Ánh mắt của ông Ba Danh như vụt sáng lên. Ở người cựu chiến binh 73 tuổi này, dòng ký ức đang trở về náo nức. Ông Ba Danh kể: “17 tuổi (năm 1969), tôi thoát ly gia đình đi làm cách mạng, ban đầu là công tác ở xã Phước Long, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, với nhiệm vụ giao liên cho Đảng ủy xã và Xã đội. Tôi còn nhớ trước khi vào rừng, mẹ tôi khuyên nên tham gia công tác ở địa phương, bởi vì hai anh tôi đã thoát ly và hy sinh”.
Chàng trai trẻ Huỳnh Công Danh trở thành chiến sĩ giao liên rồi thành anh bộ đội Giải phóng quân. Ông chợt cười vui vẻ: “Tôi cùng đơn vị “tiến một mạch” từ vùng kênh rạch Miền về tham gia giải phóng Bạc Liêu sáng 30-4-1975, anh ạ”.
Tôi mừng rơn vì gặp được nhân chứng tham gia giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Câu chuyện giữa tôi với ông Ba Danh nhanh chóng trở nên rôm rả. Ông Ba Danh lại nở nụ cười tự hào. Tôi biết người đàn ông này đang nhớ lại những giờ phút được cùng bộ đội và nhân dân từ bưng biền tiến vào thị xã Bạc Liêu.
Ông Ba Danh kể: “Từ những ngày đầu tháng 3-1975, khi tin tức về chiến thắng của ta ở Tây Nguyên, rồi ngoài Trung Bộ dồn dập đưa về, chính quyền và binh lính địch ở Bạc Liêu đã tỏ ra lo sợ. Nhận biết tình hình đang phát triển thuận lợi, đặc biệt là những ngày cuối tháng 4-1975, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu liền nhanh chóng đề ra các chủ trương cùng những biện pháp đấu tranh, trong đó chú trọng việc vận động địch đầu hàng. Cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu”, tập 1, xuất bản năm 2002 đã ghi: “Trong số những cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với ngụy quyền tỉnh Bạc Liêu, thuyết phục tên Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30-4-1975, có một người đóng vai trò vô cùng quan trọng nhưng chưa được nhắc đến nhiều. Đó là ông Lê Thành Năng, bấy giờ là Chủ tịch Nghiệp đoàn tỉnh Bạc Liêu, cơ sở cách mạng của ta. Ông Năng là người đã hai lần nhận nhiệm vụ chuyển thư của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu cho Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp, kêu gọi đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng”.
Dẫn tôi tới thăm Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, nữ nhà báo Từ Cẩm Thúy, phóng viên Báo Bạc Liêu, cho biết: “Em được Ban biên tập phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội. Vì thế em đã phỏng vấn nhiều nhân chứng về ngày 30-4-1975 ở quê nhà anh ạ. Tại Bảo tàng tỉnh hiện trưng bày gần 100 tư liệu, hình ảnh về chủ đề “Khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước và đại thắng mùa Xuân 1975”. Các tư liệu đã tái hiện cuộc đấu tranh của lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, buộc chính quyền ngụy phải đầu hàng, đưa Bạc Liêu lần thứ hai giành chính quyền (lần trước là năm 1945) không đổ máu”.
Nhà báo Từ Cẩm Thúy cho biết thêm: Cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu”, tập 1 đã ghi lại một quá trình đấu tranh của đại diện lực lượng cách mạng với Tỉnh trưởng Bạc Liêu. Các đồng chí trong đoàn của ta nói: “Mỹ thua, rút chạy khỏi Việt Nam thì đã quá rõ. Sài Gòn không thủ được thì Bạc Liêu làm sao tử thủ?”. Nhờ ta tranh luận có lý, có tình và đặc biệt là rất sát tình hình, nên Tỉnh trưởng Điệp đồng ý giao chính quyền cho cách mạng. Như vậy là cuộc tiến công binh vận giữa ta và địch ở Bạc Liêu đã kết thúc thắng lợi trọn vẹn. Theo đó, các cán bộ của ta sử dụng xe con của viên Đại tá, Tỉnh trưởng có cắm cờ giải phóng chạy khắp phố cổ động quần chúng xuống đường. Rồi hàng nghìn quần chúng tập hợp trước tòa hành chính tỉnh và biến cuộc tập hợp đó thành cuộc mít tinh rộng lớn.
Đại tá Điệp giới thiệu đồng chí Lê Quân, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu ra mắt đồng bào trong tiếng hoan hô vang dội. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền Bạc Liêu. Thời khắc ấy, theo lời kể của đồng chí Nam Đoàn, nguyên chiến sĩ Đội biệt động hợp pháp, với nhà báo Từ Cẩm Thúy thì: “Đội biệt động hợp pháp tỏa ra để vận động quần chúng thị xã xuống đường và trở thành một cuộc diễu hành. Chính quyền cách mạng đã làm chủ tỉnh lỵ an toàn, không nổ súng, không đổ máu, kết thúc 30 năm chiến đấu anh dũng, kiên cường, đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào và vẻ vang của Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 thật trọn vẹn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Tôi hỏi ông Ba Danh: “Vậy điều gì khiến chúng ta giành thắng lợi kỳ diệu như vậy?”. Sau ít giây suy ngẫm, ông Ba Danh trả lời: “Quan trọng là việc nắm chắc thời cơ. Do nắm chắc thời cơ nên Tỉnh ủy Bạc Liêu đã kịp thời chỉ đạo đẩy mạnh phương án chính trị và binh vận, mũi chủ yếu là tấn công vào Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy quyền Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp. Kế đó là gắn với tích cực chuẩn bị các điều kiện về vũ trang để giải phóng tỉnh lỵ. Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp buộc Đại tá, Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp cùng các sĩ quan thuộc cấp phải từ bỏ ý định tử thủ, buông súng đầu hàng, bàn giao chính quyền vô điều kiện cho cách mạng”.
    |
 |
Du khách tham quan Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: NGUYỄN VĂN |
Rồi ông Ba Danh cầm tay tôi: “Trải qua 6 năm sống trong bưng biền nên sáng 30-4-1975, chúng tôi hồ hởi lắm. Khi cùng đoàn quân tiến vào thị xã với xung quanh là tiếng hò reo của nhân dân, tôi mới hiểu ra anh ạ. Chả là anh hai tôi là Huỳnh Văn Sanh, sinh năm 1942, đến năm 1962 là Bí thư Xã đoàn, năm 1964 thì gia nhập bộ đội, làm chiến sĩ Tiểu đoàn U Minh và hy sinh trong một trận đánh đồn địch năm 1965. Sau khi anh Hai hy sinh thì đến lượt anh Ba tôi là Huỳnh Công Sang, sinh năm 1945, tình nguyện vào bộ đội ở Tiểu đoàn 309, đến năm 1968 cũng hy sinh. Thời khắc đó, tôi mới hiểu suy nghĩ của mẹ lúc tiễn tôi vào bưng biền. Mẹ tôi mong muốn không có thêm đứa con nào phải hy sinh nữa. Tôi “thay” hai người anh để làm con trai lớn trong gia đình. Cái tên “anh Ba” mà mọi người gọi tôi là cách gọi thay thế cho cả hai người anh đã hy sinh”.
Nhà báo Từ Cẩm Thúy tiếp lời: “Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu”, tập 1 mô tả không khí giải phóng lúc đó, toàn tỉnh tràn ngập niềm vui chiến thắng, nhân dân được đổi đời, gia đình được đoàn tụ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ròng rã 21 năm kết thúc thắng lợi trọn vẹn. Một chiến thắng rất đỗi nhân văn. Chúng ta quyết tâm đấu tranh, nhất định giành lại chính quyền là lẽ đương nhiên. Nhưng chúng ta sẵn sàng khoan hồng với những kẻ đã từng gây tội ác với đồng bào. Bằng sự mưu trí, tài nghệ trong đấu tranh binh vận, bằng tinh thần hòa hợp dân tộc, chúng ta đã giành được chính quyền mà không tốn nhiều xương máu”.
Nhà văn NGUYỄN TRỌNG VĂN