Tuy nhiên, cần phải nói tới một bài thơ khác được ông viết sau đấy hai năm. Đó là “Bài thơ tâm tình”, như là một “Bài ca hy vọng” bằng thơ.
Cách nay 55 năm, trên số Báo Nhân Dân Xuân 1962 đăng “Bài thơ tâm tình” của nhà thơ Giang Nam, kèm theo hình vẽ anh bộ đội nét mặt rạng rỡ, cười tươi, trên mũ chăng lưới ngụy trang, lưng đeo ba lô, vai vác súng trường, toàn bằng đường nét màu đỏ. Bài thơ có 45 câu. Sau hơn nửa thế kỷ, tôi tìm gặp nhà thơ Giang Nam, đang sinh sống tại nhà 46 Yersin, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ở tuổi 88, ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn lạ thường. Ông đã giúp tôi biết “Bài thơ tâm tình” là cảm xúc về một sự kiện đặc biệt: Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về đường lối cách mạng miền Nam; là khúc hát niềm tin của những chiến sĩ cộng sản, trong đó có vợ chồng ông, trước “ánh dương rọi chiếu” của nghị quyết lịch sử nói trên.
Thi phẩm hòa quyện nghĩa Đảng, tình nhà
Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết (tháng 7-1954), nhà thơ Giang Nam và vợ-bà Phạm Thị Chiều đều là đảng viên, được tổ chức bố trí không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam hoạt động bí mật. Với cái vỏ công khai có giấy tờ hợp pháp do cơ sở ta trong chính quyền địch cấp, hai người tham gia vận động nhân dân buộc chính quyền ngụy thi hành hiệp định, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất nước nhà vào năm 1956. Song, đối phương đã phá hoại hiệp định, tổng tuyển cử không được thực hiện theo cam kết. Năm 1958, vợ chồng ông được chuyển vào công tác ở Biên Hòa và sinh một bé gái.
Vợ chồng nhà thơ Giang Nam cùng con gái và con rể. Ảnh do gia đình nhà thơ Giang Nam cung cấp.
Càng ngày, Mỹ-Diệm càng phát xít hóa, đàn áp phong trào cách mạng. Chúng tăng cường “tố cộng”, “diệt cộng”, gây tổn thất lớn đối với ta. Miền Nam như đống cỏ khô âm ỉ ngọn lửa căm hờn. Trước tình hình ấy, tháng 1-1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam (Nghị quyết 15), chỉ rõ: Nhân dân miền Nam phải dùng con đường cách mạng bạo lực để tự giải phóng mình, ngoài ra không còn có con đường nào khác. Trong hoàn cảnh mới, Đảng bộ phải đề cao công tác bí mật, triệt để lợi dụng khả năng hợp pháp để gìn giữ lực lượng, rút cán bộ “đã ra công khai” trở về. Giang Nam được tổ chức bố trí bí mật trở về Chiến khu Khánh Hòa (đóng ở Hòn Dù) làm Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa để chuẩn bị cho tình hình mới, củng cố lực lượng và đấu tranh võ trang. Bà Chiều vì bận con nhỏ mới 10 tháng tuổi nên chưa đi được, phải đổi vùng vào Nam Bộ để bảo đảm an toàn hơn.
Do hoàn cảnh công tác, Giang Nam mất liên lạc với gia đình. Mãi tới nhiều năm sau, ông mới gặp lại vợ và con gái ở căn cứ Củ Chi. Lúc ấy, ông cũng mới biết đích xác về việc địch đã bắt mẹ con bà Chiểu tại Thủ Đức (Sài Gòn) về giam ở khám Chí Hòa suốt từ năm 1959 đến 1962 rồi đưa ra Tòa án Quân sự-có thể xử tử hình vì tội theo cộng sản, chống lại “quốc gia”. Một người mẹ 31 tuổi và một bé gái 4 tuổi đã bị tù 4 năm, lại còn bị đưa ra Tòa án Quân sự! Điều đó đã gây chấn động lớn ở Sài Gòn. Đồng bào, kể cả cơ quan pháp luật thực hiện vụ án đó, đã phản ứng quyết liệt, buộc địch phải trả tự do cho hai mẹ con.
“Bài thơ tâm tình” được Giang Nam viết trong tâm trạng nhớ vợ thương con, nhưng cũng rất phấn khởi vì sau Nghị quyết 15, chúng ta đã thay đổi đường lối, phương châm hoạt động của cách mạng miền Nam, từ bị động đối phó chuyển sang chủ động tấn công địch; kết hợp 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận; xây dựng lực lượng võ trang, tiêu diệt nhiều sinh lực, đồn bốt địch. Đặc biệt, vùng căn cứ và vùng giải phóng được mở rộng. Qua bài thơ, ông cũng muốn nhắn nhủ tới người thương yêu là mình còn sống, vẫn chờ đợi hạnh phúc tương lai.
“Bài ca hy vọng” bằng thơ
Điều mà nhà thơ Giang Nam không ngờ tới là, trong thời gian mất liên lạc với chồng, bà Chiểu đã đọc “Bài thơ tâm tình” do anh chị em tù chính trị cũ sưu tầm gửi tặng. Không thể tả xiết tâm trạng của bà khi đó-một xúc cảm vô cùng đặc biệt được tạo nên bởi tình yêu đất nước, tình đồng chí cao cả và tình chồng vợ thủy chung, đầy trách nhiệm. Bà tự hào về tình yêu của mình, về bài thơ của chồng đã góp phần bồi dưỡng tư tưởng lạc quan chính trị đối với các chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước bị địch bắt tù đày.
Ông Nguyễn Trường Cửu ở thôn Tĩnh Thủy, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) kể rằng, tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo, thấy ông luôn luôn lạc quan, lại còn hay hát nên các bạn tù đưa ông vào đội văn nghệ. Trong chương trình mừng Xuân, mừng Đảng Tết Nguyên đán Canh Tuất 1970, ông thể hiện tiết mục thơ “Tôi đi giữa quê hương” (chính là “Bài thơ tâm tình” của nhà thơ Giang Nam, có cải biên một số câu từ cho hợp với điệu bài chòi đặc sản dân ca Khu 5) được bạn tù tán thưởng. Ông đã hát: Tôi đi giữa quê hương/ Một ngày đầu mưa phùn và nắng ấm/ Xuân đẹp lắm như tuổi em mười tám, đầy hoa hồng và mơ ước tương lai/…/ Mười mấy năm rồi chưa một ngày về thăm mạ, thăm em/ Chưa cùng ai ngồi tựa dưới ánh đèn/ Để ăn bánh, uống trà đón mùa xuân mới/ Có cần gì đâu em ơi! Hãy đợi anh trở về khi tất cả là Xuân... (Theo “Tiếng hát át tiếng roi”, Báo Quảng Nam, ngày 23-1-2015).
Có thể nói, “Bài thơ tâm tình”- “Bài ca hy vọng” bằng thơ là biểu hiện sinh động sự hòa quyện giữa con người chung với con người cá nhân, giữa con người cách mạng với con người thi sĩ, làm nên những nét đặc sắc trong tính cách của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, khí phách, một nhà thơ tâm huyết với thơ, với đời...
Bài thơ tâm tình
Tôi đi giữa quê hương
Một ngày đầu Xuân mưa phùn, nắng ấm
Xuân đẹp lắm, như tuổi em mười tám
Đầy hoa hồng và mơ ước tương lai.
Mười mấy năm hiến dâng cả cuộc đời
Cho cách mạng, qua bao lần bão táp
Vẫn thấy trong người bừng bừng sinh lực
Đường tôi đi lắm gai nhọn, cũng nhiều hoa
(Em! Anh yêu em, yêu đất nước quê nhà
Chẳng được gần nhau, em đừng buồn, em nhé
Với chúng ta dù tù đày, khủng bố
Dù chia ly, dù chồng chất tháng, năm
Lòng chúng ta mãi mãi vẫn là Xuân
Mãi mãi vẫn gần nhau trong hạnh phúc!)
Chưa bao giờ trời đẹp tựa sáng nay
Xuân của đất trời, Xuân của cỏ cây
Xuân của quê hương những ngày vùng dậy!
Xuân báo hiệu một mùa hè nắng cháy
Trái chín trên cành dịu ngọt thơm ngon
Dù bên sông lô cốt giặc đen ngòm,
Vùng giải phóng đang từng giờ mở rộng.
Trên đầu tôi, cờ sao bay lồng lộng
Trên vai tôi, nòng súng kết đầy hoa
Xung quanh tôi: Em nhỏ, mẹ già
Mới gặp đã thương hơn tình ruột thịt.
Tôi vui lắm: Thiếu ăn, mặc rách
Nhưng có quê hương trọn vẹn bên mình
Tôi ôm ghì cả biển rộng, trời xanh
Nghe hơi thở con ai thơm lừng bên má...
Mười mấy năm rồi trăm ngàn gian khổ
Chưa một ngày về thăm mẹ, thăm em
Chưa được cùng ai ngồi tựa ánh đèn
Ăn bánh, uống trà đón mùa xuân mới.
(Nhưng có cần gì, em ơi, hãy đợi
Anh sẽ về khi tất cả là Xuân)
Giải phóng quê hương, vùi hết bốt đồn
Cho áp bức không bao giờ trở lại
Bao nhiêu Xuân rồi, ôi tự hào biết mấy
Tôi mang mùa xuân đẹp nhất trong lòng
Xuân sáng nay, xa cách mấy năm ròng
Tôi vẫn thấy người yêu tôi mười tám tuổi!
Tôi bỗng hát to, lòng vui phơi phới
Có tiếng ai cười khúc khích sau lưng...
Mai này, tôi lập chiến công
Em ở quê hương có mừng không nhỉ?
Xuân 1962
|
PHẠM XƯỞNG