Dòng sông Thạch Hãn đã trong xanh lại. Song, những vần thơ về Thành cổ, về Ngã ba Long Hưng vẫn gợi nên bao bùi ngùi, thương cảm. Đã có hàng chục, hàng trăm cuốn sách, cả ngàn câu thơ và nhiều thước phim viết về chiến trường Quảng Trị, về 81 ngày đêm khói lửa, đạn bom nơi Thành cổ, nhưng tôi ấn tượng hơn cả với cuốn sách của một “người lính binh nhì”-“Mãi mãi tuổi hai mươi” (Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu; NXB Thanh niên, năm 2005)-liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Nguyễn Văn Thạc nguyên là sinh viên xuất sắc của Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh là người đã đoạt giải nhất Cuộc thi học sinh giỏi Văn lớp 10 toàn miền Bắc năm học 1969-1970 khi còn là học sinh Trường cấp 3 Yên Hòa (Hà Nội). Anh nhập ngũ cuối năm 1971, hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 khi chưa đầy 10 tháng tuổi quân và 20 tuổi đời…
    |
 |
Bìa cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi” (NXB Thanh niên, năm 2005). |
Trong một lá thư gửi cho gia đình đề ngày 19-9, Nguyễn Văn Thạc viết: “Đơn vị của con toàn sinh viên và cán bộ giảng dạy. Hình như có cả một đoàn sinh viên Trường Tổng hợp đi hơn 300 người, chia thành 3 đại đội. Con nghe nói sắp lấy thêm một số nữa (khoảng 3 trung đội) ở trường và tháng 11-1971 lại tiếp tục thêm một đợt nữa…”.
Tháng 4-1972, đơn vị của Nguyễn Văn Thạc cùng lên đoàn tàu quân sự vào chiến trường. Trong một trang nhật ký của mình, anh viết: “Vừa ao ước thế, vừa buồn vì mình đang ngồi ở đây, dưới trời mưa thanh thản, rồi sắp lên tàu đến Mỏ Trạng, Yên Thế diễn tập. Nhưng ra ga thì lính ồ lên phấn khởi, đầu tàu hướng về phía Hà Nội-“Đi” rồi! Thế là nhất định vào trong ấy. Vội vàng viết thư-Tàu qua Cửa Nam, những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường-Gửi hộ nhé, gửi hộ nhé-Báo cho những người thân của chúng tôi rằng chúng tôi đã xa Hà Nội, lúc ấy là 12 giờ trưa 9-4-1972”.
Là người giỏi văn nên Nguyễn Văn Thạc viết thư rất hay. Nhiều trang thư của anh thực sự là những đoạn văn với những cảm nhận tinh tế về cuộc sống: “Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa. Mặc dù hạnh phúc ấy mỏng manh như chính số người nhận ra cảm xúc ấy là hạnh phúc của cuộc đời…”. Và: “Cuộc sống của đất nước còn lam lũ lắm. Đầu tắt mặt tối mà nào đâu có đủ miếng ăn. Rồi mất cắp. Rồi đánh chửi nhau. Rồi thiên tai, địch họa. Cơm độn ngô rồi còn độn sắn. Vậy mà những chiếc lá tre kia vẫn dịu dàng, vẫn đưa ta vào cõi êm ả của tâm hồn. Thật lạ biết bao!”.
Người lính Nguyễn Văn Thạc viết thư, ghi nhật ký không chỉ là bộc lộ tình cảm riêng tư với bố mẹ, cho anh trai, người yêu hay cho bạn bè… mà còn ấp ủ những suy nghĩ và mơ ước của mình: “Em muốn những trang thư là những dòng suy nghĩ về đời, về người, về cuộc sống, về những chân lý mà bất kỳ ai sống có trách nhiệm cũng phải suy nghĩ đến…”-trong một lá thư gửi anh trai của mình, Nguyễn Văn Thạc đã viết như thế.
Ngày 2-10-1971, nghĩa là 28 ngày sau khi nhập ngũ, Nguyễn Văn Thạc đã ghi những dòng nhật ký đầu tiên: “Nhiều lúc mình cũng không ngờ nổi rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao, trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá”.
Cho đến cuối tháng 5-1972, nghĩa là sau gần 7 tháng vừa huấn luyện, vừa hành quân vào mặt trận; mặc dù phải đi xa, đeo nặng, nhưng tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ, thức khuya, dậy sớm… anh đã viết được 240 trang sổ tay.
Nguyễn Văn Thạc luôn mơ ước khi ra trận mình sẽ làm được như Boris Polevoy-một nhà văn Liên Xô nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh. Anh sẽ thu thập thật nhiều vốn sống để viết văn, làm thơ, ca ngợi những con người đã hy sinh những gì quý giá nhất của riêng mình cho đất nước.
Đọc đoạn cuối cùng của cuốn nhật ký, mới thấy hết được tâm trạng vừa hồi hộp, háo hức, vừa trống trải và bí ẩn của người lính trẻ khi biết mình sắp bước vào cõi chết mà vẫn rất bình thản và tin tưởng ở ngày vui chiến thắng: “Và bây giờ, tạm biệt cuốn nhật ký đầu tiên của đời lính. Không kịp xem lại một lần. Không kịp chữa những âm bằng, âm trắc trong cấu trúc một câu văn vội vàng và bụi bặm... Ngày mai, ngày kia... Phải để lại tất cả ở đằng sau. Tôi không thể để cho ai đọc những dòng suy nghĩ này. Trừ khi tôi không còn sống mà gìn giữ nữa... Kẻ thù không cho tôi ở lại. Phải đi. Tôi sẽ gửi về cuốn nhật ký này, khi nào trở lại, khi nào trở lại tôi sẽ viết nốt những gì lớn lao mà tôi đã trải qua từ khi xa nó, xa cuốn nhật ký thân yêu của đời lính. Một ngày cuối tháng 5-1972, Hà Tĩnh. Anh lính binh nhì” (“Mãi mãi tuổi hai mươi”-sách đã dẫn, tr.271).
    |
 |
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc (ngoài cùng, bên phải) và các bạn thời sinh viên. Ảnh tư liệu. |
Tháng 5-1973, khi gia đình chưa nhận được giấy báo tử thì một đồng đội thân thiết của Nguyễn Văn Thạc báo tin anh đã hy sinh! Thư cho biết rất rõ: “Mộ của Thạc ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (tiếp giáp thôn Hà Mi, Phương Ngạn, gần lộ 4). Mộ được đặt ở thửa ruộng khá cao, cùng hai ngôi mộ khác, Thạc đặt đầu tiên”.
Cuối năm 1976, Công ty 16, Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành việc thi công khôi phục đường Hiền Lương-Dốc Miếu, ông phó giám đốc công ty ra Hà Nội phối hợp cùng gia đình tìm được mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và rước về nghĩa trang của huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Cuốn nhật ký của Nguyễn Văn Thạc đã làm rung động hàng triệu trái tim của bạn đọc bởi vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết, tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn thể hiện qua những cảm nhận bình dị của tuổi trẻ trong suốt những chặng đường hành quân đi chiến đấu, đi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thập Tam trại, mùa hè năm 2019
NGÔ VĨNH BÌNH