Lần đầu tiên kịch bản văn học được in trên Tạp chí Tiên Phong-cơ quan của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam số 7 ra ngày 15-3-1946, tr.31. 

Bắc Sơn được công diễn lần đầu vào đêm 6-4-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội với băng rôn quảng cáo: “Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam với sự cộng tác của ba ban kịch Hoa Lan, Kinh Bắc, Tháng Tám sẽ trình bày trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vở kịch 5 màn Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng; Tài tử: Minh Trâm, Giáng Kiều, Trần Hoạt, Phạm Văn Đôn, Duy Lê, Việt Hồng, Hoàng Yên Bình; Dàn kịch: Kỳ Ngung; Bài trí: Trần Đình Thọ; Hóa trang: Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Văn Tỵ-một bước tiến của kịch trường Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn Bắc Sơn, Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản tháng 7-1946.

Ngày 22-9-1940, phát xít Nhật vượt biên giới Trung-Việt đánh vào Lạng Sơn, đồng thời cho hơn 4.000 quân đổ bộ vào Đồ Sơn (Hải Phòng) theo đường biển. Tàn binh quân Pháp rút chạy theo đường bộ về Thái Nguyên qua Bắc Sơn. Đi tới đâu chúng cũng ra sức cướp bóc, bắn giết dân lành tới đó, làm cho nhân dân căm thù đến cực điểm, quyết tâm nổi dậy giết giặc, giành chính quyền về tay mình.

Chi bộ Đảng địa phương chủ trương tiến hành khởi nghĩa vũ trang và xác định lực lượng cách mạng là đông đảo quần chúng nhân dân. Ban chỉ huy khởi nghĩa nhanh chóng được thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún do Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng; địa điểm tấn công đầu tiên được chọn là đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn. Đến chập tối ngày 27-9-1940, 600 quân khởi nghĩa thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh đánh chiếm đồn Mỏ Nhài. Binh lính Pháp hoảng sợ bỏ chạy, chính quyền cai trị bị tan rã. Trước tình thế đó, Pháp, Nhật tạm thời thỏa hiệp với nhau để tập trung đàn áp cuộc khởi nghĩa...

Ngay sau khi được tin cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Xứ ủy Bắc Kỳ đã cử đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc khởi nghĩa vào mục tiêu xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Ngày 13-10-1940, cuộc họp tại khu rừng Tân Hương đã quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên. Ngày 28-10-1940, quần chúng cách mạng đang tổ chức mít tinh ở Vũ Lăng, chuẩn bị đánh chiếm lại đồn Mỏ Nhài thì bị quân Pháp tấn công.

Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn chỉ tồn tại chưa đầy một tháng, nhưng đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho việc chỉ đạo cách mạng Việt Nam những năm sau. Khởi nghĩa Bắc Sơn là một mốc son chói lọi của tinh thần yêu nước, quyết tâm chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, thể hiện sự sáng tạo và tài thao lược trong chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng của Đảng.

Vở kịch nói Bắc Sơn của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện không khí của cuộc khởi nghĩa ở Vũ Lăng. Nhân dân rầm rập kéo đi mít tinh, đem bò, lợn, gạo ủng hộ cách mạng. Câu chuyện diễn ra trong gia đình cụ Phương, có con trai tên là Sáng, con gái là Thơm và con rể tên Ngọc. Bên cạnh là Cửu, một nông dân 24 tuổi, người Tày, cốt cán của phong trào; là giáo Thái-người được cấp trên cử về lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ngọc (con rể cụ Phương, chồng Thơm) dẫn Tây về đàn áp cuộc khởi nghĩa. Nhiều người bị bắt, bị giết dã man. Sáng bị giặc bắn, cụ Phương trúng đạn hy sinh, cụ bà Phương sợ, bỏ nhà... Ngọc được thưởng nhiều tiền. Hắn dẫn Tây đi lùng bắt cán bộ, bắt anh Thái và anh Cửu cùng nhiều đồng chí khác.

Nhân vật Thơm là một hình tượng bi tráng về người phụ nữ Tày những năm chưa xa ấy. Vượt qua mọi cảnh ngộ đau thương, Thơm đã đến với cách mạng, sẵn sàng xả thân vì cách mạng. Hình tượng người phụ nữ dân tộc Tày trong kịch Bắc Sơn tỏa sáng chói lọi là một thành công của Nguyễn Huy Tưởng khi viết về cách mạng và người phụ nữ Việt Nam.

leftcenterrightdel
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Vở kịch có đoạn mô tả, nửa đêm, Ngọc dẫn Tây truy đuổi theo anh Thái và anh Cửu, hai người chạy nhưng lại nhầm vào nhà Ngọc. Mặc dù bất ngờ, Thơm đã giữ hai người lại. Khi tiếng chó sủa râm ran, tiếng người chạy rầm rập, Cửu vừa thất vọng vừa hối hận, lo lắng thì Thơm đã nói: “Chết nỗi, hai ông bị chúng nó đuổi? Làm thế nào bây giờ?... Tôi chết thì chết, chứ tôi không báo hai ông đâu”. Thái và Cửu định chạy ra thì Thơm đã ngăn lại, đẩy hai cán bộ vào buồng và nói: “Có lối thông ra ngoài, khép cửa buồng lại”. Câu nói của Thơm: “Tôi chết thì chết, chứ tôi không báo hai ông đâu” như một điểm nhấn của toàn bộ vở kịch nhằm ca ngợi tấm lòng trung kiên của người dân với cách mạng... Quân khởi nghĩa rút vào rừng. Biết được Ngọc ngày mai sẽ dẫn Tây vào đánh úp, Thơm đã băng rừng giữa đêm khuya vào tận căn cứ tiếp tế và báo cho quân cách mạng kịp thời ứng phó. Thơm quay về gặp Ngọc, bị hắn bắn trọng thương. Còn Ngọc thì lại trúng đạn lũ quan thầy mà chết. Cuộc vây quét của Tây thất bại, quân cách mạng thu được nhiều súng đạn. Thái và Cửu cứu chữa cho Thơm. Trong cơn mê sảng, Thơm nói: “Trường Vũ Lăng ta lại chiếm được kia kìa. Đi mau lên, các ông! Các ông cố lên nhớ! Mau lên! Có phải cờ ta đấy không? Được thật rồi!”. Trong lúc đó, tiếng hát của du kích quân cất lên vang lừng, hùng dũng, văng vẳng...

Cũng cần nhắc lại, nghe lại lời của Thơm vạch mặt Ngọc trước khi chị bị kẻ thù sát hại: “Thôi, đến lúc này, tôi cũng chẳng còn úp mở làm gì nữa. Tôi biết anh lắm rồi. Tôi biết anh từ khi em tôi chết, chú tôi chết... Ba tháng nay tôi ăn chung ở đụng với anh, tôi khổ sở biết là chừng nào! (...) Tôi đố anh phá nổi quân du kích, tôi thách thằng Tây phá nổi quân du kích! Mở mắt ra: Nó sai như con chó, nó khinh như con chó mà không biết đời à?... Các ông đồng chí đâu! Bắt lấy nó. Nó đây rồi. Bắt cả tôi nữa, mà báo thù cho các đồng chí Bắc Sơn. Nó đây rồi, đừng thương nó”.

Sau khi công diễn, vở Bắc Sơn được khán giả, nhất là khán giả Thủ đô rất hoan nghênh. Nhiều tờ báo xuất bản trong cả nước đưa tin và có bài bình luận. Báo Độc Lập số 118 viết: “Bắc Sơn diễn lần đầu tối thứ Bảy vừa qua tại Nhà hát Lớn, là một vở kịch cách mạng mà không có tính cách mạng tuyên truyền. Công chúng đến rất đông, cùng hầu hết giới văn hóa Thủ đô đã có mặt, tạo một không khí nghệ thuật rất náo nức… Bản nhạc Bắc Sơn-một tác phẩm mới của Văn Cao, được ban âm nhạc Vệ Quốc đoàn trình bày một cách đích đáng...”. Báo Đồng Minh số 3 thì viết: “… Bắc Sơn quyến rũ được người xem vì vở kịch có nhiều lúc rất cảm động, hồi hộp. Ai mà nén được lòng rung động khi xem màn 4 của vở kịch, ai mà không hồi hộp trước hồi súng nổ khai mạc, trong màn mở đầu vở kịch. Lối nhập đề đột ngột của ông Tưởng thì thật tuyệt khéo, đầy tính nghệ thuật”. Báo Vì nước  số 77 lại viết: “…Vở kịch chia làm 5 màn, cả 5 đều rất gọn gàng, cách xếp đặt của tác giả (ông Nguyễn Huy Tưởng) và nhà dàn kịch (ông Kỳ Ngung) cũng đã đủ tài để nâng giá trị của vở kịch lên một mức cao hơn; mặc dù còn khuyết điểm, vở kịch Bắc Sơn xứng đáng là một chấm mạnh cảnh tỉnh cho những ai còn nghi ngờ kịch cách mạng”...

Là người đương thời, là bạn cùng thời của Nguyễn Huy Tưởng, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ sau khi xem kịch Bắc Sơn viết: “Từ mấy tháng nay, với cuộc đổi mới, những vở kịch như Lối sống (của Thâm Tâm), Tô Hiệu (của Nguyễn Công Mỹ) đã xoay hẳn lại bầu không khí lả lướt của kịch trường hồi gần đây... nhưng phải chờ đến hai buổi biểu diễn Bắc Sơn (kịch 5 màn của Nguyễn Huy Tưởng) vừa qua, công chúng mới lại được xem một công trình cố gắng hơn để ghi lại trên sân khấu tinh thần giải phóng rất cao của dân tộc Việt Nam cách đây mấy năm... Vở kịch Bắc Sơn đã ra đúng thời, đánh tan hẳn luận điệu mập mờ nghệ thuật” (trong bài “Xem kịch Bắc Sơn” - Tạp chí Tiên Phong số 9 năm 1946, tr. 25, in trong Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945-1946, Nxb Hội Nhà văn, 1996).

Nói về vở kịch Bắc Sơn là nói về tinh thần quật cường cũng như sức sống của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940) đúng như trong bài “Đi xem kịch Bắc Sơn” in trên báo Sự Thật số 31 năm 1946 đã viết: “Kịch Bắc Sơn đã khiến ta sống lại cái không khí tưng bừng của cuộc cách mạng đang lên (màn một) rồi cái lớn lao, đau đớn của cách mạng tan vỡ (màn ba) và cái hy vọng ở cuộc cách mạng nhen nhóm trở lại (màn năm)...” (dẫn theo Sưu tập trọn bộ Tiên Phong, sách đã dẫn, tr. 397, 398, 399).

NGÔ VĨNH BÌNH