Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ngày 20-10-1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 176/CP thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… Và ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước, trong đó có các bà mẹ tiêu biểu: Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam có 9 con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại là liệt sĩ; mẹ Phạm Thị Ngư ở Hàm Hiệp, Hàm Thuận, Bình Thuận có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; mẹ Trần Thị Mít ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị có 9 con là liệt sĩ; mẹ Nguyễn Thị Rành ở Phước Hiệp, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; mẹ Nguyễn Thị Dương ở Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị có 8 con thì 5 con là liệt sĩ (3 người con khác là: Đại tướng Đoàn Khuê, Trung tướng Đoàn Chương và Đại tá Đoàn Thúy)...

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh tư liệu.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành biểu tượng của cả dân tộc Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”; đồng thời trở thành nguồn cảm hứng bất tận của sáng tạo văn học nghệ thuật đương đại như bài hát “Đất nước tôi” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, phổ thơ Tạ Hữu Yên:  

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

Các anh không về, mình mẹ lặng im…

Đã có những họa sĩ như họa sĩ Đặng Ái Việt (sinh năm 1948), người con miền sông nước Tiền Giang. Bà bắt đầu thực hiện dự án “Nét vẽ tri ân” từ năm 2010, vượt qua hơn 30.000 cây số, rong ruổi khắp các cung đường Tổ quốc từ Nam ra Bắc và vẽ 1.474 bức chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Đã có những công trình kiến trúc lớn về Bà mẹ Việt Nam anh hùng như Công trình văn hóa cấp quốc gia Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng có quy mô lớn nhất cả nước tại tỉnh Quảng Nam-địa phương có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất, với 11.234 mẹ. Tượng đài được xây dựng trên diện tích 15ha, thuộc khu vực núi Cấm, xã Tam Phú (Tam Kỳ). Công trình được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Công trình đã thể hiện hình tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn khối tượng đài chính có chiều cao 18,6m, chiều rộng 120m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất hơn 24m với chất liệu bằng đá hoa cương mang hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng. Toàn bộ khối đá hoa cương 20.000 tấn được vận chuyển từ Bình Định ra có hình dáng như một cây cung, một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên…

Đã có những triển lãm ảnh nghệ thuật quy mô về Bà mẹ Việt Nam anh hùng như Triển lãm “Chân dung mẹ” của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. Triển lãm được rút từ bộ sưu tập riêng của ông gồm gần 2.000 bức ảnh chân dung người mẹ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện đầy cảm động. Những bức ảnh về mẹ của nghệ sĩ Trần Hồng được in thành sách ảnh với nhan đề “Chân dung mẹ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1997 và được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bình chọn là tác phẩm đạt giải xuất sắc năm 1998…

Tất cả những tác phẩm nghệ thuật về Bà mẹ Việt Nam anh hùng đều chân thực, sinh động và cảm động, nhưng phổ biến hơn cả, được quảng bá rộng rãi hơn cả là bài hát “Hát về Mẹ Việt Nam anh hùng” của cố Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên:

Hát mừng những người mẹ Việt Nam, hát mừng những người mẹ anh hùng.

Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời.

Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ

Là biết mấy chờ mong mỏi mòn từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại.

Những đứa con không bao giờ trở lại, nhưng mẹ không “Chìm lắng những ngàn đắng cay, hình đất nước mẹ bay bay/ Tìm vóc dáng đàn con của mẹ là dáng những cây non tươi non giờ nảy lộc…”. Bởi mẹ luôn biết các con mẹ vẫn luôn bên mẹ, luôn mãi còn cùng đất nước: “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non”…

Và mẹ biết các con của mẹ luôn yêu thương mẹ, vẫn sống trong tình mẹ:

Thỏa nỗi những sầu đau tháng ngày và chúng con hôm nay như ùa vào lòng mẹ.

Lại nghe hát ru con bên nôi, mẹ lại kể câu chuyện ngày xưa…

Ca từ chân thành, mộc mạc dễ thuộc, giai điệu trầm hùng, dễ hát nhưng ngời lên chân dung mẹ Việt Nam. Sinh thời, nhạc sĩ An Thuyên kể: “Tôi được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, khi đó là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp giao nhiệm vụ, gợi ý, động viên sáng tác ca khúc nhằm tri ân sự hy sinh vô cùng to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cùng với những ý kiến chỉ đạo rất nhân văn: “Các mẹ đã chịu đựng những mất mát quá đau thương, dễ xúc động khi nhắc tới các con mình đã hy sinh, nên làm sao bài hát mang âm hưởng thể hiện sự biết ơn của cả dân tộc đối với các mẹ nhưng không sa vào bi lụy”. Và ông như thấy trước mắt mình hình ảnh những bà mẹ của mọi miền quê tần tảo, bình dị, chịu đựng gian khổ, nhưng khi Tổ quốc cần, hàng vạn người mẹ Việt Nam đã tiễn đưa chồng, con của mình lên đường chiến đấu. Rất nhiều người chồng, người con của các mẹ đã hy sinh anh dũng. Rất nhiều bà mẹ đã không được đón chồng, con trở về trong niềm vui chiến thắng của dân tộc.

leftcenterrightdel
Mẹ Thuận ở xã Phương Điền, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TRẦN HỒNG.

Nhạc sĩ kể tiếp: “Tôi rưng rưng khi nhớ đến hình ảnh những người mẹ cô đơn, run rẩy và khóc một mình khi chỉ được ôm vào lòng những tấm “Giấy báo tử”. Còn nhiều bà mẹ, cứ đến bữa cơm lại bày trên mâm đủ số bát đũa cho những người con đã hy sinh, để rồi mẹ một mình ngồi thẫn thờ nhìn vào mâm cơm. Hình ảnh ấy khiến nước mắt tự nhiên cứ ứa ra, hòa trong niềm cảm xúc khó tả dâng trào trong tôi. Và “Hát về những người mẹ Việt Nam, hát về những người mẹ anh hùng. Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời…”. Giai điệu bài hát nối tiếp nhau ra đời và tôi hoàn thành chỉ sau hai tiếng đồng hồ”. Hôm sau, ông mang bài hát đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn, khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, với mong muốn được nghe và góp ý kiến. Sau khi nghe nhạc sĩ An Thuyên hát, đồng chí Trần Hoàn nhắc cần phải cẩn thận xem lại, chỉnh sửa sao cho giai điệu cũng như ca từ phải trở thành nguồn động viên chân thành, chia sẻ nỗi mất mát, hy sinh vô cùng lớn lao của những bà mẹ Việt Nam. Cố gắng hết mức rồi cho anh em tập, dàn dựng ngay cho kịp phục vụ buổi lễ đặc biệt sắp tới. Sau đó, nhạc sĩ An Thuyên đã trực tiếp chọn 4 nam ca sĩ của Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho tập và dàn dựng.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 19-12-1994, tại Phủ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước đã tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” lần đầu tiên và bài hát “Hát về mẹ Việt Nam anh hùng” chính thức vang lên. Từ đấy, câu hát ngợi ca những người mẹ anh hùng:

Mẹ mãi mãi cùng con trên đường dài núi sông hôm nay biết ơn người mẹ hiền…

Trọn tình nước non mẹ Việt Nam anh hùng, tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng. cứ vang lên, vang lên cùng quê hương, đất nước, cùng dân tộc và lịch sử!

                                     Thập Tam trại, tháng 3-2019

NGÔ VĨNH BÌNH