Lần đầu tôi gặp Trung tướng Nguyễn Văn Thái, khi đó ông là Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) vào làm việc với Cục Chính trị Quân khu 7 và ghé thăm tòa soạn Báo Quân khu 7 của chúng tôi vào cuối năm 1984.
Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể: “Tháng 1-1975, tôi là Phó chính ủy Sư đoàn 7. Sau khi giải phóng Phước Long, Sư đoàn 7 được bổ sung quân số, vũ khí, khẩn trương bước vào huấn luyện, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng, củng cố vùng giải phóng. Đầu tháng 3-1975, đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tới giao nhiệm vụ, động viên Sư đoàn khẩn trương hoàn thành việc cơ động lực lượng đến khu vực Đường 20 (từ Đồng Nai đi Lâm Đồng) để phối hợp với chiến trường.
Nghe báo cáo quyết tâm của Sư đoàn trưởng, đồng chí Lê Đức Anh cảm nhận được những băn khoăn, lo lắng của Sư đoàn trưởng về thời gian để cơ động lực lượng với cự ly hơn 130km, lại vượt sông ở Tà Lài nên đã quyết định tăng cường cho Sư đoàn 7 một đơn vị vận tải cơ giới gồm 35 xe ô tô ZIL-130. Nhờ đó, toàn Sư đoàn đã tới khu vực tác chiến và hoàn thành tốt nhiệm vụ tiêu diệt Chi khu Định Quán (tháng 3-1975), tiêu diệt Chi khu quân sự Đạ Huoai (tháng 3-1975) và giải phóng tỉnh Lâm Đồng; làm chủ hơn 100km Quốc lộ 20; đồng thời hỗ trợ LLVT Khu 6 giải phóng Đà Lạt...
Tại rừng cao su gần Dầu Giây, đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã trao cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Lê Nam Phong và Phó chính ủy Sư đoàn Nguyễn Văn Thái lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội ta để cắm trên nóc Dinh Độc Lập.
Trong đội hình tiến công của Quân đoàn, Sư đoàn 7 được tổ chức thành mũi thọc sâu binh chủng hợp thành, có Lữ đoàn 52 từ Quân khu 5 vào tăng cường cho Quân đoàn, làm dự bị cho Sư đoàn 7.
Sau khi các sư đoàn bạn (Sư đoàn 341, Sư đoàn 6) đánh chiếm các mục tiêu Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, rạng sáng 30-4-1975, Sư đoàn 7 tiến qua Biên Hòa gặp trở ngại, cầu Hóa An yếu, xe tăng không qua được nên Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong quyết định đơn vị phải cắt sang cầu Đồng Nai, theo xa lộ tiến công vào Sài Gòn. Trong khi đó, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 do Lữ đoàn Xe tăng 203 và một bộ phận của Trung đoàn Bộ binh 66 (Sư đoàn 304) từ hướng Đông Nam tiến công vào Sài Gòn đến Dinh Độc Lập sớm hơn và đã cắm lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7 đến Dinh Độc Lập sau đó ít giờ, nhận bàn giao Dinh Độc Lập từ Quân đoàn 2.
Ngày 1-5-1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Quân đoàn 4 tới sở chỉ huy Sư đoàn 7 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong và Phó chính ủy Sư đoàn Nguyễn Văn Thái tổ chức họp báo cho Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn-Gia Định tại Dinh Độc Lập vào chiều 2-5-1975 để công bố quyết định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trả tự do cho các thành viên nội các Dương Văn Minh”.
Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, lớn lao, có ý nghĩa lịch sử. Trung tướng Nguyễn Văn Thái chia sẻ: “Ở trong rừng, hoạt động lớn nhất chúng tôi từng tổ chức là Đại hội mừng công của Sư đoàn, nay tổ chức họp báo giữa thành phố lớn mới được giải phóng, với sự tham dự của gần 100 nhà báo, quay phim, chụp ảnh, truyền hình... nên rất lo lắng và thực sự lúng túng. Chúng tôi bàn nhau huy động anh em cơ quan và may mắn được một số anh ở thành phố, đài truyền hình, phát thanh giúp đỡ. Mọi việc suôn sẻ, thật là mừng”.
    |
 |
Đồng chí Lê Nam Phong (ngoài cùng, bên trái) và đồng chí Nguyễn Văn Thái (thứ hai, từ trái sang) thay mặt đơn vị nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng”. Ảnh tư liệu |
Buổi họp báo do đồng chí Cao Đăng Chiếm (sau này là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an, từ trần năm 2007) thay mặt Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn-Gia Định và đồng chí Đại tá Vương Thế Hiệp, Phó chính ủy Quân đoàn 4 (sau này là Thiếu tướng, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2, từ trần năm 2017) chủ trì.
Mở đầu họp báo, đồng chí Cao Đăng Chiếm phát biểu: “... Nhân dân Việt Nam chúng ta đã trải qua cuộc đấu tranh anh dũng và khốc liệt, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh, đã giành thắng lợi vĩ đại và to lớn từ xưa đến nay.
Thi hành chính sách của Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chính phủ mong rằng trong tình hình mới, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng lại Tổ quốc, làm cho nhân dân giàu mạnh, Tổ quốc của chúng ta hùng cường. Do đó, chúng tôi mong rằng mỗi người Việt Nam tùy theo khả năng của mình góp công, góp sức vào việc xây dựng Tổ quốc của chúng ta.
Bữa nay, thi hành lệnh của cấp trên, các anh (nội các của Dương Văn Minh) được tự do về với gia đình, chúng tôi sẽ tổ chức đưa đến nơi, về đến chốn...”.
Sau đó, Dương Văn Minh, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, phát biểu: “... Hôm nay, đại diện cho anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi 60 tuổi được trở thành công dân của một nước độc lập...” (trích băng của Tiến sĩ Nguyễn Nhã lưu tại Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh).
“Sau khi họp báo kết thúc, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố ở tầng trên chỉ thị cho chúng tôi đưa 3 thành viên của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, gồm: Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lên gặp đồng chí. Khi lên, có một số phóng viên đi theo, sau khoảng 10 phút quay phim, chụp ảnh, đồng chí Trần Văn Trà nói: “Anh Nam Phong mời các đồng chí phóng viên xuống lầu 1, chuẩn bị xe đưa các thành viên nội các về với gia đình. Đồng chí Thái ở lại đây”. Lúc này, trong căn phòng rộng lớn chỉ còn Chủ tịch Ủy ban Quân quản Trần Văn Trà, 3 thành viên nội các ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ và tôi”, Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể tiếp.
Hôm ấy, Chủ tịch Trần Văn Trà nói với giọng chậm rãi, đanh sắc: “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định trả tự do cho các ông về với gia đình. Giờ đây, miền Nam Việt Nam đã được hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam độc lập và thống nhất, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai đã toàn thắng. Dân tộc Việt Nam như các ông đã biết, quân Mông-Nguyên ở thế kỷ 13 đã thắng như chẻ tre từ châu Á sang châu Âu, nhưng 3 lần xâm lược Việt Nam đều thất bại, phải ôm đầu tháo chạy. Bây giờ, đất nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất, không phải là lúc nói chuyện thắng-thua, mà mỗi người Việt Nam lúc này hãy thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng lại đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn phá...”.
    |
 |
Trung tướng Nguyễn Văn Thái (thứ hai, từ phải sang) kể chuyện chiến đấu. Ảnh: TRẦN CUNG
|
Nghe Chủ tịch Ủy ban Quân quản nói, Dương Văn Minh liên tục gật đầu và xin phát biểu: “Thưa ngài Chủ tịch, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cho chúng tôi về với gia đình, chúng tôi rất trân trọng những lời nói của ngài, tôi vô cùng cảm kích, thật sự hân hoan vì đến tuổi 60 tôi mới được trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập, tự do... Khi tôi nhận chức Tổng thống, chúng tôi tìm đủ cách để liên lạc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, giữ cho thành phố này không bị phá phách, cướp bóc, rồi giao lại chính quyền cho cách mạng. Khi Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, chúng tôi đã đầu hàng không điều kiện. Xin hứa với ngài và cách mạng, tôi là công dân của nước Việt Nam độc lập, sẽ góp công, góp sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước...”.
Năm tháng qua mau, sức khỏe không còn như trước nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Thái vẫn minh tuệ. Ký ức về những năm tháng chiến trận, đặc biệt là thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập cách đây tròn 50 năm, ông còn nhớ như in. Tuổi cao, song ông vẫn tham gia công tác xã hội. Hiện nay, ông làm Trưởng ban liên lạc truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tích cực hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN