Đó là một ngày cuối năm 1968, nhạc sĩ Huy Thục và Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị nhận được thông báo vào Phủ Chủ tịch báo cáo kết quả chuyến đi thực tế chiến trường, đồng thời biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Đây là lần đầu tiên ca khúc do Huy Thục sáng tác được biểu diễn cho Bác nghe. Đang phân vân chưa biết chọn bài nào thì Huy Thục liền nhớ đến “Tiếng đàn ta lư”, một nhạc phẩm vừa được sáng tác năm 1967, trong trận Gio An.

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Huy Thục về thăm bà con Vân Kiều. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ở chiến trường, Huy Thục để ý, cứ sau mỗi loạt pháo của Trung đoàn 164 bắn ra thì từ Sở chỉ huy Trung đoàn 3 (đơn vị phối hợp chiến đấu cùng Trung đoàn 164), tiếng trống nổi lên liên hồi, giục giã, kéo theo tiếng kèn lệnh, tiếng kẻng, tiếng tù và của các chiến sĩ rền vang, làm quân địch thất kinh hoảng sợ, có tên vứt súng, chui vào bụi cây và bị bắt sống. Lấy cảm hứng từ tiếng trống trận Gio An mà Huy Thục đã viết “Tiếng đàn ta lư”.

Ngày 31-12-1968 là ngày biểu diễn cho Bác nghe. Trong buổi tổng duyệt tại đoàn, khi ca sĩ Tường Vy vừa thể hiện xong bài “Tiếng đàn ta lư” thì có ý kiến cho rằng bài hát này hát cho Bác Hồ nghe thì không hợp vì “giật gân” quá, sôi động quá nên yêu cầu nhạc sĩ phải sửa lại hoặc không biểu diễn. “Nghe vậy, tôi rất buồn và thất vọng, có sửa cũng không kịp tập luyện vì thời gian quá gấp. Thương cho “số phận” bài hát ra đời trong lửa đạn, tôi lấy hết danh dự của mình cam đoan, xin được cho ca sĩ hát bài này để Bác nghe”, nhạc sĩ Huy Thục nhớ lại.

Hôm biểu diễn, khi ca sĩ Tường Vy hát đến đoạn: “Em cất tiếng ca vang cùng núi rừng, mừng thắng trận quê em…” thì Bác Hồ ra hiệu dừng lại rồi đề nghị nhạc sĩ sáng tác bài hát ra cho Bác hỏi. Nhạc sĩ Huy Thục bước ra, đứng trước Bác, lòng hồi hộp lo lắng.

- Bác hỏi cháu, cháu hiểu gì về người Vân Kiều mà sáng tác bài hát này?

- Thưa Bác, cháu viết “Tiếng đàn ta lư” trước hết là để gửi gắm tâm trạng háo hức của thế hệ trẻ chúng cháu mang theo cả tri thức, khát vọng lên đường bảo vệ Tổ quốc nên âm hưởng tiết tấu chủ đạo là sôi động. Thứ hai là cháu hiểu người Vân Kiều, họ khổ, họ không có họ, tự lấy họ Hồ đặt cho mình, cho nên họ mang ơn cách mạng, mang ơn Bác Hồ. Trong chiến đấu, người Vân Kiều trước ngực thì đeo đàn ta lư, sau lưng thì gùi gạo kháng chiến, dù phải uống nước suối, ăn rau rừng nhưng họ cũng không lấy gạo của cách mạng-Huy Thục trả lời.

Nghe vậy, Bác Hồ liền quay lại căn dặn mọi người: “Đấy! Chúng ta phải học tập người Pa Cô-Vân Kiều. Dù họ phải uống nước suối, ăn rau rừng, nhưng họ không tơ hào một hạt gạo của cách mạng”. Nghe Bác nói xong, ngồi phía dưới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh cùng đứng dậy vỗ tay. Rồi cả hội trường vang tiếng pháo tay chúc mừng các nghệ sĩ.

Sau này, nhạc sĩ Huy Thục còn sáng tác nhiều ca khúc về Đảng, về Bác Hồ như: “Ngọn lửa Bác Hồ trao”, “Thủy điện Hòa Bình sáng tình Bác”, “Tượng đài Bác trên thủy điện sông Đà”, “Hành khúc từ làng Sen”... Trong đó, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” là nhạc phẩm ông viết khi hay tin Bác mất, trong không khí tang thương của đồng bào cả nước nhưng mặt trận vẫn đang nổ súng. Ở chiến trường, những người lính vẫn chắc tay súng, vững bước trên đường hành quân chiến đấu để biến niềm mong mỏi thắng giặc Mỹ trong Di chúc để lại của Bác thành hiện thực... Và rồi nhạc sĩ Huy Thục ngân nga: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác. Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người...”.

PHẠM KIÊN