Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư

Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất

Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất

Không một lần dám sống hy sinh.

(Nếu không có ngày 30-4)

Và về ngày đó, một nhà văn-chiến sĩ-người trong cuộc thì miêu tả: “... Ra khỏi thành phố, hắn đi ngược đường tiến quân của Việt Cộng. Qua cầu Thị Nghè, lên xa lộ Biên Hòa, về Hố Nai, nơi nào cũng cờ, nơi nào cũng lính, xe pháo của Việt Nam cộng hòa xếp ngổn ngang bên đường. Những chiếc xe tăng cháy, những xác chết chưa kịp chôn. Người đi xuôi, người đi ngược. Hắn đi lẫn vào trong dòng người hỗn loạn ấy, đủ các tầng lớp, trẻ có, già có, trai có, gái có… Trong khi phía ngoài còn đụng độ, còn nổ súng thì từ trong ruột Sài Gòn, nhân dân đã đổ ra, vẫy cờ mặt trận, vây lấy những đoàn quân đang tiến vào thành phố. Việt Cộng ngồi trên xe, một tay cầm cờ, một tay cầm súng cũng huơ lên vẫy chào. Bảy Hổ càng ngạc nhiên hơn khi thấy cả hàng ngàn lính dù mặc quần áo mới, không súng, không đạn, cũng đang xếp hàng bên đường vẫy chào những anh lính giải phóng. Những người lính quốc gia ở đây không những không hốt hoảng, không bỏ chạy, mà lại vui vẻ là đằng khác. Việt Cộng ngồi trên xe cũng vẫy chào họ, làm như là hai đội quân này chưa hề đánh nhau bao giờ...!”.

leftcenterrightdel
Cuốn “Mây cuối chân trời” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2001) được lưu giữ tại Thư viện Quân đội.  Ảnh: HOÀNG YẾN

Ấy là những dòng viết về Sài Gòn những ngày tháng Tư năm 1975 trong tiểu thuyết Mây cuối chân trời của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (1928-1993), Nhà xuất bản (NXB) Quân đội nhân dân xuất bản năm 2001. Ông nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là tác giả của bộ tiểu thuyết trứ danh Đất trắng (hai tập) được dư luận bạn đọc đánh giá rất cao và được trao hai giải thưởng văn học lớn: Giải thưởng Hội Nhà văn (1977) và Giải thưởng Bộ Quốc phòng (1984). Chưa hết, năm 2001, Đất trắng còn được trao giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (cùng với tập thơ Ngày đẹp nhất).

Mây cuối chân trời được ái nữ của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh-nhà thơ Giáng Vân phát hiện từ trong di cảo của ông, chỉnh trang lại chút ít rồi gửi tới NXB. Trang cuối cùng của Mây cuối chân trời không thấy tác giả ghi ngày-tháng-năm hoàn thành, nhưng xét về phương diện văn bản thì có thể nói, cuốn sách đã được Nguyễn Trọng Oánh viết vào khoảng năm 1985-1986. Tức là viết trước khi cuốn Con tốt sang sông (tiểu thuyết, NXB Thanh niên, 1989) và trước khi ông mất chừng 7-8 năm.

Tuy là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, cụ thể là viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng Mây cuối chân trời chỉ khoanh lại trong một khu vực rất nhỏ. Ấy là khu vực ngã tư Bảy Hiền, TP Hồ Chí Minh.

Ngã tư Bảy Hiền khi ấy tuy ở giữa lòng thành phố nhưng cư dân phần lớn là nông dân từ miền Trung vào, từ miền Tây, miền Đông tới lánh nạn nên phong tục tập quán còn mang rất đậm nét thôn quê. Chiến tranh như những cơn bão lốc đã xô đẩy những người dân tứ chiếng về đây. Họ từ giã cuốc cày, làm quen với những cái máy dệt, những gánh quà sáng, những chiếc xích lô, những ngôi nhà ổ chuột, những con hẻm hun hút tối… Họ chấp nhận cuộc sống mới đầy lạ lẫm, khó khăn để đổi lấy bình yên. Nhưng không, dưới ngòi bút của Nguyễn Trọng Oánh, chiến tranh đã đến gõ cửa từng nhà. Ân oán xưa, mâu thuẫn cũ có ai ngờ lại được đưa về cái xóm nhỏ và nghèo này để giải quyết.

Cha con Ba Thành-Út Tân có người thân đi tập kết, nằm vùng, sau những khủng bố trắng, sau những vụ tàn sát Vĩnh Trinh, Chợ Được ngoài Quảng Nam lánh về đây làm thợ dệt. Ông Út Một có con trai đi giải phóng hy sinh, con gái đi làm sở Mỹ, chán đời từ Củ Chi tới làm nghề thợ mộc. Họ gần nhau rồi thân nhau… Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cùng lúc với sự xuất hiện của các đơn vị Quân Giải phóng giữa đô thành cũng là lúc những tử thù của họ tới khu phố nghèo nàn này. Đó là anh em Sáu Thìn - Bảy Hổ, những kẻ đã từng dùng liềm cắt tai, cắt cổ, dùng búa ghè răng, đập đầu những người cộng sản, rình rập bắt bớ người thân của Ba Thành, Út Tân ngoài Quảng. Và cuộc chiến tranh trong khu phố nghèo bắt đầu. Mới đầu chỉ là những việc như cưu mang, chạy chữa, dẫn đường cho Quân Giải phóng, lập bàn thờ những liệt sĩ đã hy sinh trong tổng tiến công Mậu Thân 1968 của những người khu dân phố. Rồi không dừng lại ở đó, những cuộc diệt ác của biệt động thành bắt đầu, cùng đó là những đợt bắt bớ, vây ráp… của địch, những chuyến lên xanh, ra cứ của thanh niên. Và kết cục là cái chết của “người hùng” Hải Thìn; là cái đêm người dân ngã tư kéo cờ trên bốt dân vệ, là sự trở về của những Út Tân, Hai Hoành, Tư Nhật, Hai Mạnh… cùng xe tăng và những binh đoàn buổi trưa 30-4-1975, cái buổi trưa mà trong bài thơ “Ngôi sao trên đầu, khẩu súng trên vai” với bút danh Nguyễn Thành Vân, ông đã viết những vần thơ vui đến rưng rưng: Tôi bị vây tròn vòng ngoài vòng trong/ Tôi bị hỏi dồn, phía sau phía trước/ Cô bác nhìn tôi từ đầu đến chân/ Tôi phải trả lời bằng tay bằng mắt.

leftcenterrightdel
Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (hàng ngồi trước, thứ nhất, từ phải sang) với các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1983. Ảnh tư liệu

Câu chuyện trong Mây cuối chân trời là một câu chuyện hết sức có hậu, vẫn là ta thắng, địch thua, vẫn là cái thiện thắng cái ác… Nhưng dưới ngòi bút của một người lính trong cuộc, của một nhà văn từng trải, thông qua số phận, thông qua cuộc đời các nhân vật, cuộc chiến tranh đã được tái hiện một cách hết sức ác liệt và mang đậm tính chất một mất, một còn.

Tính chất ác liệt của cuộc chiến không chỉ là ở đạn bom, lửa khói, không chỉ dừng lại ở những cách giết người của đối phương mà chính là sự va đập của những hệ tư tưởng. Để thể hiện điều này, Nguyễn Trọng Oánh đã tập trung xây dựng hai tuyến nhân vật, trong đó đặc biệt dày công tạo dựng tuyến nhân vật phản diện mà tiêu biểu là Bảy Hổ.

Bảy Hổ là con thứ tám của một gia đình có ông bố từng “mặc com lê, thắt cà vạt, đi “giày giôn”, chống ba toong, đội mũ phớt”, mở hiệu thuốc tây ở Hội An, ứng cử nghị sĩ, đã từng mơ các con: “Đứa đỗ cử nhân, đứa bác sĩ”. Y là một học sinh giỏi và lớn lên luôn luôn có thái độ chính trị phản động rõ ràng. “Hắn thấy muốn cho nước nhà giàu mạnh, trước hết phải giết cộng sản”! Hắn đã từng thấm thía nỗi đau làm thân nam nhi mà “không đánh nổi giặc, không giữ nổi nước, là con chiên của chúa mà để chúa phải chạy từ Bắc vào Nam”… Hắn đã từng chém từng giết không thương tiếc, hắn đã từng nghĩ cái chết của anh trai hắn là cái chết của một người “anh hùng”. Và hắn, trong ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn còn lớn tiếng hô: “Hãy đốt cháy Sài Gòn như ngày xưa người Nga đã đốt cháy Mạc Tư Khoa!”.

Cuộc chiến đấu của quân và dân ta nói chung, và cuộc chiến đấu của nhân dân khu phố Bảy Hiền nói riêng với một kẻ thù như Bảy Hổ quả không đơn giản chút nào. Ấy là cuộc chiến chưa có hồi kết, bởi đằng sau chúng là tiền, là bom đạn, là cả sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ. Vậy mà rốt cuộc chúng ta đã thắng. Chúng ta thắng vì chúng ta có những bác Ban thợ dệt, bác Út thợ mộc, có chị Hai Hòa,

có Út Tâm, Út Huệ, Hai Hoành, những người dân Bảy Hiền một lòng yêu nước. Chúng ta lại có những đơn vị mạnh từ trên cứ và cả miền Bắc-hậu phương lớn bao la.

Chiến thắng 30-4-1975 là một tất yếu lịch sử nhưng là một bất ngờ đối với kẻ thù. Bảy Hổ mãi sau khi đi cải tạo về, đứng trước ngã tư Bảy Hiền đang ngày một đổi thay mới nhận ra rằng: “Thì ra, suốt hai mươi năm, anh em hắn đã ngồi trên một đống lửa”…! Với Mây cuối chân trời, Nguyễn Trọng Oánh đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn tương đối mới về cuộc chiến tranh. Ấy là những đốm lửa, những đống lửa được nhen nhúm ngay tại Sài Gòn, ngay giữa một xóm nghèo từ khi cuộc chiến còn đang ở thời điểm gay go nhất.

Với Mây cuối chân trời, Nguyễn Trọng Oánh thêm một lần được khẳng định tên tuổi của mình. Ông đã đi xa nhưng còn để lại cho đời “Một chút hương thơm trải bốn mùa” (câu thơ nhà thơ Xuân Sách tặng tác giả). Một chút hương thôi nhưng là thứ hương được chắt lọc từ cuộc đời chiến đấu đầy gian khổ hy sinh cùng biết bao trăn trở, một cuộc đời có đủ vui buồn, bi tráng của ông.

Tôi lại nhớ những dòng viết của nhà văn Hào Vũ khi viết về Văn nghệ Quân Giải phóng những năm chiến tranh ở R, nơi mà nhà văn Nguyễn Trọng Oánh có vai trò như một yếu nhân: “...Từ trại viết ấy, các trại viên trở về đơn vị, với những gì thu lượm được, tiếp tục học hỏi, sáng tác. Rồi hòa bình, nhiều người trong số họ vẫn say mê sáng tác, tự học thêm qua sách báo, qua đồng nghiệp, có người tu luyện tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, góp phần xứng đáng của mình vào thành tựu chung của văn học nước nhà. Có thể kể ra đây những cái tên trưởng thành từ trại sáng tác Lộc Ninh như: Văn Lê, Lê Văn Vọng, Nguyễn Ngọc Mộc… Và tất cả chúng tôi, khi nhắc đến trại sáng tác ấy, lại rưng rưng nhớ về nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, người thầy, người đồng nghiệp, người anh tận tình, chu đáo!” (Tuần báo Văn nghệ số 13 năm 2017).

Là một cán bộ thuộc quyền ông nhiều năm ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi thì tôi nói rằng: Đời nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đã là một bài học, bài học về sự trung thực, cần cù và nặng nghĩa nặng tình cùng đồng đội, với đồng đội.

Thập Tam trại, hè 2020

NGÔ VĨNH BÌNH