Ngày 18 và 4 giờ sáng 19-12-1972, Đài phát sóng Mễ Trì bị địch đánh sập. Khoảng 11 giờ 30 phút hôm ấy, chúng ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai và Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam ở Ngã tư Vọng. Cả nhà đi sơ tán về Văn Giang (Hưng Yên), tôi khoác ba lô lên “nhà đài” ở 58 Quán Sứ. 4 giờ sáng 22-12, B-52 lại rải thảm khu vực này một lần nữa. Trưa hôm đó, tôi đạp xe từ Quán Sứ về xem lại khu nhà của mình. Chiếc dương cầm bị vỡ một mảng lớn, phím đàn xộc xệch. Giường, tủ, đồ đạc trong nhà bị sập, gãy bừa bộn. Sách nhạc, bản nhạc bị cháy sém trong căn phòng đã bị tốc mái… Trên đường trở lại cơ quan, tôi xúc động thấy cảnh ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội hiện nay) và Bệnh viện Bạch Mai bị bom phá tan hoang. Không biết cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, trong lòng tôi đầy tâm trạng. Thế nhưng tự nhiên tôi lại cảm thấy ấm lòng trước cảnh bộ đội, dân phòng giúp dân cứu sập hầm; bà con giúp nhau nhặt nhạnh, thu gom những gì còn sót lại sau trận bom; các bác sĩ vẫn hối hả cứu chữa bệnh nhân. Hà Nội của chúng ta vững vàng và gan góc đến thế! Trong bom đạn, người ta càng thương yêu nhau hơn, sẵn sàng hy sinh để cứu giúp nhau. Những cặp mắt thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ và lo âu khi mỗi đêm có hàng chục đợt báo động vẫn ánh lên một cái nhìn kiên định, tin tưởng, lạc quan.
Đêm hôm ấy, trong một đợt báo động kéo dài, tôi ngồi trong căn hầm ngay khu vực trọng điểm, nhớ tới vợ con, người thân đang ở khu sơ tán, họ cũng cùng thức với tôi, đêm đêm nhìn về vầng sáng của lửa đạn đang bao trùm cả Thủ đô thân yêu. Tôi đã viết bài hát “Hà Nội, những đêm không ngủ”, ghi lại cảm xúc của mình trong những ngày đầu địch tập kích mà cũng chưa biết đến khi nào kết thúc. Bài hát có những câu: Ơi các chị, các em đang giờ đây tạm xa Hà Nội/ Trông thấy chăng ráng đỏ rực hào quang trên thành phố của ta/ Hà Nội đêm nay vẫn vang bài tình ca/ Hà Nội anh hùng: Thủ đô của chúng ta… Khi viết bài hát này, tôi cũng chỉ nghĩ là viết để đấy, sau này bà con nghe để nhớ về một thời đạn bom. Phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều nơi khác tan hoang mà sao người Hà Nội vẫn bình tĩnh thế? Mọi người đi sơ tán nhưng nhà không khóa cửa. Có những nhà còn ghi nhắn lại: “Đồng hồ đã chữa xong, khi nào hết bom đạn quay lại lấy” hoặc là “Tôi đi sơ tán, quần áo đã may xong, hết bom đạn nhớ lại lấy”.
Đêm 26-12-1972, Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên thắng lớn. Trong không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau (27-12) tại phòng giao ban Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng giám đốc Trần Lâm thông báo: Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 máy bay B-52, riêng Hà Nội diệt 5 chiếc, 4 chiếc rơi tại chỗ. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng chúng vẫn còn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội-Thủ đô thân yêu của chúng ta”. Cảm hứng từ câu nói ấy, nhất là cụm từ “một đòn Điện Biên Phủ ngay trên bầu trời Hà Nội” đã thôi thúc tôi viết ngay ca khúc “Hà Nội-Điện Biên Phủ”. Ngay đêm 27-12, tôi ngồi trong căn hầm của đài ở phố Quán Sứ và viết xong bài hát này. Đây có thể coi là một hành khúc đĩnh đạc, khỏe khoắn. Nếu như ở đoạn I, lời bài hát rắn rỏi, kiên định: Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời/ Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời thì ở đoạn II lại hào hùng, tha thiết: Hà Nội đây!/ Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta?/ Đâu chỉ vì non nước riêng này/ Phất ngọn cờ sao chính nghĩa/ Hà Nội ơi!/ Trong bom đạn vẫn ngời ánh sáng tương lai/ Ghi chiến công tuyệt vời: Một “Điện Biên” sáng chói/ Hà Nội ơi! Thấy tôi thức suốt đêm viết, sáng ra Tổng giám đốc Trần Lâm hỏi: “Đêm qua ông hý hoáy suốt đêm viết thư cho vợ phải không?”. Tôi lấy bài hát, hát cho mấy anh em cùng nghe, anh em bảo: Cần phải đưa ngay sang Báo Nhân Dân để kịp đăng trong những ngày khói lửa này. Sang Báo Nhân Dân, anh Hữu Thọ, Thép Mới và mấy anh em bên đó nghe xong rồi bảo: Đây là tiếng hát của người Hà Nội, cậu nên chép lại cho đẹp để báo lên khuôn in ngay ngày mai, cùng với chuyên mục “Hà Nội-Điện Biên Phủ”. Tôi nhờ anh Phan Nhân chép hộ. Sáng 29-12, bản nhạc được in trang trọng trên báo giữa lúc địch chưa chấm dứt cuộc leo thang làm chúng tôi thật xúc động.
    |
 |
Xác máy bay B-52 trên hồ Ngọc Hà (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà |
Báo đã đăng nhưng làm sao phải phát được trên Đài Tiếng nói Việt Nam cho cả nước cùng được nghe, để tỏ thái độ với Mỹ và cho thế giới biết. Vậy là tôi cùng mọi người quyết định làm một buổi thơ và nhạc viết về những ngày chiến đấu của Hà Nội. Bạn bè ca hát nhiều người đã đi sơ tán, nhưng mọi người vẫn quyết tâm thu bằng được bài hát với tâm trạng là biết đâu nay mai phòng thu này của đài cũng bị bom Mỹ phá sập. Vậy là anh Hoàng Mãnh đệm piano, tôi và các anh Trần Thụ, Mạnh Hà hát, mặc cho tiếng còi báo động chốc chốc lại rền vang. Buổi phát thanh chương trình “Tiếng hát gửi về Nam” đêm 29-12 đã gây xúc động cho nhiều người. Sau này, anh em ở miền Nam bảo tôi, tối nào các anh chị em cũng nghe đài, biết Hà Nội vẫn đánh giặc, vẫn hát và ngâm thơ, ai cũng tin tưởng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng. Thật thú vị, bài hát vừa ra đời cũng là lúc Mỹ phải chịu nhận thất bại, xuống thang vào ngày 30-12-1972.
Nhạc sĩ PHẠM TUYÊN (kể)
LÊ QUÝ HOÀNG (ghi)