Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng Võ Bẩm, Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 có kể về lần gặp Bác Hồ năm 1962. Ông đã báo cáo với Người rằng, Bộ đội Trường Sơn đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ Bác và Đảng giao. Đồng bào các dân tộc luôn ủng hộ cách mạng tuy rằng đời sống vô cùng thiếu thốn. Bác Hồ nghe và căn dặn ông Võ Bẩm phải luôn quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Vào dịp Quốc khánh 2-9 năm đó, Đoàn 559 đã chấp hành chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyển đến đồng bào ở Trường Sơn gạo, 30 tấn muối và 10 tấn vải.

Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi tuyến đường vận tải chiến lược đi qua luôn biết ơn Bác, tự hào về con đường mang tên Hồ Chí Minh. Suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước, đã có không biết bao nhiêu tác phẩm văn học, nghệ thuật nói về Bác, viết về Bác, về tình cảm của Bác với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Trường Sơn và sự biết ơn, kính yêu của bộ đội cũng như đồng bào Trường Sơn đối với Bác. Một trong những tác phẩm nổi tiếng về đề tài này là bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” của nhà thơ Nguyễn Trung Thu, được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc.

leftcenterrightdel
Nhà thơ Nguyễn Trung Thu.

Tôi có may mắn biết nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tác giả bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” từ khi anh còn công tác ở Tạp chí Quân đội nhân dân (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân). Nhà anh lúc ấy ở số 3B Ông Ích Khiêm (Ba Đình, Hà Nội), gần Lăng Bác, tôi đã đến đôi lần. Ấy là năm anh ra tập thơ đầu tay, tập “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (NXB Quân đội nhân dân,1996).

Bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” với những câu thơ thành kính và thiết tha: Đêm Trường Sơn/ Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây/ Cảnh về khuya như vẽ/ Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/ Bác như đã đến nơi này/ Đêm Trường Sơn/ Chúng cháu nghe tiếng suối/ Trong như tiếng hát xa/ Chúng cháu ngỡ như từ Pác Bó/ Suối về đây ngân nga... được Nguyễn Trung Thu viết năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị.  

Năm 1999, nhân 40 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Đài Tiếng nói Việt Nam và Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tổ chức cuộc bình chọn ca khúc hay về đề tài Trường Sơn. Bài hát “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” do Trần Chung phổ nhạc đã được chọn là bài hát hay nhất trong 10 bài hát hay về Trường Sơn.

Nhạc sĩ Trần Chung chưa một lần đặt chân đến Trường Sơn nhưng với cảm xúc vượt không gian đã sáng tác hai ca khúc về Trường Sơn rất nổi tiếng là “Bài ca Trường Sơn” và “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”. Nhạc sĩ có lần kể rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông có những dịp đi công tác qua nhiều làng mạc khắp đất nước, chứng kiến các trai làng tạm biệt quê hương lên đường ra mặt trận. Ông rất muốn viết một ca khúc về đề tài này, nhưng chưa nghĩ ra cách thể hiện. Tình cờ đọc bài thơ “Bài ca Trường Sơn” của Gia Dũng in trên Báo Nhân Dân, ông liền dựa vào đó để viết những ca từ mà ông từng ấp ủ. Đó là vào tháng 10-1968. Nhưng phải hai năm sau, năm 1970, ca khúc “Bài ca Trường Sơn” qua giọng hát của ca sĩ Quốc Hương mới được giới thiệu trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và lập tức bay đi khắp đất nước: Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió/ Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa/ Đi ta đi tung cánh đại bàng/ Vang khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam… Bốn năm sau đó, bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” của nhà thơ Nguyễn Trung Thu lại được nhạc sĩ phổ nhạc thành công.

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu sinh năm 1940 tại làng Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội). Năm 1964, ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến lớn”, “Tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, đầu mùa thu năm 1971, hàng trăm sinh viên cùng 60 giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó có thầy giáo trẻ Nguyễn Trung Thu lên đường nhập ngũ…

Nhập ngũ vào một đơn vị thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc được một thời gian ngắn, thầy giáo Nguyễn Trung Thu cùng đơn vị hành quân vào chiến trường Quảng Trị. Trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, ông đã sống, chiến đấu cùng đồng đội. Và, trong trận chiến tàn khốc ấy, ông nhận ra rằng, Bác Hồ kính yêu luôn có mặt, luôn ở bên các chiến sĩ. Bác thật sự là người Cha thân gần, là nguồn sức mạnh to lớn của những người lính.

Sinh thời, nhà thơ có lần kể: “Tôi viết bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” lúc tôi đang là anh binh nhì tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị. Một đêm tháng 9-1972, đã rất khuya, cảm thấy khó ngủ trong lán hầm ngột ngạt, tôi ôm võng ra mắc nằm bên suối. Đêm ấy, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn. Thốt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào hồi kháng chiến chống Pháp Bác Hồ đã miêu tả trong bài thơ “Cảnh khuya” Người viết năm 1947, thế là tôi liền rút cây bút, dưới ánh trăng viết lên lòng bàn tay mấy câu thơ đầu tiên: Đêm Trường Sơn/ Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây/ Cảnh về khuya như vẽ/ Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/ Bác như đã đến nơi này... Chỉ trong sáng hôm sau, bài thơ được hoàn thành không mấy chật vật và sau đó ít lâu, bài thơ được in trên Báo Nhân Dân”…

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Trần Chung.

Năm 1974, nhạc sĩ Trần Chung phổ bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” thành ca khúc cùng tên. Khi được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát đã chiếm được cảm tình của hàng vạn thính giả, nhất là đối với những người lính… Và cho tới tận bây giờ, theo tôi, bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” vẫn là một trong những bài thơ hay nhất viết về Bác, viết về tình “phụ tử chi binh” đầy thành kính, đầy niềm tin của những người cầm súng đối với lãnh tụ của mình; đồng thời, bài hát cùng tên được phổ nhạc từ bài thơ cũng trở thành bài ca “đi cùng năm tháng”, thành “giai điệu tự hào” của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Sau chiến tranh, nhà thơ Nguyễn Trung Thu làm biên tập viên ở Tạp chí Quân đội nhân dân rồi chuyển ngành sang công tác tại Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Ông là tác giả của 7 tập thơ: “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”; “Em hoặc không ai cả”; “Kỷ niệm về lời ru buồn”; “Đôi mắt xa xăm”; “Tím biển biếc trời”; “Thao thiết tiếng khuya”… Ông mất ngày 6-6-2009.

Theo nhà văn Ngô Thảo, khi còn sống, là một người nghiêm cẩn và khiêm tốn, Nguyễn Trung Thu đã không nghĩ đến việc in thành sách các bài viết của ông với tư cách là lính trận Trường Sơn và chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương. Hai năm sau khi nhà thơ qua đời, gia đình, bạn bè gom nhặt, sưu tầm từ những gì ông đã viết và in trên nhiều sách báo trong thập kỷ 80, 90 của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 cùng các di cảo và di bút để làm các tập sách: “Góp phần tìm hiểu tư tưởng về văn hóa văn nghệ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh” (NXB Chính trị Quốc gia), “Nhật ký Trường Sơn” (NXB Văn học) và “Dấu ấn Nguyễn Trung Thu”-sách tập hợp những nhận định của bạn bè về nhà thơ (NXB Hội Nhà văn). Ấy là những trang viết thấm đẫm tình yêu thương, thành kính của một người lính Cụ Hồ với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, với người Cha thân yêu của các LLVT Việt Nam.

Thập Tam trại, hè 2019

NGÔ VĨNH BÌNH