“Ngọn Quốc kỳ” mô tả niềm hạnh phúc, sướng vui của nhân dân ta khi Việt Nam giành được độc lập vào tháng Tám năm 1945. Nhà thơ đã trân trọng chọn hình tượng thiêng liêng là lá cờ Tổ quốc để bày tỏ cảm xúc trào dâng của mình cũng như cả dân tộc khi ấy:

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo;

Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng.

Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo,

Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo.

Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,

Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.

Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,

Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!

Tiếp đến là những đoạn thơ đưa ta trở lại thời kỳ dài đất nước trong đêm trường nô lệ, trong cuộc vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền trong cả nước:

Nào những huyền u uất, tím thê lương,

Nào những tía, nào những hồng yếu đuối,

Thắm lại hết! - Nào những màu bạc lái,

Những bùn tro, những than tựa đêm tăm

Vàng lại rồi!

Nước cũ bốn nghìn năm

Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi.

Lá cờ đỏ sao vàng là hồn nước, là sự vẫy gọi; đồng thời cũng là nguồn sức mạnh của dân tộc. Nhà thơ viết:

Ai làm du kích vượt đèo cao?

Ai khiến thanh niên lần bước đá?

Ai xui dân gánh việc anh hùng?

Bổn phận nghìn năm, ai giục giã?

Ai lên tiếng gọi?

- Ấy sao vàng!

Ấy Việt Nam - Hồn như lửa hạ!

Vì bởi yêu cờ mới tới đây.

Xông pha sương gió, gội mưa đầy.

Áo trăm lần ướt rồi khô lại,

Thân hết chui rừng lại lách mây.

Mấy lần nhọc mệt lòng toan nản.

Trông thấy sao vàng, tay vuốt trán,

Chân quên đá nhọn, gối quên chồn,

Bước lại so đều chưa thấy chán!

Những phen tin tưởng muốn lung lay,

Sao gọi trên cờ phấp phới bay.

Mật đắng nếm ngon như nhắm tốt.

Cổ khô còn hát được bài hay.

… Và, tới một mùa Thu cả dân tộc như nước lũ tràn bờ, sức mạnh của dân tộc dưới lá cờ đỏ sao vàng đứng lên khởi nghĩa bằng cả sức mạnh được tích đọng từ 4.000 năm: Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc/ Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng. Rồi:

Có một buổi cờ về Hà Nội

Về ngự trị ở trên đài sáng chói

Giữa dân gian, trong những tiếng hoan hô.

Ngọn cờ ấy, lá Quốc kỳ Việt Nam ấy là kết tinh của những năm tháng đấu tranh, là hồn nước của tất cả những người Việt Nam yêu nước:

Ôi lịch sử! Cùng mấy ngày Tháng Tám

Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân

Nên đâu đâu trong ngõ hẻm, đường gần

Khắp kẻ chợ đến làng quê cũng vậy

Chị bán củi ra thị thành đón lấy

Anh kéo xe làm giấy dán trên mui

Em bé con hì hục cố pha mùi…

Dưới ngòi bút Xuân Diệu, trong con mắt nhà thơ, cuộc cách mạng mùa Thu năm ấy thật sự là một sự đổi thay kỳ diệu:

Những cửa lều xơ xác cũng ra hoa

Trên gốc cũ nảy một chồi sống mới.

Nói về sự đổi thay của đất nước thông qua hình tượng lá cờ đỏ sao vàng cũng là nói về sự đổi mới của thơ mình, Xuân Diệu viết:

“Các em hiện nay mười sáu tuổi có thể tưởng tượng được không, mối tình đầu với cách mạng thành công, với chính quyền nhân dân ở tại Thành Hoàng Diệu, Thủ đô Hà Nội, tháng Tám năm 1945, Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm thứ nhất?

Lòng tiết trinh vui trong tiệc sáng lòa

Tình nguyên thủy vẫn hãy còn run rẩy…

Ai đã sống những ngày ấy sẽ không bao giờ quên. Bài thơ “Ngọn Quốc kỳ” đã được sáng tác trong những ngày say sưa tắm ánh sáng thần tiên của cách mạng thành công ấy. Những ngày thứ nhất ấy, tất cả tươi mới trong lòng người, trên đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng; chúng ta đã say ngọn cờ độc lập, tự do như say men rượu! Những buổi thượng cờ, kéo cờ, treo cờ, chào cờ, những khi phất cao ngọn cờ… ngọn Quốc kỳ… quấn lấy tâm hồn mọi người, cuốn đưa lên lồng lộng cao xa!” (Xuân Diệu-Tựa “Ngọn Quốc kỳ”, Nxb Văn học, 1961).

leftcenterrightdel
Nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh tư liệu.

Cũng trong bài tựa này, nhà thơ còn cho biết, tráng ca “Ngọn Quốc kỳ” được viết tại Trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc, tức Câu lạc bộ Đoàn Kết hiện nay, ngày 30-11-1945 do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng “đặt hàng xã hội” (“Toàn tập Xuân Diệu”, tập 1; Nxb Văn học, 2001, tr.181, 182, 183).

Tôi từng say đắm “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” xuất bản trước năm 1945 của Xuân Diệu - chàng thi sĩ có mái tóc bồng bềnh như mây vương vầng trán của thời Thơ mới; “ông hoàng của thơ tình” một thời lại có thể trở thành tác giả của tráng ca “Ngọn Quốc kỳ” đầy chất sử thi, hào hùng và nóng bỏng hơi thở của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chưa xa. Tôi nghĩ, chỉ có cách mạng mới có chuyện đổi thay thần diệu ấy!

Và khi viết những dòng này, ngoài kia trước mắt tôi là cả một rừng cờ tung bay giữa trời thu Hà Nội cao xanh, xen cùng âm vang câu thơ của người thi sĩ năm nào:

Sao vẫn sáng, máu xây nền vẫn đỏ!

Cờ là đó. Việt Nam này vẫn đó;

Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến quân ca.

Sáng muôn năm, nền dân chủ cộng hòa.

NGÔ VĨNH BÌNH