Ông được ví như một người “khổng lồ” mang khát vọng thực hiện một nền nghệ thuật XHCN. Trên tờ Sự thật ra ngày 5-2-1935, Stalin viết: “Mayakovsky là nhà thơ xuất sắc nhất của thời đại Xô viết chúng ta” (theo dịch giả Nguyễn Thụy Ứng trong bài “Mayakovsky-người đầu tiên gắn liền thơ với Chủ nghĩa cộng sản”, Văn nghệ Quân đội, số tháng 11-1958, tr.60).
Sự nghiệp thơ ca của Mayakovsky có thể ví như một pho biên niên sử của nước Nga thời Cách mạng Tháng Mười và những thập niên đầu tiên của Nhà nước XHCN Xô viết.
Trong những ngày “rung chuyển thế giới”-những năm tháng nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, thơ Mayakovsky xuất hiện như một “cơn địa chấn” làm vụn nát những quan niệm cũ kỹ còn nặng nề trong thi ca Liên Xô. Ông công khai, dứt khoát “đi” với chính quyền Xô viết, nguyện mang toàn tâm, toàn lực phục vụ sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. Thời kỳ này, ông viết những bài thơ phản ánh kịp thời, sinh động khí thế tiến công cách mạng của hàng trăm triệu nhân dân.
Mayakovsky và vợ Lilia. Ảnh tư liệu.
Những tác phẩm của nhà thơ mang đầy tính tuyên truyền, cổ động, như trường ca “150 triệu” (năm 1920) mang âm hưởng của sử thi dân gian Nga. Đặc biệt, trường ca “Tốt lắm” ông viết nhân kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Mười được coi là một trong những tác phẩm kiệt xuất của nhà thơ. Với trường ca này, chủ đề trung tâm trong thơ Mayakovsky “cách mạng của tôi” đã được chuyển sang một phương diện mới, đó là “Tổ quốc của tôi”. Tràn ngập niềm xúc động, ông viết:
Tôi ngợi ca
Tổ quốc
ngày nay
Tôi ngợi ca gấp ba lần
Tổ quốc
ngày mai!
Đặc biệt, Mayakovsky còn sáng tác cả một bản trường ca để ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, của nhân dân Xô viết trường ca “Vladimir Ilich Lenin”. Người ta đánh giá, đến nay, trong văn học Nga và thế giới, chưa có bản trường ca nào viết về vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản lại có tầm vóc như bản trường ca này. Từ điển văn học khẳng định: “Trong thời kỳ Xô viết, hai tác phẩm tiêu biểu nhất của Mayakovsky là trường ca “Vladimir Ilich Lenin” (1924) và “Tốt lắm” (1927)” (“Từ điển văn học” bộ mới-NXB Thế giới, 2004, tr. 950). Những nghiên cứu mới đây về thân thế, sự nghiệp của Mayakovsky cho biết, ngày 21 tháng Giêng năm 1924, V.I.Lênin từ trần, niềm đau thương trùm lên khắp quê hương của Cách mạng Tháng Mười và trong trái tim những người cộng sản toàn thế giới. Mayakovsky thấy mình như một người mất hồn chìm trong đau đớn. Mấy ngày, người ta không thấy nhà thơ nói năng gì. Cuối tháng Hai năm 1924, ông viết bài thơ “Bài ca Đoàn Thanh niên Cộng sản” với những câu đầy thành kính về lãnh tụ:
Lênin
Người từng sống
Lênin
Người đang sống
Lênin
Người sống mãi...
Và, nhà thơ cảm thấy như thế cũng chưa nói hết được tầm vóc cũng như chưa giãi bày hết tình cảm của mình với vị lãnh tụ kính yêu nên dồn cả tâm trí vào viết một bản trường ca mới. Ông miệt mài tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của V.I.Lênin, về Cách mạng Tháng Mười, về nỗi đau của người dân Xô viết sau cái chết của Người. 6 tháng trời ròng rã trôi qua, bản thảo trường ca hoàn thành. Mayakovsky đã đọc cho nhiều người xung quanh nghe; lại mang ra cả các quảng trường đọc cho đông đảo quần chúng nghe.
Hôm qua
sáu giờ năm mươi phút
đồng chí Lênin từ trần
Năm này
chứng kiến một lần
điều bất hạnh trăm năm
không thấy nữa
Ngày này
muôn thuở
sẽ là truyền thuyết đau thương
Tin kinh hoàng
sắt thép cũng bật tiếng kêu than
sóng nức nở
giữa lòng người cộng sản
Sức nặng đè ghê gớm
không lê nổi chân đi…
… Trẻ nhỏ
bỗng nghiêm trang như cụ già
các cụ già
khóc như trẻ nhỏ
Gió
trên mặt đất
xua tan nỗi nhớ
Đất
chuyển mình thức tỉnh
mà chẳng nhận ra
Trong căn phòng lạnh lẽo
Mạc Tư Khoa
có chiếc quan tài
của người con và của người cha
của cách mạng…
(trích “Cái chết của Lênin” trong trường ca “Vladimir Ilich Lenin”, bản dịch của Thép Mới).
Bản trường ca được nhiệt liệt hoan nghênh. Dư luận đương thời cho rằng, bản trường ca là của Mayakovsky cũng là của nhân dân... Và, “nhà thơ đã làm được một việc lớn cho giai cấp vô sản, cho V.I.Lênin, cho toàn thể liên bang!”.
Nếu như Stalin từng không tiếc lời ca ngợi tài thơ của Mayakovsky thì sinh thời, V.I.Lênin lại tỏ ra dè dặt khi đánh giá tác phẩm của nhà thơ này... Chuyện kể rằng, trong một lần Lênin đến dự buổi hòa nhạc tổ chức ở Điện Kremli. Ban tổ chức bố trí Lênin ngồi ở hàng ghế trên cùng. Và khi một nghệ sĩ vừa ngâm hai câu thơ của Mayakovsky: Chúa của chúng ta là cuộc chạy đua/ Tim chúng ta là một chiếc trống, vừa tiến đến sát gần Lênin, như thể ông là nhân vật chính của câu thơ đó, thì Lênin lập tức cảm thấy ngượng ngùng ra mặt. Phải cố gắng lắm, người mới giấu được sự khó chịu. Chỉ đến khi chương trình chuyển sang tiết mục đọc những tác giả khác, Lênin mới thở phào nhẹ nhõm. Vốn dĩ khi còn sống, Lênin không thích người ta ca ngợi mình trước mặt! Người còn có lần nói, thơ Mayakovsky là loại thơ “đọc khó vào”. Và Lênin cũng đã nói thẳng: “Tôi không ở trong số những người tán thưởng tài thơ của đồng chí ấy”. Tuy nhiên, là một người rất đỗi khiêm tốn, Lênin cũng nói thêm: “Tôi hoàn toàn thừa nhận rằng tôi không am hiểu lĩnh vực này”!
Mặc dù thái độ của Lênin đối với thơ Mayakovsky là vậy, song, như một “nghịch lý”, khi Lênin mất đi, chính Mayakovsky lại là nhà thơ có những vần thơ “khóc” Lênin chân thành và vô cùng thống thiết. Có thể nói đến nay, trong văn học Nga và thế giới, chưa có bản trường ca nào viết về Lênin lại thấm thía, lại có tầm vóc như bản trường ca “Vladimir Ilich Lenin” của Mayakovsky viết năm 1924. Nhân cách và tài năng của Mayakovsky đã giúp ông làm nên tác phẩm lớn này.
Vladimir Vladimirovich Mayakovsky sinh ngày 19-7-1893, tại làng Baghdati thuộc Gruzia, trong gia đình một người gác rừng. Thời thơ ấu, nhà thơ sống ở quê, nhưng sau khi cha ông qua đời, ông cùng gia đình chuyển về Moscow tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Bolshevik (1908) và bị bắt cả thảy ba lần. Trong thời gian bị biệt giam trong nhà tù, ông bắt đầu làm thơ, mở đầu cho sự nghiệp sáng tác thơ ca đầy cá tính của mình.
Ông phấn đấu không mệt mỏi để loại hẳn ra ngoài sáng tác của mình những rơi rớt của chủ nghĩa vị lai-một trường phái nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, mang nặng tư tưởng hư vô, vô chính phủ-mà ông từng bị ảnh hưởng, để vươn lên trở thành nhà thơ chân chính của giai cấp công nông.
Có thể dễ nhận ra hình thức độc đáo của thơ Mayakovsky. Ấy là cách sắp xếp câu chữ theo bậc thang, tiết tấu rõ ràng mà khỏe khoắn, từ ngữ nghiêm trang mà chặt chẽ. Mayakovsky cũng nổi tiếng với biệt danh “nhà thơ của công chúng”, “nhà thơ của các quảng trường”...
Theo báo chí đương thời tường thuật, đám tang nhà thơ được tổ chức trọng thể trong ba ngày 15, 16, 17-4-1930, đã có gần 20 vạn người đến nghiêng mình trước linh cữu ông. Đặc biệt hơn, trong số các vòng hoa viếng nhà thơ, có một vòng hoa được kết nối bằng đinh ốc, búa, ổ trục, với dòng băng tang: “Vòng hoa thép viếng nhà thơ thép”. Tận mắt chứng kiến dòng người đông đảo đi theo xe tang tiễn đưa nhà thơ vĩ đại về nơi an nghỉ cuối cùng, một người bạn thân của Mayakovsky đã phải day dứt thốt lên rằng: “Cả anh, cả chúng tôi đều không biết chúng ta yêu anh đến vậy...”!
Tuy chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi (37 tuổi), nhưng sự nghiệp sáng tác của Mayakovsky là một khối lượng công việc đồ sộ, cả về thơ, kịch, các bài chính luận, tiểu luận, hàng ngàn bức tranh áp phích và rất nhiều công việc khác. Nhiều thi hào trên thế giới như Aragon (Pháp), Neruda (Chile), Tuvim (Ba Lan)… đều từng ca ngợi những công lao to lớn và sự ảnh hưởng của Mayakovsky.
Ở Việt Nam, Mayakovsky đã trở thành người bạn gần gũi, thân thiết của độc giả Việt Nam. Thơ ông đến Việt Nam từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Và từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch, giới thiệu ở Việt Nam. Những người giới thiệu Mayakovsky và thơ của ông với bạn đọc Việt Nam là những tên tuổi: Nguyễn Thụy Ứng, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Kim Đính, Hoàng Ngọc Hiến…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Và có Cách mạng Tháng Mười, có V.I.Lênin, chúng ta mới biết đến thơ Mayakovsky và thấm thía câu thơ trong bài thơ “Bài ca Tháng Mười” của nhà thơ Tố Hữu: Từ khi anh đứng dậy/ Trái Đất bắt đầu cười/ Và loài người từ đấy/ Ca bài ca Tháng Mười!
NGÔ VĨNH BÌNH