QĐND - Nói đến Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng nhiều người nhớ đến vị tướng có đức, có tài, một con người trung thực, thẳng thắn, sống trọn tình trọn nghĩa với đồng chí, đồng đội; một người chỉ huy trận đánh nổi tiếng vào sân bay Cát Bi ngày 7-3-1954... Tuy nhiên có lẽ cũng ít ai biết phía sau vị tướng tài ba ấy còn có cả một câu chuyện về tình yêu duy nhất, thật đẹp mà cũng nhiều mất mát, hy sinh và nỗi buồn day dứt.

Nên duyên trên đường đánh địch, luồn càn

Trung tướng Đặng Kinh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó, từ ngày mới 11 tuổi đã phải bán sức lao động để kiếm sống cho qua ngày, ở mỏ than Hà Lầm thuộc khu mỏ Hồng Quảng của tỉnh Quảng Ninh. Có thể thời thơ ấu đói nghèo đó đã ám ảnh Đặng Kinh suốt cả những năm tháng sau này. Trong cuốn hồi ký “Giọt nước của dòng sông”, ông kể rằng cho đến tận năm 30 tuổi vẫn không thích và chưa bao giờ để ý đến phụ nữ, bởi nghĩ mình là con nhà nghèo, vốn chỉ là anh phu mỏ nên chẳng dám nghĩ gì đến việc lập gia đình hay yêu thương ai. Đến khi tham gia làm cách mạng, có nhiều thành tích được đề bạt làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thụy Anh, Đặng Kinh lại có một suy nghĩ khá kỳ quặc, đó là xin cấp trên cho giải tán tổ quân y, vì tổ ấy chỉ toàn là nữ...

Trung tướng Đặng Kinh. Ảnh: Đông Ngô.

Ngày ấy, người vợ Lê Huyền của ông sau này, mới 15 tuổi, là y tá trong chính Tiểu đoàn Thụy Anh. Bấy giờ có thể do mặc cảm đói nghèo ám ảnh tuổi thơ mà ông vẫn chưa hề có ấn tượng hay mảy may để ý đến người phụ nữ này. Quãng đời tuổi trẻ của ông chỉ dành cho quân đội, cho đơn vị, thậm chí là ông tránh gặp phụ nữ. Anh em còn bảo ông ghét phụ nữ thế, hay là... có vấn đề?

Nhưng đến khi gợi mạch câu chuyện, chúng tôi mới hiểu, bên trong cái mặc cảm ấy là một tâm hồn lãng mạn, một trái tim nhạy cảm, một con người luôn biết nâng niu và trân trọng phụ nữ. Ông bảo: “Thời điểm đó, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt lắm, tôi ngại cán bộ chiến sĩ “nhòm ngó” nhau, phức tạp và mất thời gian. Với lại thời buổi loạn lạc, chiến tranh ác liệt biết sống chết thế nào, vướng vào chuyện tình cảm, tôi sợ phụ nữ chính là những người sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất...”.

Khi cô gái Lê Huyền mới mười chín tuổi thì Đặng Kinh đã ba mươi tuổi rồi. Đầu năm 1951, tại khu vực núi Cối thuộc đất Nho Quan, Ninh Bình, ông cùng một số cán bộ đi họp, Lê Huyền cùng với các đồng chí phụ nữ khác nữa được cử đi học lớp tổng phản công. Một lần, duyên phận thế nào họ lại về chung một con đường. Bỗng tiếng máy bay địch rền vang, cả hai nhóm cùng nhanh chóng cơ động vào tránh tạm trong hang núi. Gặp lại cấp dưới ông cũng chỉ chuyện trò bình thường như với rất nhiều đồng chí khác. Song đó là lần đầu tiên ông nói chuyện với một người phụ nữ.

Cũng trong thời gian đó diễn ra Chiến dịch Hà Nam Ninh. Không thể về được Hải Phòng theo hướng qua sông Hồng mà phải vòng qua Đông Triều. Một ngày, tại điểm dừng chân, ông rủ Lê Huyền ra thác nước chơi, khi hai người dừng chân trên một mỏm đá, ông hỏi: “Tôi chỉ là anh công nhân thôi, tôi nhiều tuổi hơn cô mà lại chưa có vợ, cô cũng chưa có chồng, vậy ta tìm hiểu đặt vấn đề xây dựng với nhau có được không?...". Linh cảm mách bảo ông Lê Huyền cũng có cảm tình với mình từ những lần biểu diễn văn nghệ, nên ông mới mạnh dạn “tỏ tình” một cách giản dị nhưng đầy phong cách nhà binh như thế. Lê Huyền không trả lời, chỉ ngồi một lúc rồi đứng dậy đi. Ông im lặng đi theo mà trái tim như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực...

Trên chặng đường gian nan vượt đường 18, vượt sông Kinh Thầy về Hà Đông, vượt sông Luộc, sông Hóa, rồi gặp trận càn lớn của địch (trận càn Măng đarin ). Bị địch phục kích, ông chỉ huy đội hình vừa chiến đấu vừa phải men theo khe núi lùi về dãy Kinh Môn (Hải Dương). Khi mọi chuyện yên, ông tìm mọi cách để đuổi theo nhóm của Lê Huyền. Hôm ấy, cậu giao liên không phải làm việc, nhưng ông đã tế nhị “hối lộ” một món quà để cậu ấy dẫn đi sao cho đuổi kịp được cô. Ông vừa đến đã thấy Lê Huyền đứng dậy, mừng ra mặt và reo lên: “A, anh Kinh đã về!”. Trái tim ông lúc đó cũng trở nên loạn nhịp. Tuy chưa ngỏ lời yêu chính thức nhưng lúc đó ông cũng nghĩ tình cảm của mình ở góc độ nào đó đã được bà đáp lại. Sau ông mới biết Lê Huyền đã luôn lo lắng và mong muốn được gặp người cán bộ hoạt bát và đầy gan góc-Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thụy Anh sau tình huống bị địch phục kích.

Gần một tháng gian nan đánh giặc luồn càn, cuối cùng cả hai nhóm cũng về đến Quỳnh Côi (Thái Bình). Ông chia tay về Vĩnh Bảo xây dựng cơ sở, còn Lê Huyền trở về Tiên Lãng. Một buổi tối, cậu liên lạc mang đến cho ông một mảnh giấy nhỏ, ông mở ra thì thấy dòng chữ: “Anh Kinh thân yêu! Tôi vào trong vùng địch hậu thế này khó khăn lắm, không biết là có nên tính hợp pháp chuyện gia đình ở Hải Phòng hay không?”. Trong nỗi mừng vui khôn tả, khi đi họp với trên ông đã đem chuyện riêng ra trình bày rằng đã yêu Lê Huyền, xin tổ chức cho phép được xây dựng gia đình. Sau đó, ông cũng thông báo với cô là đã đề nghị và tổ chức đã đồng ý tác hợp cho hai người. “Đấy, thời chiến, việc xây dựng gia đình chỉ đơn giản thế thôi...”- Vị tướng già nhìn về phía chúng tôi mà ánh mắt như trẻ lại, mỉm cười đôn hậu.

Nỗi đau day dứt, mất người con đầu tiên

Đầu năm 1953, hai ông bà sinh cô con gái đầu lòng, đặt tên là Đặng Công Khanh. Con gái mới được vài tháng tuổi, bà đã phải đi học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Còn ông được giao làm mọi công tác chuẩn bị, chỉ huy đánh trận Cát Bi. Sau trận đánh với chiến thắng vang dội, ông được đề bạt lên làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 thuộc Quân khu Tả Ngạn. Nhiều đêm ròng ông nghĩ: “Con không thể nào theo mình lên khu được, mà để con ở lại thì thiếu thốn, khó khăn rất nhiều...”. Một bên là nhiệm vụ, một bên là tình cha con máu mủ ruột rà trong lúc vợ vắng nhà... Cuối cùng ông đành bấm bụng gửi con nhờ dân nuôi mà trong lòng thương nhớ con khôn tả.

Vợ chồng Trung tướng Đặng Kinh thời trẻ. Ảnh do nhân vật cung cấp.         

Trước khi chia tay địa phương, ông dành thời gian hơn một ngày bên con. Đêm trước ngày về đơn vị mới, ông mắc chiếc màn một, trải chiếu giữa sân nằm ôm con. Sáu giờ sáng, con còn ngủ, ông ôm chặt con vào lòng rồi hôn con lần cuối...

Ông nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 (Quân khu Tả Ngạn), cũng là lúc Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Một hôm, khi đang tập trung quân thì ông nhận được lệnh về Bộ Tổng tư lệnh họp rút kinh nghiệm chiến dịch, chuẩn bị đánh xuống đồng bằng... Sau cuộc họp, ông cùng đoàn cán bộ Quân khu Tả Ngạn ra về. Đến quân khu, ông được đồng chí Lê Trưởng, Bí thư tỉnh ủy Kiến An lúc đó báo tin sét đánh "con gái của hai người đã không còn”. Ông đau đớn bàng hoàng, lẳng lặng ra đứng ngoài gốc cây mà khóc. Bấy giờ con ông mới được 9 tháng tuổi... Sợ bà không chịu nổi cú sốc mất con, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học hành, mấy lần đi thăm vợ, ông đều giấu chuyện con và thấy mình như người có tội.

"...Đến tận khi bộ đội về tiếp quản Thủ đô, trận Cát Bi được tuyên dương, tôi chỉ huy 6 khối duyệt binh thì vợ cũng đi xem. Duyệt binh xong, vợ chồng gặp nhau, tôi vẫn giấu việc con gái nhưng có lẽ linh cảm người mẹ nên bà ấy đã biết, cả hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc...”- Đưa chiếc khăn chấm nhẹ những giọt nước mắt dịn ra từ khóe mắt, ông  ngậm ngùi nhớ lại.

Trung tướng Đặng Kinh nói rằng, đến tận bây giờ, trong 4 người con của ông, người con đầu tiên là người ông thương nhất. Khanh mất đi là nỗi đau lớn nhất của cuộc đời ông! Vị tướng già luôn cảm thấy mình có tội với con, với vợ nên lúc nào cũng nhường nhịn và cố gắng làm sao để bà luôn vui lòng. Vị tướng già nghẹn ngào: “Nhưng bây giờ thì bà ấy lại về với tổ tiên trước tôi...”. Nhìn vào khóe mắt nhòe nước của vị tướng già, chúng tôi hiểu trong cuộc đời của ông-người anh hùng trận mạc, người vợ hiền thảo và những đứa con đối với ông có ý nghĩa như thế nào.

NGÔ DUY ĐÔNG