Trong những bài hát đó có bài “Ơi dòng suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng lời bài hát vẫn vang vọng mãi trong lòng mỗi chúng tôi: ... Ơi dòng suối La La/ Nước trong xanh hiền hòa/ Chảy quanh đồi không tên/ Nay đồi đã mang tên/ “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”/ Mười dũng sĩ diệt Mỹ/ Ai qua suối La La/ Mời dừng chân bên đồi/ Mà xem bao lũ giặc/ Lính thủy đánh bộ Mỹ/ Nó kéo nhau lên rừng/ Xác chết nằm ngổn ngang/ Trên ngọn đồi không tên...

Ai đã từng nghe bài hát “Ơi dòng suối La La” chắc chắn không thể không biết đến tên Tiểu đội trưởng anh hùng Bùi Ngọc Đủ và tinh thần chiến đấu anh dũng của ông cùng đồng đội ở chiến trường Quảng Trị vào tháng 2-1967.

Lúc đó, tiểu đội có 10 chiến sĩ do Bùi Ngọc Đủ làm tiểu đội trưởng, có nhiệm vụ bảo vệ kho đạn tại đồi “Không tên” thuộc làng Chanh, xã Tân Kim, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vào 7 giờ ngày 28-2-1967, quân Mỹ gồm 200 tên đổ bộ lên khu vực đóng quân của ta. Tuy lực lượng không cân sức nhưng Bùi Ngọc Đủ và đồng đội đã dũng cảm chiến đấu với quân địch. Trận đánh kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Quân Mỹ tấn công 15 đợt cùng máy bay ném bom và pháo binh bắn phá dữ dội, nhưng không thể nào khuất phục các chiến sĩ ta. Bùi Ngọc Đủ đã cùng đồng đội mưu trí, lợi dụng địa thế, từng ụ đất, mô đá để đánh địch. Đến 5 giờ chiều, địch buộc phải rút lui. Quân ta đã tiêu diệt được hơn 100 tên lính Mỹ, thu được nhiều vũ khí.

leftcenterrightdel
Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục (bên phải) và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ tại Quảng Trị năm 2012. 

 

Với chiến công “1 thắng 20”, để ghi nhớ công lao, đồng đội đã gọi đồi “Không tên” là đồi Bùi Ngọc Đủ, tiểu đội đánh trận này được mang tên ông.

Ngay sau chiến công này, nhạc sĩ Huy Thục đã ngồi bên suối sáng tác bài “Ơi dòng suối La La” và tốp ca xung kích văn công quân đội đã kịp thời biểu diễn phục vụ các chiến sĩ ta đóng quân ở gần suối này. Sau đó bài hát được lan rộng ra toàn chiến trường và cả nước.

Bùi Ngọc Đủ sinh năm 1942 tại Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông nhập ngũ năm 1961 vào Sư đoàn 324. Bùi Ngọc Đủ đã tham gia đánh hơn 300 trận lớn nhỏ, từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa đến mặt trận Tây Nguyên ác liệt và tham gia giải phóng Sài Gòn. Khi nghỉ hưu, ông sống tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Năm 2009, tiểu đội mang tên ông được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, một năm sau ông vinh dự được phong tặng danh hiệu này. Anh hùng Bùi Ngọc Đủ đã từ trần ngày 28-3-2017 tại nhà riêng của ông ở thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.

Về nhạc sĩ, Đại tá Huy Thục, ông sinh năm 1935, quê ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tên khai sinh là Lê Huy Thục. Ông hoạt động cách mạng từ tháng 8-1945, bắt đầu đi vào con đường âm nhạc từ năm 1950. Từ năm 1954 đến 1956, ông vào Đoàn văn công Quân khu Hữu Ngạn. Sau đó, Huy Thục theo học lớp sáng tác âm nhạc đầu tiên tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Một thời gian sau, ông được cử đi tu nghiệp tại Nhạc viện Liszt ở Hungary. Về nước, Huy Thục tham gia giảng dạy ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, Huy Thục đã có mặt tại Mặt trận Đường 9-Nam Lào. Sau đó, ông về làm lãnh đạo và chỉ đạo nghệ thuật ở Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Ông là một nhạc sĩ có khối lượng sáng tác lớn, điển hình là các ca khúc: Tiếng hát trên đường quê hương, Ơi dòng suối La La, Tiếng đàn Ta-lư, Cô gái Pa Cô, Tiến lên chiến sĩ đồng bào (phổ thơ Bác Hồ), Đợi (thơ Vũ Quần Phương), Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân... Hợp xướng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên; về tác phẩm khí nhạc: Độc tấu đàn bầu Vì miền Nam, độc tấu trống dân tộc Nhịp điệu nước non... Ngoài ra Huy Thục còn viết phần âm nhạc cho kịch nói, phim truyện, phim tài liệu, múa...

Năm 1994, lần đầu tiên nhạc sĩ Huy Thục gặp Bùi Ngọc Đủ tại nhà riêng của ông Bùi Ngọc Đủ ở Mang Yang, Gia Lai. Hai người cảm động ôm nhau mà nước mắt chan hòa, nhớ về chiến trường, đồng đội. Sau này, hai ông còn gặp nhau vài lần nữa.

Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị, tôi vinh dự được gặp và hỏi chuyện nhạc sĩ Huy Thục và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ nhân đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị). Khi ấy, hai ông tuy tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn, say sưa ôn lại một thời gian khổ, ác liệt, bi thương nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân ta.

Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục (bên phải) và Anh hùng Bùi Ngọc Đủ tại Quảng Trị năm 2012.

Bài và ảnh: ĐẶNG VIỆT THỦY