ gần đây.

Ăn cơm trưa xong, có lệnh: Vào Phan Thiết.

Nai nịt vội vàng. Tất cả lên xe GMC và phóng nhanh vào thị xã Phan Thiết. Máy bay địch vừa ném bom, trong Phan Thiết khói vẫn phun đen trời.

Dọc đường vào Phan Thiết, lòng vô cùng xúc động. Người, xe cộ dân sự và quân sự đi lại tấp nập.

Chụp được mấy kiểu ảnh cầu, xe ta vào.

Buổi tối, mình nằm sau vườn một cái nhà to lớn bỏ không, cứ như cái đình cũ. Đào hầm (ngày hôm nay đào hầm hai lần rồi). Sống trong ấp này vẫn phải cảnh giác vì tàn quân địch vẫn còn lẩn khuất. 

Ngày 20-4

Sáng, định đi vào thị xã, nhưng không có ai đi, họ bảo chiều. Tình hình còn rất phức tạp. Đã có những anh em mình chết vì bom, mìn...

Sáng nay, gia đình chủ nhà ở đây đã từ thị xã kéo về hết, toàn trẻ con, đàn bà. Ngôi nhà, khu vườn đã sống lại, đã đầy sinh khí. Chị chủ gia đình đây là chủ hiệu nước mắm Hồng Hoa (đường Nguyễn Hoàng), hiệu nước mắm rất lớn.

Buổi trưa ở dinh Tỉnh trưởng trong tiểu khu Bình Thuận ở Phan Thiết.

Ăn cơm trưa xong, cùng Ban Chính trị Trung đoàn 812 (Quân khu 6) đi vào thị xã Phan Thiết. Ở đây, mình gặp Mạnh Hùng (cùng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân) vừa theo Quân đoàn 2 vào. Hùng dừng xe jeep và chạy lại với mình. Cảm động vô cùng, không thể tưởng tượng được. Bỏ 2.000km sau lưng và mấy tháng trời để gặp được nhau tại Phan Thiết. Hùng còn theo Quân đoàn vào tận Sài Gòn! Còn mình thì theo giấy công tác, chỉ quẩn quanh được ở Khu 6!

Ở Phan Thiết, mình đặt lịch phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Quân quản Đài. Buổi chiều, qua Chủ tịch Đài, nắm được tình hình của thị xã Phan Thiết, an ninh, trật tự dần ổn định.

leftcenterrightdel

Nhà thơ Anh Ngọc (ngoài cùng, bên phải) cùng một số nhà báo có mặt tại Sài Gòn năm 1975, họp mặt tại Hà Nội, tháng 4-2022. Ảnh: ĐỨC ANH


Ngày 21-4

Ở thị xã Phan Thiết. Buổi sáng gặp và trò chuyện với kíp xe tăng PT50-K4. Chiếc xe tăng này bị hỏng, kíp xe ở lại sửa chữa, trong tình trạng vô cùng sốt ruột.

Trong ngày đi thực tế ở thị xã, ra bờ biển Phan Thiết. Biển thật đẹp, nhưng bờ biển la liệt các vật dụng, quân trang lính ngụy vứt lại. Mình gặp các ngư dân trò chuyện, họ rất phấn khởi khi thị xã được giải phóng.

Tối trong các căn nhà ở phố ánh đèn tuýp sáng trưng, quạt điện chạy vù vù, nhưng mình sẽ xuống nằm võng trong xe tăng với các chiến sĩ xe tăng...

Ngày 30-4-1975

Đang ở Thị đội Phan Rang.

Hôm qua rời Phan Thiết đi từ sáng, hỏng cầu và phải ăn trưa giữa đường. Đường vô cùng đẹp. Đặc biệt là sang tỉnh Ninh Thuận. Đường 1 men sát bãi biển, có chỗ chỉ cách có vài bước, nước biển xanh lơ, tít xa thành một đường thẳng xanh thẫm, cứ nhạt dần cho đến tận bờ.

Mũi Né nhô ra biển, nằm xoài như một cái đầu cá sấu. Cát trắng lấp loáng sau đám cây xanh.

Hôm qua gặp một người Chàm làm “thầy Chang” (thầy cúng). Thầy Chang kể: Đã làm lễ mừng giải phóng. Bao giờ giải phóng Sài Gòn sẽ làm một lễ nữa và khen: “Cách mạng tốt thật, thương lắm, tự hào vì có nhiều người Chàm tham gia cách mạng!”.

11 giờ 30 phút trưa 30-4-1975: Sài Gòn hoàn toàn giải phóng!

Cuộc chiến tranh 30 năm đã kết thúc. Mình nhận được tin mà cứ như mơ.

Đón tin vui ở Phan Rang, mình cùng một số đồng đội rất phấn khởi, rủ nhau đi chơi Tháp Chàm mừng chiến thắng!

Ngày 2-5-1975

Bám xe đạn của bộ đội, chiều đã về đến Đại đội 74, Tỉnh đội Bình Thuận ở Phan Thiết để thanh toán và chia tay.

Sau đó, mình đi nhờ xe của Công trường 367 (tức Sư đoàn 367) để vào Sài Gòn...

ANH NGỌC