Sự kiện này khiến đồng bào, chiến sĩ cả nước phấn khởi. Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã ra đời khích lệ, động viên quân và dân cả nước xốc tới với quyết tâm lớn tiến lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông đã viết bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn.
    |
 |
Lư Nhất Vũ và Lê Giang năm 1975. Ảnh: VÕ AN NINH. |
Với những bài hát đậm đặc chất Nam Bộ như: Nhạc rừng (Hoàng Việt), Vàm cỏ Đông (Trương Quang Lục-thơ Hoài Vũ), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý), Tình đất đỏ miền Đông (Trần Long Ẩn), Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long (Huỳnh Thơ), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ) trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 11-2014 đã gợi lại một thời đánh giặc, một cái Tết hào hùng chưa xa. Bài hát như sau:
Lời 1:
Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi ta lên rừng nặng trĩu hai vai
Hoa mai vàng chen lá ngụy trang
Sương đêm, sương đêm ướt đầm nón vải, ta xuyên rừng theo giải phóng quân
Từ ngày đô thị vùng lên, chị em mình đi tải đạn, để các anh đi diệt thù
Quả pháo ơi, trên đường đi xa có mỏi
Suốt đêm ngày có đói hay chăng!
Đường dài sức nặng càng tăng, cùng ta đi mang nặng tình chiến đấu, khó khăn chẳng rời
Chị em ơi! Mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta, cùng các anh góp lửa diệt thù
Dù bom rơi, dù bao bốt đồn, mong các anh yên lòng, từng trái pháo tới tay anh
Chị em ơi! Niềm tin thắng lợi, thôi thúc ta lên đường, kìa hỏa tuyến đang chờ ta.
Lời 2:
Hôm qua, hôm qua chưa hề vác nặng, em chưa từng vượt suối qua bưng, em chưa từng giãi nắng dầm mưa.
Hôm nay, hôm nay em là chiến sĩ, vai dạn dày vững vàng bước chân.
Lòng người đang độ mùa xuân, trào dâng niềm vui đánh Mỹ, dẫu hiểm nguy em không nề.
Quả pháo ơi, sao mà yêu như đứa trẻ, suốt đêm ngày ta bế trên vai.
Đường về đô thị còn xa, ngày nay đi diệt thù cứu nước, có ta có mình.
Chị em ta, cô gái thành đô đem lứa tuổi xuân cùng hiến dâng, quyết giải phóng quê mình
Chị em ơi! Niềm tin thắng lợi thôi thúc ta lên đường
Sài Gòn đó, đang chờ ta tải đạn về...
Tác giả bài hát nhớ lại, ở Hà Nội, Tết đó mỗi khi gặp bà con đồng hương miền Nam, họ đều nhắc ông rằng: Nhiều nhạc sĩ, có người chưa một lần đặt chân đến Sài Gòn mà đã có bài hát về cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam nghe rất thôi thúc. Là người Nam Bộ, lẽ nào ông lại chưa sáng tác được bài hát nào? Trước câu hỏi và lời nhắc nhở chính đáng đó, nhạc sĩ rất nghĩ ngợi...
Sau đó, tình cờ ông đọc được một bài báo nói về các cô gái Sài Gòn tình nguyện rời gia đình, tham gia dân công hỏa tuyến, làm mọi việc, trong đó có vác đạn cho bộ đội. Họ là những cô gái sống ở thành thị, chân yếu tay mềm, phần lớn mới ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Cảm kích và xúc động, ông đã viết bài hát với cái tên ban đầu Đội nữ tải đạn Sài Gòn. Bài hát được các nhạc sĩ Nhật Lai (tác giả bài hát Hà Tây quê lụa), nhạc sĩ Lê Lôi (tác giả Đóng nhanh lúa tốt, Bài ca nữ anh hùng miền Nam (1966), Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên (1969), công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam góp ý đổi tên bài hát thành Cô gái Sài Gòn đi tải đạn.
Những cô gái Sài Gòn ra trận mùa Xuân 1968 ấy đầy hồn nhiên: Chim kêu, chim kêu ven rừng suối gọi, ta lên đường nặng trĩu hai vai, hoa mai vàng chen lá ngụy trang/ Sương đêm, sương đêm ướt đầm nón vải, ta xuyên rừng theo giải phóng quân...; tươi trẻ đến ngộ nghĩnh, đáng yêu: Quả pháo ơi, sao mà yêu như đứa trẻ /Suốt đêm ngày ta bế trên vai... Dẫu biết rằng đường về đô thị còn xa, đến ngày thắng lợi còn nhiều gian khổ hy sinh, nhưng chị em biết: Mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta, cùng các anh góp lửa diệt thù... Và niềm tin thắng lợi thôi thúc ta lên đường, kìa hỏa tuyến đang chờ ta; rồi nữa, kìa Sài Gòn đó! đang chờ ta tải đạn về...
Ca khúc Cô gái Sài Gòn đi tải đạn được thu thanh gấp rồi phát sóng đã nhanh chóng bay xa và lan tỏa khắp nơi, từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam đang khẩn trương dồn lực cho trận đánh lớn, chiến dịch lớn - chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Rất nhiều thư yêu cầu của thính giả tới tấp gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam, yêu cầu được nghe lại ca khúc trong chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả”. Rồi nhiều đoàn văn công đã đưa bài hát lên sân khấu trình diễn, đều dưới hình thức tốp ca nữ... Trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 11-2014, nhóm Mắt Ngọc với phong cách biểu diễn trẻ trung, nhí nhảnh (nhóm này thường hát những bài hát dành cho học sinh, sinh viên) đã làm sống lại một thời sôi động, làm người xem nhớ lại và hình dung ra cả một mùa xuân lịch sử chưa xa - mùa Xuân năm 1968.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (tên thật là Lê Văn Gắt) sinh năm 1936 tại Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ông nguyên là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phân viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6-1962, tốt nghiệp Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), ông về nhận công tác ở Đoàn Ca Múa miền Nam. Năm 1967, ông về công tác tại Vụ Âm nhạc và Múa, theo dõi, chỉ đạo hoạt động của các Đoàn Ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên. Năm 1970, ông trở về chiến trường miền Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam Bộ. Sau năm 1975, ông công tác ở Cơ quan Văn nghệ Giải phóng rồi chuyển sang Viện Nghiên cứu âm nhạc.
Nhắc đến nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là nhớ đến các ca khúc hào hùng những năm chiến tranh: Chiều trên bản Mèo (1961), Hàng em mang tới chiến hào (1964), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn... và sau này là: Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca đất phương Nam... Tên tuổi ông gắn liền với nhà thơ Lê Giang-người bạn đời, bạn nghề của ông (tác giả của các tác phẩm Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Lang thang gió cát…). Sự đồng hành của ông bà trên con đường nghệ thuật đã cho ra đời hàng loạt các công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca các miền, đáng chú ý là các tác phẩm: Ba trăm điệu lý Nam Bộ, Hai trăm bài dân ca viết lời mới, Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, tuyển tập dân ca các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh…
Từ những đóng góp của mình cho văn hóa dân tộc, năm 2009 ông bà đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là đôi nghệ sĩ có nhiều công trình nghiên cứu về dân ca Nam Bộ nhất. Vừa qua, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao tặng Giải thưởng Văn hóa - Giáo dục vì những đóng góp xuất sắc của ông bà trong việc truyền bá văn hóa dân gian Nam Bộ.
Trong cuốn Nhạc và Đời (Hồi ký của nhiều nhạc sĩ, Nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang xuất bản 1989), nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tâm sự: “... Mười lăm năm trước, có một anh học trò ra đi. Hành trang là một trái tim nhiệt tình xốc nổi. Gia tài là Bài ca giã từ và Mồ chiến sĩ cùng vốn liếng nhỏ nhoi của các làn điệu dân gian đã ngấm ít nhiều trong tiềm thức. Tôi mang theo tình thương yêu của người thân và ký ức sâu sắc của quê nhà. Để lại phía sau sự mong mỏi đợi chờ và niềm tin yêu hò hẹn. Bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn là một món quà cho quê hương miền Nam, mang theo tình thương yêu của người thân, ký ức sâu sắc của quê nhà và sự mong mỏi đợi chờ”.
Ấy là mùa hè năm 1970, ông từ Ga Hàng Cỏ lên tàu rời miền Bắc vào Nam chiến đấu. Ông viết tiếp: “Tôi không thể rước về một cô dâu đất Thăng Long, mà chỉ mang theo một Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Cô gái này dẫu sinh ra từ Hà Nội song vẫn mang dòng máu bắt nguồn từ điệu hát quê hương cùng hơi thở của mùa Xuân năm 1968” (Nhạc và Đời, sách đã dẫn, tr.671, 672).
NGÔ VĨNH BÌNH