Các tờ rơi đã nhanh chóng được phát hành hết. Tuy nhiên, một số đơn vị ở xa vẫn không có được bài “Lá xanh” mà mọi người yêu thích. Có nơi bộ đội và thanh niên địa phương đã phải chèo xuồng đến tận Tổ quân nhạc gặp chính tác giả Hoàng Việt (đang công tác ở đây) xin chép lại! Bài hát nguyên văn phần lời như sau:

Lá còn xanh như anh đang còn trẻ

Lá trên cành như anh trong đoàn quân

Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui

Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân?

Anh là lá trên cành ngại chi gió mưa

Anh là trai phải ra chiến trận phen này

ĐK:

Đi đầu quân! Đi trong mùa động viên

Đi đầu quân! Đi trong mùa xuân mới

Gió lá reo, gió lá reo

Kìa bảng treo cùng trong làng

 

Đi đầu quân. Đi đầu quân

Tất cả cho tiền tuyến

Mau lên đi, hỡi các anh trai làng!

 

Lá còn xanh như bao anh còn trẻ

Sức oai hùng đang căng trong toàn thân

Ngó lên cây màu lá tươi đầy trời xanh

Anh trai làng vấn vương gia đình làm chi!

Ra tiền tuyến thi tài cùng nhau giết Tây

Em chờ anh với bao chiến công lẫy lừng.

Sức lan tỏa của bài hát “Lá xanh” thật sâu rộng. Nhiều anh bộ đội là lính mới cho biết chính bài hát đã thúc đẩy các anh không “ngại chi gió mưa” và “vấn vương gia đình” đi tòng quân... Nhiều gia đình khi nghe bài hát cũng đã động viên con em lên đường nhập ngũ. Bà con địa phương cho biết bài “Lá xanh” có sức vẫy gọi giới trẻ đến với bộ đội, lên ngàn, ra chiến khu còn hơn cả các khẩu hiệu, lời hô hào. Bài hát được bà con yêu thích và truyền miệng nhanh chóng từ Khu 8 lên Khu 7 xuống Khu 9. “Lá xanh” vang lên khắp nơi trong những cuộc mít tinh đưa tân binh đi tòng quân, trước giờ xuất phát hành quân chiến đấu. Trên bản nhạc “Lá xanh” chép tay, Hoàng Việt ghi mấy dòng: “...Cảm nghĩ thực tế đã thay đổi, sự chuyển biến về quan niệm nghệ thuật bắt đầu thay đổi, thể hiện trên tác phẩm đã có hơi hướng dân tộc theo đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng...”.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Hoàng Việt và vợ.  Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ quân đội Vũ Thành nhớ lại: “…Tháng 7-1947, tôi thoát ly theo cách mạng lúc 11 tuổi, hoạt động trong đoàn tuyên truyền của huyện Cai Lậy và sau đó trở thành chiến sĩ trinh sát đặc công của Tiểu đoàn 309 chủ lực thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Khi cuộc kháng chiến nổ ra ở Nam Bộ, chúng tôi được các cán bộ cách mạng, các đội viên Thanh niên Tiền phong dạy những bài hát như “Lên đàng”, “Xếp bút nghiên”, “Tự do cơm áo hòa bình”… Rồi tiếp theo các ca khúc nổi tiếng khác như “Nam Bộ kháng chiến”, “Cương quyết ra đi”, “Việt Nam ngàn dặm”… của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Nguyễn Ngọc Bạch, Đắc Nhẫn, Tạ Thanh Sơn. Thời kỳ đó ở Mỹ Tho, Chiến khu Đồng Tháp Mười, bên những xóm làng, bên những dòng kênh trong xanh, bộ đội Vệ Quốc đoàn hành quân đánh giặc thường đóng quân trong nhà dân, chiều chiều ca hát liên hoan văn nghệ nồng thắm tình quân dân và rất hấp dẫn với chúng tôi.

Ca khúc “Lá xanh” của nhạc sĩ Hoàng Việt ra đời và được hát vang trên mọi nẻo đường của Nam Bộ đã động viên được lớp lớp tuổi trẻ lên đường đầu quân cứu nước. Theo nhận xét của tôi, có lẽ tác giả ca khúc “Lá xanh” cũng không ngờ bài hát có sức kêu gọi lớn lao như vậy... Sau Hiệp định Geneva 1954, các đơn vị của chúng tôi được chuyển quân tập kết ra Bắc. Chia tay những xóm làng, những dòng sông, dòng kênh bạt ngàn dừa nước, bà con có dịp nghe vang tiếng hát của Vệ Quốc đoàn với “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ…”.  Ở miền Bắc, chúng tôi góp phần xây dựng quân đội chính quy, xây dựng kiến thiết miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bài hát “Lá xanh” vẫn reo vang từ Hà Nội đến Việt Bắc, Tây Bắc xa xôi, trên các nông trường, công trường. Năm 1962, tôi lại được hành quân vượt Trường Sơn cùng đồng đội về thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam đi phục vụ bộ đội, nhân dân các vùng giải phóng. Ca khúc “Lá xanh” vẫn được hát vang trong chương trình biểu diễn song song với các ca khúc cách mạng khác, động viên quân dân ta chống Mỹ, cứu nước. Tôi cũng được biết, vào những ngày đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, ca khúc “Lá xanh” vẫn được hát vang để động viên mọi người nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt tề, mở rộng vùng giải phóng và nhập ngũ theo bộ đội giải phóng lên Chiến khu R, căn cứ cách mạng. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Đã 60 năm rồi, khi hát ca khúc “Lá xanh” sao lòng chúng tôi vẫn tự hào xúc động, không thấy nhàm chán, vẫn thể hiện được tình cảm sức trẻ năm xưa. Trong trái tim mình vẫn thiêng liêng ghi dấu với bao kỷ niệm về quê hương, về đồng đội không bao giờ phai” (theo Báo Sài Gòn Giải phóng online 28-8-2010).

Trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, bài “Lá xanh” đã được trao tặng Giải thưởng văn nghệ Cửu Long năm 1950-1951 và được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ khen thưởng.

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, bút danh Lê Trực, sinh  năm 1928, quê tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa-Vũng Tàu). Thuở nhỏ đi học ở Sài Gòn, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công về quê tham gia tự vệ. Giặc Pháp đánh chiếm tràn lan, đơn vị phân tán, mất liên lạc, ông trở vào Sài Gòn từ năm 1947 đến 1949. Có lần ông cùng vợ về thăm quê ngoại ở Mỹ Thiện, Cái Bè, Mỹ Tho. Dân quân địa phương xét hỏi rồi giữ lại vì Lê Trực là tác giả của bài “Tiếng còi trong sương đêm”, có dư luận “làm lung lay tinh thần kháng chiến”, lại là người “kháng chiến vô thành”! May sao có một cán bộ của Quân khu 8 đi công tác ngang qua nghe chuyện về báo với trên. Bấy giờ Phòng Chính trị quân khu mới thành lập. Nhà thơ Bảo Định Giang, Trưởng ban Tuyên truyền nghe vậy mới lên xin ý kiến Bộ tư lệnh Quân khu cho bảo lãnh để đưa Lê Trực về bổ sung cho Tổ quân nhạc. Sáng tác của Lê Trực thời gian này gồm có các bài: “Ngày 9 tháng Giêng”, “Về đi anh”, “Tiểu đoàn 309”. Bài “Về đi anh” đầu tiên đổi bút danh mới: Hoàng Việt Hận. Anh em trong tổ khuyên đã về đây với kháng chiến rồi, còn “hận” gì nữa. Bấy giờ ông mới chính thức lấy bút danh Hoàng Việt và viết: “Lá xanh”, “Nhạc rừng”, “Lên ngàn”, “Mùa lúa chín”… 

Ra miền Bắc, Hoàng Việt học lớp nhạc của Văn nghệ Quân đội, viết bài: “Lực lượng ta hùng mạnh”. Nhưng thành công hơn cả là bản “Tình ca” với những câu da diết:

Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc chập chùng xa xa

Qua bóng mây che mờ quê ta

Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha…

Đại tá Khắc Tuế, nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân đội cho tôi biết: “Tình ca” được nhạc sĩ Hoàng Việt sáng tác trong những ngày sống xa quê, xa nhà “ngày Bắc, đêm Nam” ở số 4 phố nhà binh-Lý Nam Đế, Hà Nội. Cũng nói về nhạc phẩm “Tình ca”, nhà thơ Bảo Định Giang có lần đã viết: “Sau hơn 40 năm, “Tình ca” vẫn ngân vang khắp nước. Hoàng Việt nằm lại dưới lòng đất, nhưng bài ca về những người mình yêu quý vẫn còn in đậm trong suy tư và tình cảm của nhiều người”.

Năm 1958, Hoàng Việt được cử sang học tập tại Nhạc viện Sophia, Bulgaria và tốt nghiệp hạng ưu với bản giao hưởng “Quê hương”. Sau khi ông trở về nước, bản giao hưởng “Quê hương” được trình diễn lần đầu tiên ở Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội (1965). Năm 1966, Hoàng Việt cùng một số văn nghệ sĩ (trong đó có Lưu Hữu Phước, Nguyễn Quang Sáng...) vào chiến trường miền Nam và công tác tại Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Nam. Ông hy sinh ngày 31-12-1967 tại huyện Cái Bè thuộc tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ-quê ngoại của mình. Ông ngã xuống trong tư thế của người lính ngoài mặt trận. Người nhạc sĩ-chiến sĩ ấy hy sinh khi mới 39 tuổi và chưa kịp hoàn thành bản giao hưởng lớn mà sinh thời ông từng mơ ước mang tên “Cửu Long” viết về miền Nam thành đồng Tổ quốc. Ông là người nghệ sĩ-chiến sĩ, người liệt sĩ anh hùng!

Ngày 22-11-2011, Hoàng Việt được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cùng với nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân và một số văn nghệ sĩ khác. Trước đó, Hoàng Việt đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 1996).

Thập Tam trại, mùa hè năm 2020

NGÔ VĨNH BÌNH