Thực hiện nhiệm vụ của cấp trên, tôi là Phó trung đoàn trưởng được phân công đi tiền trạm. Từ Thanh Hóa, tôi cùng 2 sĩ quan và 4 chiến sĩ trên một chiếc xe “vọt tiến” của Trung Quốc-là loại xe giống xe Gaz-63 của Liên Xô-hành quân theo bản đồ. Thời gian này, miền Bắc không còn tiếng súng nên việc đi lại của chúng tôi khá thuận lợi. Không khí giải phóng miền Nam dường như đã đến đâu đó rất gần. Việc của tôi lúc này cũng đơn giản, đến địa điểm dự kiến cho đơn vị dừng lại, tiến hành xác định vị trí trú quân của các tiểu đoàn, cơ quan Trung đoàn, sau đó đánh dấu trên thực địa và trên bản đồ rồi tiếp tục hành quân để tìm điểm mới. Tại mỗi điểm, tôi bố trí một chiến sĩ ở lại có nhiệm vụ dẫn đơn vị vào các khu vực đã lựa chọn trên bản đồ.

Chốt đầu tiên tôi lựa chọn khi qua phà Bến Thủy thuộc địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chốt tiếp theo ở một nông trường thuộc địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đội hình Trung đoàn vẫn tổ chức hành quân theo kiểu sâu đo, nghĩa là hai tiểu đoàn hành quân trước, đêm hôm sau các tiểu đoàn khác tiếp tục đến điểm dừng thay thế hai tiểu đoàn kia. Đến ngày 26-3-1975, toàn bộ Trung đoàn tập kết tại một nông trường cao su ở Bến Than thuộc bờ Bắc của sông Bến Hải, bên bờ Nam đã dưới quyền quản lý của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sáng 28-3, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Thái Hiệp và Chính ủy Nguyễn Tấn Hoành, chúng tôi bắt đầu vượt sông Bến Hải.

Thật khó nói hết tâm trạng của tôi khi hòa mình cùng đoàn quân chiến thắng cuồn cuộn vào giải phóng miền Nam. Hơn 20 năm trước, khi rời quê hương, tôi mới là đứa trẻ lên 10 tóc còn để chỏm, ra miền Bắc tập kết, chưa hiểu gì về cách mạng, về chiến tranh. Bây giờ về lại nơi chôn nhau cắt rốn, tôi đã là một cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn. Tôi không hình dung nổi quê mình bây giờ ra sao, ai còn, ai mất. Sự dồn dập của chiến tranh và tính chất đặc thù của người lính tên lửa đã không cho tôi nhiều thời gian để suy tư, nhớ về một thời chăn bò, chạy giặc. Lòng tự hào được làm người lính trực tiếp giải phóng quê hương không ngừng thôi thúc trong tôi...

Mỗi khi có tỉnh, thành phố nào được giải phóng thì lập tức có tên lửa triển khai ở đó. Lúc này, phần lớn lực lượng không quân địch đã bị tê liệt nên sự xuất hiện của chúng tôi chủ yếu để biểu dương sức mạnh. Tôi dự kiến đến Quảng Trị thế nào cũng phải chiến đấu, nhưng khi đến đó thì quân địch đã tháo chạy, thành ra cứ đuổi theo mãi. Đến TP Huế, cấp trên chỉ đạo xe bánh lốp chạy trước, xe xích chạy sau, ưu tiên xe đạn chạy trước, không ngụy trang và phủ bạt để cho nhân dân nhìn thấy và cũng để biểu dương sức mạnh của bộ đội tên lửa Việt Nam. Nhiều người đổ ra xem chúng tôi hành quân, vì giờ đây quân ta hành quân cả ngày lẫn đêm chứ trước kia chỉ hành quân ban đêm. Hằng ngày, khoảng 15 giờ bắt đầu hành quân, 22 giờ cho bộ đội nghỉ; 4 giờ hôm sau tiếp tục, 7 giờ lại nghỉ.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Lành (thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội hội ý trên đường hành quân. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Sự thần tốc trong hành quân khiến nhiệm vụ tiền trạm của chúng tôi liên tục có sự thay đổi. Xe xăng dầu thường xuyên chạy trước, bảo đảm cung cấp đủ nhiên liệu cho các đơn vị hành quân thần tốc. Theo quy định, xe chạy từ 80 đến 100 cây số là có một điểm dừng. Việc chọn vị trí phải an toàn, có nơi cất giấu và bảo vệ khí tài. Bởi số tàn binh địch tháo chạy có thể quay lại phá hoại khí tài bất cứ lúc nào nên ta phải canh gác cẩn mật. Vào đến huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), tôi ghé thăm chị gái là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Nghe nói có người muốn gặp, từ phòng Chủ tịch hội, một phụ nữ gầy gò trên tay bế bé gái trông cũng gầy nhỏ bước ra. Hơn 20 năm xa cách nên tôi không hình dung nổi chị mình bây giờ ra sao. Người phụ nữ gầy gò đứng sững lại nhìn tôi rồi lao đến, òa khóc và nói: “Lành! Lành! Em còn sống thật rồi. Chị Xinh của em đây”. Tôi giật mình. Chị tôi đây sao? Mới 35 mà trông chị già hơn tuổi nhiều quá. Tôi thương chị vô cùng. Chắc chị hoạt động cực khổ nên mới tiều tụy như vậy. Tôi ôm lấy chị và cháu mà khóc. Những giọt nước mắt của sự dồn nén tình cảm trong suốt hơn 20 năm cứ thế tuôn trào. Bấy giờ tôi mới biết khi đi hoạt động, chị tôi đã đổi tên thành Nguyễn Thị Bích Lâm. Không có thời gian để hàn huyên, tôi rút vội phong lương khô trao cho cháu rồi lập tức lên đường.

Khi đến địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Chiến sĩ cảnh giới phát hiện nhân dân đuổi theo xe rất đông, liền gõ thùng xe báo có địch. Trong khi đó, máy bay A-37 và F-5 của địch đang quần thảo trên trời. Tôi lập tức lệnh cho anh em xuống xe triển khai theo phương án chiến đấu. Mỗi chiến sĩ cầm một khẩu súng AK, chiếm một vị trí có lợi, sẵn sàng chờ lệnh. Mặc cho chúng tôi triển khai đội hình, nhân dân vẫn chạy theo xe. Tôi quan sát không thấy sắc phục của lính ngụy, chỉ thấy người dân vừa chạy vừa chỉ tay ra hiệu gì đó nên ra lệnh cho anh em: “Không được bắn, để yên xem thế nào!”. Lúc mọi người đến gần, tôi mới nghe tiếng kêu: “Xe cháy!”. Chúng tôi giật mình nhìn lại, đúng là xe đang cháy thật. Nguyên nhân là do cành củi nhét vào gầm, gặp ống xả nóng nên bốc cháy. Lúc đó, nước không có, tôi liền gọi 3 chiến sĩ xông vào rút các thanh củi ra, quân số còn lại vẫn duy trì đội hình chiến đấu. Khoảng 15 phút sau, chúng tôi mới dập được lửa. Qua sự việc này, tôi rút ra bài học sâu sắc về công tác dân vận. Nếu như không có nhân dân báo thì chưa biết xe chúng tôi cháy như thế nào. 

leftcenterrightdel
 Đại tá Nguyễn Lành (bên phải) và đồng đội cũ. Ảnh: AN KHÁNH

Gần đến đèo Cù Mông, tôi cho đơn vị dừng lại vì bên kia còn chiến sự. Bộ binh đang chuẩn bị chiến đấu, không có lực lượng Phòng không-Không quân tham gia. Bộ phận tiền trạm cũng vì thế phải dừng lại ở đây mất hai ngày. Theo phương án, đây không phải là chỗ giấu quân gần dân nên nước nấu ăn, sinh hoạt không có, chúng tôi phải mang bình tông đi xuống suối lấy nước về nấu cơm nhưng chủ yếu vẫn là ăn lương khô. Ta giải phóng Phú Yên, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Khi tiểu đoàn đầu tiên đến Cam Ranh thì chúng tôi vào đến Phan Rang.

Đoàn thứ hai của Trung đoàn đến Phan Rang, đội tiền trạm đã chạy gần đến Phan Thiết. Dọc đường hành quân, bộ đội cao xạ, bộ binh cùng sánh bước, nhân dân nô nức vẫy chào đoàn quân đi. Vào đến gần thị xã Phan Thiết, tình hình chiến sự vẫn còn căng thẳng, chúng tôi buộc phải dừng lại. Lúc này, tiết trời đã sang giữa tháng 4, không khí oi nồng của miền Trung kết hợp với tâm trạng hân hoan của những ngày sắp giải phóng khiến trong tôi dậy lên một tâm trạng khó tả. Bộ đội tên lửa được lệnh dừng lại, bộ binh và pháo cao xạ vẫn tiếp tục hành quân. Gặp địch kháng cự bên kia cầu Phan Thiết, trung đoàn pháo cao xạ 37mm nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Trung đoàn trưởng Lạng cho cao xạ hạ nòng bắn xe tăng để phá vỡ phòng tuyến của địch. Đây là thành công lớn của bộ đội khi vừa hành tiến vừa chiến đấu, trong đó, đoàn đầu tiên đã dùng pháo cao xạ bắn xe tăng để giữ vững tốc độ hành quân. Đến ngày 6-5-1975, chúng tôi được lệnh dừng chân tại bán đảo Cam Ranh để bảo vệ sân bay và bến cảng nơi đây.

Sau hơn 20 năm xa quê, tôi lại về với miền Nam nhưng đã vào sâu hơn lúc đi hàng trăm cây số. Nhiệm vụ của người lính sau giải phóng còn nặng nề, dù đất nước đã hòa bình, nhưng tôi vẫn chưa hẹn được ngày về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn.

NGUYỄN SỸ LONG (Ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375, Quân chủng Phòng không-Không quân).