Thời ấy, Hải Phòng còn có tên gọi thân thương là “thành phố học sinh miền Nam” vì cứ đến ngày lễ, ngày nghỉ lại thấy những học sinh miền Nam trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng đông đúc, nhộn nhịp trên khắp các đường phố, trong rạp hát, công viên nơi thành phố cảng...
Những địa điểm được chọn nuôi dưỡng học sinh miền Nam hầu hết đều rộng, thoáng, đẹp và ở ngay trong những khu phố lớn, gần trung tâm. Đó là các trường số 13, 18, 19, 21, 23, 24…, trường số 6 dành cho nữ sinh, trường số 11 dành riêng cho các em gái cấp 1 và trường số 17 dành cho con em người Việt gốc Hoa... Hải Phòng còn dành riêng một bệnh viện lớn sau ga Hải Phòng cho con em cán bộ miền Nam. Ngay cả khi Hải Phòng là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt nhất của máy bay Mỹ, các em vẫn được bảo đảm an toàn, được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, chở che, đùm bọc trong vòng tay yêu thương của đồng bào miền Bắc, của nhân dân Hải Phòng.
Bạn tôi-cố TSKH Nguyễn Hải Kế, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng là người sinh ra ở thành phố cảng, trong một bài viết về Ca Lê Hiến-Lê Anh Xuân, một người thầy, một nhà thơ, một người anh hùng, đồng thời cũng từng là cán bộ giảng dạy ở khoa những năm đầu thập niên 1960, có đoạn: “Chúng tôi được biết, cuối 1954, khi theo gia đình tập kết ra Bắc, Ca Lê Hiến lúc đó 15 tuổi, được học ở các trường học sinh miền Nam, đầu tiên là Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Đối với đông đảo thế hệ chúng tôi-những người được đi học phổ thông 10 năm sau khi miền Bắc giải phóng, đó là những năm tháng êm đềm và hạnh phúc của tuổi thơ. Các học trò miền Nam được miền Bắc dành tình cảm chăm sóc đặc biệt. Đến bây giờ, tôi không nhớ tên tác giả nhưng lại không quên một bài thơ (đưa vào tập đọc cấp 1) viết về người chiến sĩ tuần tra trên đường phố Hải Phòng những tháng năm này:
Trong đêm khuya vắng vẻ
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió lá bay xuống đường
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện trong căn phòng lưu luyến
Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?”.
Nhà giáo Võ Mai Bạch Tuyết cũng từng là cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), ái nữ của Anh hùng LLVT nhân dân Võ Bẩm và là cựu học sinh một trường miền Nam tại Hải Phòng viết: “Thật cảm động khi đọc bài viết về người bạn của lớp chúng tôi-bạn Ca Lê Hiến, không biết về trường bạn ấy có đàn ghi ta không, chứ khi ở Trường Học sinh miền Nam Hải Phòng, bạn ấy đệm đàn cho chúng tôi hát đấy. Bài viết có nhắc tới Chu Cẩm Phong, cũng là người của lớp 8 Trường Học sinh miền Nam chúng tôi ở Hải Phòng năm nào. Tôi về Khoa Lịch sử năm 1966, Hiến đã đi B rồi, và mãi mãi chúng tôi không còn được gặp bạn ấy!”. Bà cũng cho biết thêm: Những học sinh miền Nam xa nhà, xa quê được sống trong tình thương yêu của đồng bào miền Bắc thật cảm động khi nghe bài thơ “Chú đi tuần”:
Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng,
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió lá bay xuống đường…
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến.
Đó là những câu mở đầu trong bài thơ “Chú đi tuần”. Mãi tới khi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi mới biết tác giả bài thơ là Đại tá Trần Ngọc, ông nguyên là trưởng phòng biên tập của Báo Quân đội nhân dân và sau này là Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam. Ông có lần kể với Đại tá Lã Bá Tình, phóng viên Báo Quân đội nhân dân rằng, bài thơ này ông viết năm 25 tuổi, khi là chính trị viên đại đội. Bằng tình thương mến vô bờ với các cháu học sinh miền Nam còn rất nhỏ tuổi nhưng đã phải sống xa gia đình, quê hương, ông đã viết bài thơ trong một đêm đông lạnh buốt. Bài thơ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 9, ra tháng 3-1956, có tiêu đề là “Đêm nay đi tuần”, viết tháng Giêng cùng năm, với lời đề: “Thân yêu tặng các cháu học sinh miền Nam”. Bài thơ được đưa vào sách giáo khoa lớp 3 cũng năm ấy rồi sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 (Nxb Giáo dục) những năm sau này với tựa đề mới là “Chú đi tuần”.
Hồi ấy, tạp chí tuy đã ra một tháng hai kỳ và phát hành đến cấp trung đội trong toàn quân nhưng vẫn là “lưu hành nội bộ” trong quân đội, nghĩa là chưa ra mắt công khai, phát hành rộng rãi trong nhân dân. Ấy vậy mà sức lan tỏa của nó thật là rộng khắp, nhất là đối với người dân thành phố cảng Hải Phòng và cả chục ngàn học sinh miền Nam. Tại sao vậy? Tôi nghĩ đó là bởi bài thơ đã chạm vào được con tim của người dân Việt Nam đang hướng về miền Nam thành đồng Tổ quốc với khát khao “Nam-Bắc một nhà”. Bài thơ còn là tấm lòng của người chiến sĩ quân đội với các cháu nhỏ miền Nam yêu quý đang phải sống xa gia đình, cha mẹ, quê hương:
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện trong căn phòng lưu luyến
Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?
Anh bộ đội đi làm nhiệm vụ tuần tra trong đêm gió rét, thật vất vả:
Trong đêm khuya vắng vẻ
Chú đi tuần đêm nay
Nép mình dưới bóng hàng cây
Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi!
Nhưng “chú bộ đội” vẫn không rời tay súng, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, “Rét thì mặc rét” vì sự bình yên của thành phố, vì tương lai của trẻ thơ:
Mai các cháu học hành tiến bộ
Đời đẹp tươi khăn đỏ tung bay
Rồi người lính đi tuần trong đêm gió rét như thủ thỉ cùng các em thơ:
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé!
Bác Hồ mong các cháu luôn vui vẻ
Học giỏi nhiều và ngoan ngoãn cháu nghe
Các chú đêm nay đi tuần tiễu bên hè
Cũng để cho các cháu yên giấc ngủ!
Và anh bộ đội như thấy trong lòng vui ấm lên khi hoàn thành nhiệm vụ “giữ yên giấc ngủ” cho trẻ thơ, cho các cháu học sinh con em của miền Nam ruột thịt:
Lạnh lùng gió rét đêm đông
Mà sao chú thấy ấm lòng cháu ơi!
Tình cảm và trách nhiệm của anh bộ đội cũng là trách nhiệm và tình cảm của nhân dân cả nước với đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đọc lại “Chú đi tuần” của Trần Ngọc, người đọc như được sống lại những năm tháng nặng sâu tình cảm Bắc-Nam cùng khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc; đồng thời thấy sáng lên những nét đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ!
Thập Tam trại, tháng Giêng năm 2020
NGÔ VĨNH BÌNH