Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa đó mà sinh thời, nhà thơ Thanh Tịnh đã đặt tên cho tác phẩm viết về tuổi thơ của Bác Hồ là “Đi từ giữa một mùa sen” (Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 1973).
Bằng hơn một nghìn câu thơ lục bát khá nhuần nhuyễn, kết cấu giản dị như những chuyện nôm khuyết danh, Thanh Tịnh kể với chúng ta về một đoạn đời thơ ấu của Bác Hồ, từ buổi lọt lòng cho đến lúc mẹ của Người qua đời:
Cây đời mới nhú nụ hoa
Đã trông thấp thoáng sông hòa biển chung
Đó là cậu Nguyễn Sinh Cung
Đoạn đầu thiên sử anh hùng vĩ nhân
Viết truyện thơ về thuở nhỏ của một nhân vật lịch sử hiện đại như Bác Hồ, điều đòi hỏi trước tiên đối với người viết là phải tôn trọng sự kiện, phải dành công sức tìm tòi, hệ thống tư liệu và sưu tầm những mẩu chuyện trong dân gian. Thanh Tịnh may mắn đã có những thuận lợi để đáp ứng được nhiều nhất yêu cầu đó. Ông kể: “Từ năm 1930, tại Huế, tôi may mắn được gặp ông Khiêm (bí danh là Nguyễn Tất Đạt) là anh ruột của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1951, từ Việt Bắc trở về Khu 4, tôi được anh Hải Triều mấy lần đưa đến thăm sức khỏe bà Thanh (bí danh Bạch Liên)-chị ruột của Bác. Đầu năm 1960, anh Hoài Thanh và tôi vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương cử vào Nghệ An để tìm tài liệu viết về Bác” (Theo cuốn “Thanh Tịnh-Văn và đời”, in lần thứ hai, NXB Thuận Hóa, 2006, tr.199). Sau này, ông lại dành nhiều thời gian về quê Bác và đi tìm gặp, hỏi chuyện các cụ trước kia có biết chú bé Nguyễn Sinh Cung (tên lúc nhỏ của Bác Hồ). Hơn nữa, không gian và thời gian trong chuyện cũng là không gian, thời gian mà chính cuộc đời bản thân nhà thơ đã được trải qua.
Nhà thơ Thanh Tịnh. Ảnh tư liệu.
Như mọi người đã biết, Thanh Tịnh (1911-1988) là nhà thơ xứ Huế nổi tiếng, từng là Đại tá, Chủ nhiệm (Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người có tên trong “Thi nhân Việt Nam” (của Hoài Thanh và Hoài Chân, xuất bản từ năm 1942); đồng thời đã từng được gặp rất nhiều nhân chứng ở Nghệ An quê Bác và các tỉnh mà Bác của chúng ta đã từng qua như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn, Châu Đốc, Sa Đéc... Trong số những nhân chứng đó, theo nhà thơ thì có: “Bà cụ Vân ở làng Ngọc Đỉnh gần quê Bác, năm ấy (1960) đã 86 tuổi. Như vậy là khi Bác kính yêu của chúng ta ra đời thì cụ Vân đã 16 tuổi. Bà cụ biết khá rõ về thời thơ ấu của Bác” (Theo “Thanh Tịnh-Văn và đời”, đã dẫn, tr.199).
Nhờ vậy, trong tập thơ này, tác giả đã cung cấp cho bạn đọc khá nhiều chi tiết mới về hoàn cảnh sống của Bác vào những năm cuối thế kỷ 19. Trong cách chọn lọc, thể hiện chi tiết đó, tác giả có ý định giải thích những bước hình thành đầu tiên về tâm lý và tư tuởng của Bác Hồ. Tất nhiên, đây mới chỉ là những luận cứ văn học qua cách thể hiện của hình tượng thơ.
Chú bé Nguyễn Sinh Cung ra đời trong gia đình một nhà nho thanh bạch, cái thanh bạch điển hình của nho sĩ nghèo thời ấy, cha theo nghiệp bút nghiên, mẹ giữ nghề chăn tằm dệt vải:
Ánh đèn thức với trống canh
Nửa theo chữ viết nửa vành tơ quay.
Chú bé Cung là con thứ ba của gia đình, trên chú còn một anh và một chị. Sự phát triển tâm lý của chú bé cũng giống như ở mọi trẻ em nông thôn khác:
Hay vòi chị đi hái dâu
Cũng hờn khi mẹ đi lâu chưa về
Tác giả chọn nhặt giới thiệu vài nét đáng chú ý về tư chất chú bé, những nét ấy cũng không có gì là phi thường; trái lại rất bình thường. Điểm đáng quý là từ những chi tiết thường ngày trong đời sống của chú bé, tác giả đã làm ánh lên được những phẩm chất truyền thống của trẻ thơ Việt Nam, đó là lòng thơm thảo, hiếu đễ, biết thương người, ham giúp đỡ cha mẹ. Câu chuyện chú bé để phần dì chiếc kẹo mạch nha cũng giống như câu chuyện quả cam trong sách quốc văn giáo khoa thư hồi trước, ẩn giấu một tình cảm gia đình rất Việt Nam, mộc mạc, chân tình. Nổi lên khá rõ trong tâm lý Nguyễn Sinh Cung là lòng đa cảm và giàu trắc ẩn. Những cuộc đời xót xa của bà con làng xóm xung quanh đã sớm tạo trong tâm hồn non nớt của chú bé một sự đồng cảm sẻ chia với nỗi đau thương, khổ cực của con người. Tiếng mõ thúc mộ phu, tiếng khóc thương ai oán để lại những âm hưởng không dứt trong lòng chú bé:
Bìa cuốn “Đi từ giữa một mùa sen” (xuất bản năm 1973).
Về sau nghe mõ chiều tà
Ngậm ngùi nhớ cảnh xót xa ngày nào.
Trong cuộc biệt ly đầu tiên, chú bé Cung xa quê, xa chị để theo cha mẹ và anh vào Huế, Thanh Tịnh đã nêu một chi tiết khá cảm động về tình cảm chị em của cậu bé Cung. Ngày mai là xa chị, đêm ấy, chú bé lặng lẽ dịch ra xa nhường cho chị được nằm gần mẹ và đến giữa đêm, có lẽ lúc ấy chị cũng đã ngủ say rồi:
Đột nhiên chợt tỉnh mơ màng
Cậu tìm tay chị đặt ngang trán mình
Hàng mi chớp chớp long lanh
Biết con sắp khóc mẹ nhanh tay bồng
Thanh Tịnh muốn gợi ý cho ta thấy những yếu tố đã tạo nên lòng yêu nước, yêu dân của vị lãnh tụ sau này. Hình ảnh quê hương đất nước: Khi là phong cảnh dọc đường từ Nghệ An vào Huế; khi hiện lên từ ký ức, những câu thơ chấm phá, gợi nhiều hơn là tả, cố bắt lấy cái thần của cảnh để nói cái hồn của nguời. Đây là sông núi dọc đường từ Nghệ An vào kinh hay là nỗi lòng tha hương của gia đình Bác:
Một ngày mấy lượt sang sông
Anh Khiêm bố dắt, em Cung mẹ dìu
...
Khi trông khói tỏa quá chiều
Khi nghe đêm quyện khúc tiêu xóm nghèo
Khi trông ngựa ruổi trăng theo
Khi nghe biển gọi sông reo trắng bờ…
Vào tới Huế, gia đình Bác không ở trong dinh thự mà nằm giữa xóm nghèo:
Ăn nhờ ở trọ lân la
Mới thuê được một căn nhà hướng nam
Xế hiên một gốc mai vàng
Trước sân bông bụt một hàng rào thưa
Bên này nhà chú thợ cưa
Bên kia nhà một viên thừa bộ binh
Đây gian nhà ngói, bếp gianh
Chênh chênh nhìn phía cổng thành Đông Ba
Lâu nay, nhiều truyện thơ viết cho thiếu nhi đã giáo dục các em được khá nhiều về mặt tình cảm đối với xã hội. Tập thơ này ngoài sự đóng góp ấy, còn tác động nhiều tới các em về tình cảm gia đình, lòng yêu kính đối với ông bà, cha mẹ, anh chị, bà con làng xóm. Lòng yêu kính ấy chính là nền tảng của lòng yêu nhân dân, đất nước sau này. Thanh Tịnh đã có nhiều tìm tòi trong việc chọn lọc những chi tiết xúc động để diễn tả các quan hệ tình cảm đó; khi là một quả cau lượm được mà nghĩ nhớ thương bà, khi là nỗi nhớ ông chợt thức lúc gần gũi một cụ già hàng xóm:
Bỗng nhiên nước mắt lưng tròng
Nhìn ông quê mới, nhớ ông quê nhà
Thanh Tịnh rất có ý thức phát huy sức mạnh của chi tiết. Đối với một truyện thơ, cách làm này thật có hiệu quả, vừa giữ được tính truyện, vừa nâng cao được chất thơ. Trong đám tang nghèo của người mẹ là một cậu bé Cung đầy ấn tượng:
Dạt dào trăm nhớ ngàn thương
Má kề sát ván, lệ vương lưng tròng
Tưởng ôm giữ mẹ vào lòng
Thầm van thổn thức: Mẹ đừng xa con!
Từ những cái bình thường: Lòng thương cha mẹ, anh em; sự gần gụi và đồng cảm với những kiếp nghèo; từ sự say mê những chuyện đánh Tây, nhất là qua những câu hát của mẹ:
Có lời thấp thoáng mưa ngâu
Mênh mông cỏ nội sạm màu gió sương
Có câu ngoắt ngoéo dặm đường
Chênh vênh bờ núi nhớ thương bến làng
Có lời đẫm nước sông Lam
Thuyền rung dìu dặt tơ đàn sông Hương
Có câu xa vắng Tiền Đường
Sóng còn vỗ thảm gieo thương bên lòng
đã dần nhen nhóm trong cậu bé lòng yêu nước, thương dân của vị lãnh tụ sau này:
Bước chân mới thoát vành nôi
Đã nghe văng vẳng sóng dồi bến xa
Cây đời mới nhú nụ hoa
Đã trông thấp thoáng sông hòa biển chung
Trong những truyện thơ viết cho bạn đọc tuổi nhỏ những năm 70 của thế kỷ trước, tập “Đi từ giữa một mùa sen” này có một sự độc đáo nổi bật về hình thức câu thơ. Thanh Tịnh luôn giữ được cái đẹp của dân ca, ca dao, cái hài hòa của câu thơ lục bát. Hơn một nghìn câu thơ, câu nào cũng có chất ca dao được viết không chỉ bằng cái nhìn của một người từng trải, mà còn bằng cả một sự nặng lòng với thơ ca dân gian như nhà thơ từng giãi bày lúc sinh thời:
Ước gì để lại mùa sau
Một câu một chữ đượm màu dân gian
Là thế nên từng câu, từng chữ trong “Đi từ giữa một mùa sen” được Thanh Tịnh tính toán rất công phu. Công phu lại ở điểm làm cho câu thơ, lời thơ dễ hiểu, dễ nhớ mà không rơi vào dễ dãi.
Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2017), đọc lại “Đi từ giữa một mùa sen” càng thêm hiểu, thêm kính yêu Bác-một con người Việt Nam vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị và gần gụi.
Thập Tam trại, mùa hoa sen nở năm 2017
NGÔ VĨNH BÌNH