Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 21-11-1964 đưa tin và bình luận về trận chiến đấu oanh liệt bắn rơi máy bay Mỹ ngày 18-11-1964 của Đại đội 3, Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ thuộc Sư đoàn 325 (Quân khu 4). Trong trận chiến đấu này, Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt phía tây tỉnh Quảng Bình. Bất chấp nguy hiểm, Thiếu úy Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 3 vẫn lao ra khỏi công sự, đứng bên Khẩu đội 3, đĩnh đạc đầy khí phách và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”.
Giữa làn bom đạn địch, tiếng hô dõng dạc của anh vang trên trận địa đã trở thành khẩu hiệu khích lệ mạnh mẽ tinh thần “dám đánh” và đánh thắng của toàn đơn vị cũng như trên khắp các chiến trường đánh Mỹ. Sau đó, anh bị thương nặng, gãy nát đùi bên phải, nhưng trước khi hy sinh vẫn chỉ huy cuộc chiến đấu, biểu dương kịp thời đồng đội lập công.
Tấm gương chiến đấu anh dũng quên mình vì nhiệm vụ của Nguyễn Viết Xuân đã được Báo Quân đội nhân dân phản ánh liên tiếp những ngày cuối năm 1964 và từ tháng 1-1965, phong trào “noi gương, học tập Nguyễn Viết Xuân” đã được lan tỏa rộng rãi trong toàn quân và cả nước. Tấm gương chiến đấu hy sinh của Nguyễn Viết Xuân đã đi vào thi ca, đi vào những trang sách, trong đó phải kể đến bài thơ của nhà thơ Xuân Sách. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc thành bài hát “Cùng anh tiến quân trên đường dài”:
Qua núi qua sông qua đồng lúa chín
Ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha
Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân
Sáng lên lời ca những người anh hùng.
Qua đất trung du xanh màu lá biếc
Quê anh yêu dấu tím đỏ đồi sim
Chân bước đi xa lòng còn để lại
Quê hương anh đấy, ngỡ quê hương mình.
Nguyễn Viết Xuân, lời anh nói thiết tha
Theo ngọn gió bay xa, như khúc ca giục giã
Thôi thúc trong lòng tôi tiến quân trên đường dài.
Đường hành quân qua núi cao vực sâu,
Tôi đi hờn căm sôi trong máu.
Nguyễn Viết Xuân, trận địa khắp nơi nơi
Anh lại đứng bên tôi, “Nhằm quân thù mà bắn!”
Đôi mắt như lửa soi đốt thiêu quân thùnày.
Trận địa đây, đất nước của mình đây,
Lời anh vẫn vang lên hùng tráng
Kể từ nay sông núi hay biển khơi,
Còn in dấu chân anh đời đời.
Năm 1967, Trung ương Đoàn mở cuộc vận động sáng tác bài hát cho thanh niên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Trong số những bài hát được ban tổ chức tuyển chọn để phổ biến rộng rãi trong thanh niên thời ấy có bài “Cùng anh tiến quân trên đường dài, nhạc” Huy Du, thơ Xuân Sách. Giai điệu vừa thiết tha vừa trầm hùng, thể hiện rõ nét tấm gương dũng cảm sáng ngời của Anh hùng Nguyễn Viết Xuân.
    |
 |
Tem quân đội phát hành trong phong trào “Noi gương, học tập Nguyễn Viết Xuân”. |
Những năm chống Mỹ, cứu nước, ca khúc “Cùng anh tiến quân trên đường dài” với những ca từ hào hùng, tha thiết đã tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng trời của Tổ quốc. Trong chương trình “Giai điệu tự hào” của VTV tháng 7-2015 kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2015) đã tái hiện chân dung các anh hùng LLVT nhân dân, trong đó có Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với bài hát “Cùng anh tiến quân trên đường dài”.
Trong âm nhạc những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, có những cặp viết nhạc-soạn lời rất ăn ý, mà cặp Huy Du-Xuân Sách là ví dụ tiêu biểu. Nhạc sĩ Huy Du đã phổ thật hay nhiều bài thơ của Xuân Sách, chẳng hạn: Cùng anh tiến quân trên đường dài, Đường chúng ta đi, Bài ca về Đường 9… Có thể nói, nhạc sĩ Huy Du bằng tài năng âm nhạc của mình đã chắp cánh cho những bài thơ của Xuân Sách - một đồng đội, một người bạn thân của mình. Nhạc Huy Du đã nâng tầm, lan tỏa cho thơ của bạn mình; còn thơ Xuân Sách là nguồn cảm hứng cho nhạc của bạn ông.
Và nhân vật của bài hát - Nguyễn Viết Xuân. Ông sinh năm 1934 tại xóm Thượng, xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 11-1952, ông gia nhập bộ đội pháo binh, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thời chống Pháp, tham gia bảo vệ Quảng Bình thời chống Mỹ với cương vị Chính trị viên đại đội. Ông dũng cảm hy sinh trong trận chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 18-11-1964. Ngày 1-1-1967, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam được đặt tên Nguyễn Viết Xuân như: Đường Nguyễn Viết Xuân ở trung tâm Đồng Hới, Quảng Bình; phố Nguyễn Viết Xuân tại thành phố Hạ Long (từ đường Trần Phú đến cống Giáp Khẩu); phố Nguyễn Viết Xuân tại Hà Nội...
NGÔ VĨNH BÌNH