Leo lên đồi quan sát 533 thuộc đỉnh Slam Cao trên dãy núi Khau Giáng, về lại Di tích lịch sử đồn Phai Khắt-nơi bộ đội ta đánh thắng trận đầu... Điều đặc biệt mà chúng tôi thấy được ở phòng trưng bày chiến thắng Phai Khắt là trong bản danh sách 142 người tham gia Nam tiến chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi xuất phát từ châu Nguyên Bình năm ấy có một nhà thơ. Một nhà thơ lão thành người dân tộc Dao: Bàn Tài Đoàn.
Nhà thơ Bàn Tài Đoàn (1913-2007) tên thật là Bàn Tài Tuyên, dân tộc Dao Tiền, sinh ngày 28-9-1913, tại bản Sí Kèng, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1944, tại khu rừng dưới chân núi Slam Cao-rừng Trần Hưng Đạo, chàng trai Bàn Tài Tuyên đã được giác ngộ cách mạng, tham gia công tác tuyên truyền. Vốn được học một chút chữ Nôm Dao, lại được các anh dạy cho chữ Quốc ngữ, nên Bàn Tài Tuyên thường làm thơ để tuyên truyền cho thanh niên người Dao với bút danh là Bàn Tài Đoàn. Ông có lần nói: “Nếu không có Đảng, không có Bác Hồ thì người Dao không thể thoát nghèo, Bàn Tài Tuyên không thể làm thơ và trở thành Bàn Tài Đoàn!”.
Và ông lại nói: “Làm được một bài thơ hay mà đọc ra nhân dân chẳng thích thì thật là vô nghĩa!”. Trong cuộc đời làm thơ của mình, Bàn Tài Đoàn đã xuất bản hơn chục tập thơ, đó là: Muối của Cụ Hồ (1960), Có mắt thấy đường đi (1962), Xuân về trên núi (1963), Một giấc mơ (1964), Kể chuyện đời (1968), Tháng Tám đổi mới (1971), Rừng xanh (1973), Sáng cả hai miền (1975), Gửi đồng bào Dao (1979), Nơi ta ở (1979), Bước đường tôi đi (1985), Tìm bạn rừng (1990), Bó đuốc sáng (2002)… Ngoài ra, thơ ông còn được chọn in chung trong nhiều tuyển tập. Bàn Tài Đoàn là một trong những nhà thơ người dân tộc thiểu số đầu tiên của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ Bàn Tài Đoàn trong sáng, hồn hậu như suy nghĩ thủy chung của người dân Nguyên Bình quê ông. Đọc thơ ông, thấy quê hương hiện ra vừa thiêng liêng, vừa gần gũi:
Núi rừng nghe lời ca tiếng hát
Xuân về nở rộ hoa kim anh
Măng vầu, măng trúc cùng cao vút
Như giáo, như gươm giữ rừng xanh…
(Bài “Suối Lênin, núi Các Mác”)
Bài thơ của ông được nhiều người biết đến là bài “Muối của Cụ Hồ” in trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1960. Bài thơ ông viết về Đảng, về Bác Hồ, về Bộ đội Cụ Hồ, cũng là viết về người Dao, về quê hương Việt Bắc của ông, một miền đất dưới chế độ cũ nghèo đói, khô cằn và lam lũ:
Người Mèo ngày xưa bao đời lại
Ở đất Đồng Văn đói khổ nghèo
Ngẩng đầu thấy núi cao chót vót
Cúi đầu thấy đá chồng chất nhau
Bắc gùi xuống đất trên khe đá
Nó mọc lên không chịu ra hoa!
(Bài “Muối của Cụ Hồ” trong tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, tập 7, NXB Hội Nhà văn, 2012, tr.217)
Đặc biệt là nạn đói cơm, đói muối kinh niên, ông viết:
Xưa con khóc đòi ăn cơm chấm muối
Mẹ tìm đâu ra hạt muối cho con?
Mẹ dỗ: Con ơi đừng khóc nữa
Bố gánh củi đi chợ đổi muối rồi
Con nín nghe theo lời mẹ bảo
Bố về được muối đầu đũa ngon
Cánh cửa xác xơ vừa kẹt hé mở
Vui sướng biết bao thấy bố về
Nhưng sao yên lặng bố không nói
Con hỏi muối đâu, bố lắc đầu
Không đủ tiền, người giàu không bán!
Niềm mong thất vọng đến với con
Nước mắt con chảy quanh má nhỏ
Bố chỉ nhìn con biết làm sao?
(Bài “Muối của Cụ Hồ”, đã dẫn)
Nhưng từ khi có cách mạng, có bộ đội về, quê hương người Dao, quê hương đồng bào các dân tộc thiểu số đổi thay, không còn cảnh đói cơm khát muối nữa:
Từ khi cán bộ Cụ Hồ đến
Ngoài chợ có bán nhiều thứ hàng
Có hàng bán muối tha hồ chọn
Có hàng bán vải đỏ, vải xanh
Và:
Cụ Hồ mang áo về, dân mặc
Cụ Hồ đem muối về, dân ăn
Nay Bác bảo ta đi đào đất
Mở thêm đường cái lên Đồng Văn
Có xe mang thêm nhiều muối đến
Người Mèo ta không sợ đói nghèo.
(Bài “Muối của Cụ Hồ”, đã dẫn)
    |
 |
Bìa cuốn “Tuyển tập thơ văn” của tác giả Bàn Tài Đoàn. |
Tình cảm của nhà thơ với quê hương, với đồng bào mình thể hiện trong thơ thật nồng nàn. Trong lời giới thiệu tập thơ “Bó đuốc sáng” in bằng hai ngôn ngữ Việt, Dao (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2002) viết: “Cuộc đời của nhà thơ có thể tượng trưng cho sự thay đổi của dân tộc Dao xưa kia quằn quại trong đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật. Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đời sống của dân tộc Dao, trong đó có nhà thơ được no ấm, được học hành và có quyền bình đẳng cùng các dân tộc khác trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam. Cả cuộc đời ông vừa hoạt động cách mạng, vừa sáng tác, làm thơ cũng chính là để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, của Bác Hồ”.
    |
 |
Bác Hồ với phụ nữ Việt Bắc. Ảnh tư liệu. |
Với riêng Bác Hồ, nhà thơ Bàn Tài Đoàn không chỉ có bài thơ “Muối của Cụ Hồ”, ông còn thể hiện tình cảm thành kính của mình trong nhiều bài thơ khác. Được tin Bác mất, ngày 5-9-1969, ông đau xót làm bài thơ khóc Người trong nỗi đau khôn tả cùng đồng bào các dân tộc thiểu số
Việt Nam:
BÁC HỒ Ở MÃI TRONG LÒNG TA
Sáng nay cháu ở trên rừng
Nghe tin như sét đánh tối trời
Tin báo về: Bác Hồ đã mất
Nghe xong như đứt ruột, Bác ơi!
…
Người Dao xưa đời đời nghèo khổ
Bác về, đời người Dao đổi thay
Mọi dân tộc bình quyền, bình đẳng
Cuộc đời người Dao mới từng ngày
…
Người Bác Hồ nay không còn nữa
Hình Bác Hồ còn mãi trong tim ta
Ban ngày Bác cùng mặt trời chiếu
Ban đêm lửa Bác sáng mọi nhà.
Bác Hồ có ở khắp mọi con mắt
Bác Hồ ở cả mọi bàn tay
Lúc nào lòng ta nhớ tới Bác
Bác Hồ liền hiện ra trước mắt ngay
Bác Hồ vẫn đến cùng ta ở
Cùng với người Dao ở núi cao
Định canh, định cư trên đất mình
Có Bác ta chẳng lo chút nào!
…
Bác Hồ ở mãi trong lòng ta!
Từ năm 1951 đến khi nghỉ hưu, nhà thơ Bàn Tài Đoàn giữ các chức vụ: Phó giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Cao Bằng; Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Văn học các dân tộc thiểu số. Ông được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt 1 (năm 2001).
NGÔ HOÀNG MINH