Nhà văn Hoàng Văn Bổn có lần nhớ lại, ông viết “Tướng Lâm Kỳ Đạt” trong khoảng một tuần lễ và vừa trình làng, nó đã được độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi ở miền Bắc đón nhận nhiệt liệt.
Lâm Kỳ Đạt là một cậu bé sớm được giác ngộ lòng yêu nước, căm thù giặc. Cha cậu đã bị bọn Tây cắt cổ, ông bác trước khi vượt sông lên căn cứ dặn cậu phải ghi nhớ những điều mắt thấy tai nghe trong lúc đi chăn trâu. Ông cho rằng Đạt còn quá nhỏ, chưa thể theo ông lên núi được. Nhưng ở nhà, cậu bé đã bí mật lập một nhóm bạn làm được nhiều công việc có ích cho làng xóm, bà con như giúp một bà lão bị bệnh nặng không có người săn sóc; cắt cỏ chăn trâu giúp những gia đình có người ở chiến khu, lập mưu bắt lại được con trâu của một bạn gái; phát hiện cả một kho cất giấu vũ khí của địch. Bọn giặc tràn đến. Lâm Kỳ Đạt đã một mình cưỡi con trâu trắng vượt sông để báo tin cho bộ đội biết. Cậu được xem như “một vị tướng nhi đồng” của làng. Dưới ngòi bút của nhà văn Hoàng Văn Bổn, cậu bé hiện lên thật oai phong: “… Đạt đã chìm nghỉm xuống mặt nước. Đạt nắm đuôi con trâu trắng lặn qua những cột nước. Bỗng thình lình, con trâu trắng nhảy dựng lên, giống như cánh buồm bạt gió. Hai chân trước nó choạng ra, bơi bơi trên không… Bên kia sông, các chú du kích bắn trả lại dữ dội. Có một bóng người cao lớn từ trên bờ nhảy xuống rất nhanh, bơi ra chỗ Đạt đang với với. Hai cái bóng ấy đã trườn lên bờ bên kia. Phía trong bãi cát ấy là Chiến khu Đ”.
    |
 |
Nhà văn Hoàng Văn Bổn. Ảnh tư liệu. |
Từ một nhóm nhỏ, Lâm Kỳ Đạt đã “chiêu binh”, dưới trướng những Việt quân sư, Bảy cối xay, Mặt dài, Lý Xích Hoài, Huỳnh Thăng… những thiếu niên nghịch ngợm nhưng thông minh và gan dạ. Các em vẫn sống trong sự hồn nhiên, ngây thơ; nhưng trước những mất mát của dân làng, trước nỗi đau của những người bạn, các em đã sớm được giác ngộ lòng yêu nước thương nòi. Những chuyện con trẻ như “xưng hùng xưng bá”, tranh giành đồng bãi chăn trâu, kết bè nhóm… giờ đây đã mang một ý nghĩa quan trọng là bảo vệ cuộc sống bình yên cho bà con cô bác và cho chính các em.
Lâm Kỳ Đạt dần trở nên vững vàng trong mọi công việc như “một đấng nam nhi” thời loạn. Đội quân của Đạt thực chất là một đội nhi đồng cứu quốc được tác giả miêu tả lồng ghép giữa ước mơ làm người quân tử “kiến ngãi bất vi vô dũng dã” như Lưu Bị, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi… trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”. Ước mơ làm người cách mạng như cha anh của Lâm Kỳ Đạt là: Tướng phải làm gương, phải chịu đau và “hơn người”... Cậu để cho Việt nắm tóc mình mà giật, không hề kêu khóc một tiếng, cũng nhất định không chịu thua cuộc và rồi xuất hiện với một cái đầu trọc lóc của người chiến thắng!
Câu chuyện kết thúc ở hành động dũng cảm, gan dạ của Lâm Kỳ Đạt: Cưỡi con trâu trắng qua sông. Qua sông, nghĩa là Lâm Kỳ Đạt đã trở thành một chiến sĩ như những bậc cha anh, như một người đã lớn…
“Tướng Lâm Kỳ Đạt” là một bức tranh tả thực, rất đơn sơ, mộc mạc của nhà văn Hoàng Văn Bổn về quê hương mình. Những cánh đồng cỏ, gò mả cũ, bụi mía, nhà kho chứa thóc, cối xay lúa… là những hình ảnh rất quen thuộc của trẻ chăn trâu, của tuổi thơ, của quê hương tác giả.
Cho đến nay, “Tướng Lâm Kỳ Đạt” đã được các nhà xuất bản Kim Đồng và Đồng Nai in đi in lại tới cả chục lần với hàng vạn bản. Đồng thời nhiều lần được đọc trên sóng của chương trình phát thanh Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó còn là cuốn sách được bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích nhất trong quãng thời gian từ năm 1962 đến năm 1965 (theo điều tra xã hội học thời bấy giờ) và cho đến nay đọc lại vẫn còn rất thú vị.
    |
 |
Bìa cuốn sách “Tướng Lâm Kỳ Đạt". |
Cuốn sách này được nhà văn Hoàng Văn Bổn viết một cách thật ngẫu hứng. Hồi ấy, ông chơi thân với nhà văn Phù Thăng-nhà văn cùng cơ quan Điện ảnh Quân đội, cùng là “dân phố nhà binh”. Một hôm, Phù Thăng bảo: “Tôi thách ông viết một cái gì cho các em; phần tôi, tôi sẽ có “Con nuôi trung đoàn”! Hoàng Văn Bổn nhận lời và xin “giao ước thi đua” với bạn. Đúng bảy ngày sau, cuốn truyện “Tướng Lâm Kỳ Đạt” hoàn thành dày hơn trăm trang. Theo tác giả thì Lâm Kỳ Đạt, nhân vật chính của cuốn sách là nhân vật có thật ở một trường tiểu học thuộc phân khu Tây-Nam Bộ những năm 1953-1954. Đó là một cậu bé khoảng 10-12 tuổi nghịch ngợm, gan lì và “khó trị” nhất của bộ phận liên lạc, giao thông mà ngay sau ngày tập kết ra Bắc, tác giả còn gặp lại trong một quán cóc ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong truyện, Đạt được xây dựng khác trong đời thường. Đó là một nhân vật “chỉ huy” nhỏ tuổi, gan góc, mưu lược nhưng cũng đầy tình thương bạn bè, quê hương.
Cũng như Lâm Kỳ Đạt, hầu hết các nhân vật nhỏ tuổi trong các cuốn: “Lũ chúng tôi”, “Theo dấu chân người xưa” và “Tuổi thơ trong làng”, “Tuổi thơ ngọt ngào”, “Quê nội xa xôi”… đều là những nhân vật có thật hoặc gần như thật mà nhà văn-chiến sĩ Hoàng Văn Bổn đã cùng vui chơi, cùng lao động, cùng chiến đấu và cùng học tập ở quê nhà, trong Chiến khu Đ, trong rừng U Minh những năm ông còn đang tuổi thiếu niên. Nói về Hoàng Văn Bổn, tìm hiểu văn nghiệp của ông, không thể không nhắc tới những đóng góp trong lĩnh vực điện ảnh, với 25 kịch bản phim đã được dựng chiếu, như: “Trận đầu đánh thắng”, “Theo bước chân chiến sĩ”, “Trên mảnh đất miền Tây Tổ quốc”, “Chiến đấu giữ đảo quê hương”, “Trận địa bên sông Cấm”, “Hàm Rồng”, “Những cô gái C3 Quân Giải phóng”, “Lịch sử không lặp lại”, “Chiến thắng Xuân 1975 lịch sử” (viết chung)...-những tác phẩm từng đoạt giải lớn, giải cao trong những liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Bằng 50 đầu sách, Hoàng Văn Bổn đã đưa bạn đọc về một vùng quê, về một xứ sở phương Nam xa xôi nhưng kỳ diệu, về những năm tháng chiến tranh chưa xa. Bắt đầu từ một cái làng (làng Bình Long, tỉnh Đồng Nai) trù phú và yên ả, nằm ngay sát con sông Đồng Nai nhưng cũng rất gần với rừng già, với miền đất Chiến khu Đ lừng danh với những sự tích và những chiến công anh hùng. Ở đó có danh văn Lý Văn Sâm, gần đó là quê hương những tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ (tướng quân thi sĩ), Bình Nguyên Lộc (văn sĩ, khoa học gia). Ở đó có ngôi nhà thân yêu của tám, chín anh chị em, có anh Năm, anh Tám liệt sĩ, nơi diễn ra cái chết “uất ức và tức tưởi” của người cha già tác giả. Và nhiều hơn, ở đó có những cuộc đời, những kiếp người, những tuổi thơ...
Hoàng Văn Bổn đã rất am hiểu tuổi trẻ thế hệ của ông, rất hiểu thời cuộc và thái độ nhập cuộc của một lớp người đi kháng chiến. Ông ví những cuộc “lên ngàn”, “nhảy núi” như là những cuộc lên chiến khu, những cuộc “Tây tiến” ngoài Bắc. Những cuộc đi đầy gian khổ, hy sinh mà cũng nhiều thú vị, đầy niềm tin như câu thơ ông viết trong bài “Sông Đồng Nai chín khúc” nhân dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa-Đồng Nai (1998):
Một khăn rằn, một quần xà lỏn
Một ngọn tầm vông, một mụt măng rừng, một gùi
khoai củ
Dọc ngang trời đất, tứ hải đệ huynh
Anh hùng tử chí hùng nào tử
Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhìn lên mả mẹ chín chiều ruột đau”
Đến hôm nay đọc lại tác phẩm “Tướng Lâm Kỳ Đạt” và những tác phẩm khác của Hoàng Văn Bổn, còn như thấy hơi thở nóng hổi của chiến tranh, ngồn ngộn chất sử thi, đâu đó thấy thấp thoáng một miền quê “gian lao mà anh dũng”, thơ mộng mà rất đỗi anh hùng...
Và, kia còn chưa phai bóng hình một nhà văn-chiến sĩ.
NGÔ VĨNH BÌNH