Ngày 10-9-1996, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Quyết định số 991 KT/CTN trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên cho 33 công trình, cụm công trình khoa học công nghệ và 44 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học - nghệ thuật.

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một năm 1996 về văn học có 14 nhà văn: Nam Cao với các tác phẩm (Nhật ký ở rừng, Đôi mắt, Sống mòn, Chí Phèo...); Nguyên Hồng (Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời, Thù nhà nợ nước, Núi rừng Yên Thế...); Nguyễn Công Hoan (Kép Tư Bền, Bước đường cùng, Nông dân và địa chủ, Tranh tối tranh sáng, Người cập rằng trong hầm xay lúa...); Nguyễn Tuân (Đường vui, Tùy bút Kháng chiến, Sông Đà, Tình chiến dịch, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi...); Nguyễn Đình Thi (Xung kích, Vào lửa, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ, Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải...); Ngô Tất Tố (Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng, Phiên chợ trung du); Hải Triều (Duy vật hay duy tâm, Văn sĩ và xã hội, Về văn học nghệ thuật); Nguyễn Huy Tưởng (Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Ký sự Cao Lạng, Lũy hoa, Sống mãi với Thủ đô, Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng...); Tô Hoài (Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Vợ chồng A Phủ...) và các nhà thơ: Huy Cận (Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Chiến trường gần chiến trường xa, Ngày hằng sống ngày hằng thơ, Hạt lại gieo...); Xuân Diệu (Ngọn quốc kỳ, Riêng chung, Mũi Cà Mau, Tôi giàu đôi mắt...); Chế Lan Viên (Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Hoa trước Lăng Người, Những ngày nổi giận...); Tố Hữu (Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa, Một tiếng đờn...); Tế Hanh (Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Bài thơ tháng Bảy, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Đi suốt bài ca...).

leftcenterrightdel
Nhà văn, liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thi được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật lần thứ hai (năm 2000). 

Nói về các nhà văn được trao tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đầu tiên, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “... Đó là những nhà văn nổi tiếng thuộc thế hệ các nhà văn cầm bút trước Cách mạng Tháng Tám, những nhà văn trưởng thành trong Kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tác phẩm của họ đã trở thành những người bạn thân thiết của hàng triệu bạn đọc nhiều lứa tuổi... Người đọc hôm nay và mai sau có thể tìm thấy ở những tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh lời giải nghĩa về các nguồn lực tiềm tàng và vẻ đẹp của người Việt Nam được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác... Các tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh không chỉ là những giá trị văn hóa của quá khứ và hiện tại, mà còn có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của con người Việt Nam trên chặng đường mới” (Lời giới thiệu sách “Giải thưởng Hồ Chí Minh - Nhà văn và Tác phẩm”, Hội Nhà văn Việt Nam, 2001, tr.5, 6).

Những tác phẩm văn học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trong những năm qua được công bố và sử dụng từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945) đều là những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao; góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển của nền văn hóa mới, vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Bằng những tác phẩm ấy, các nhà văn đã góp phần to lớn làm nên diện mạo văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 - một nền văn học, nghệ thuật “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” như đánh giá của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976). Cũng chính bằng những tác phẩm ấy, các nhà văn đã thể hiện được đầy đủ phẩm chất “văn nghệ chiến sĩ” của thời đại mình.

leftcenterrightdel
Tác phẩm “Huế mùa mai đỏ” của nhà văn Xuân Thiều được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ năm (năm 2017). 

Một điểm rất dễ nhận thấy, đó là đa số những tác phẩm này đều viết về đề tài cách mạng và kháng chiến, về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước những năm chưa xa và công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Tác giả của những tác phẩm ấy đều là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ, trong đó có nhiều người là nhà văn quân đội. Khi viết, khi in những tác phẩm ấy, các nhà văn của chúng ta còn rất trẻ và đang lăn lộn trên những nẻo đường đầy gian khổ hy sinh. Trong lần thứ nhất, chúng ta thấy sự hiện diện của những tác phẩm trứ danh về cuộc kháng chiến chống Pháp: Đôi mắt (Nam Cao); Việt Bắc (Tố Hữu); Tùy bút kháng chiến, Tình chiến dịch (Nguyễn Tuân); Xung kích (Nguyễn Đình Thi); Những người ở lại, Ký sự Cao Lạng (Nguyễn Huy Tưởng); Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc (Tô Hoài)...; lần trao giải thứ hai có Trước giờ nổ súng, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi, Về làng (Phan Tứ); Cánh đồng hoang, Đất lửa (Nguyễn Quang Sáng); Dấu chân người lính, Cửa sông (Nguyễn Minh Châu)…; đến lần trao giải thứ năm vừa qua là Huế mùa mai đỏ (Xuân Thiều), Chớp trắng, Vùng pháo sáng (Thu Bồn), Đêm yên tĩnhNgười lữ hành lặng lẽ (Hữu Mai)...

Một điều dễ nhận ra nữa là trong danh sách những nhà văn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh những năm qua, các nhà văn quân đội, nhà văn-chiến sĩ luôn luôn chiếm đa số. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt hai (năm 2000) có các nhà văn áo lính: Anh Đức, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Chính Hữu; đợt ba có thêm Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Hồ Phương, Đỗ Chu; đặc biệt là đợt mới đây (đợt năm, năm 2017) có bốn tác giả thì có ba nhà văn quân đội: Nguyễn Xuân Thiều (nhà văn - Đại tá Xuân Thiều), Hà Đức Trọng (nhà thơ - Trung tá Thu Bồn), Trần Hữu Mai (nhà văn - Đại tá Hữu Mai). Những tác phẩm mà các nhà văn quân đội được truy tặng đợt năm cũng đều là những tác phẩm viết về chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.

Giải thưởng Hồ Chí Minh là sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức. Những công trình, những tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh như những viên ngọc quý của thời đại. Riêng về văn học-nghệ thuật, những tác phẩm ấy đã góp phần không nhỏ làm nên một thời đại mới xán lạn của văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam - văn hóa văn học thời đại Hồ Chí Minh.

Thập Tam trại, tháng 8-2017

NGÔ VĨNH BÌNH