Trong khi đang thực thi nhiệm vụ, anh bị địch bắt lúc 22 giờ đêm 9-5-1964. Trong lao tù, anh bị nhiều cực hình và cám dỗ, nhưng luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Chính quyền Sài Gòn đưa anh ra tòa quân sự kết án tử hình nhằm uy hiếp tinh thần chống Mỹ của nhân dân ta lúc bấy giờ. Chúng đưa anh ra xử bắn lúc 9 giờ 45 phút ngày 15-10-1964. Năm đó anh mới 24 tuổi! Những phút cuối cùng của anh, nói theo nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” là “những phút làm nên lịch sử”, là “phút cuối cùng chói lọi khối sao băng” (Tố Hữu-Trăm bài thơ-Nxb Văn học - 1987, tr.187). Thương tiếc và xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước-nhất là cho các cháu thanh niên học tập!”.
Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tấm gương hy sinh của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh tư liệu.
Với những hy sinh, cống hiến cho quê hương, đất nước, năm 1964, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Nguyễn Văn Trỗi danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng và Huân chương Thành đồng hạng nhất. Năm 1995, Đảng và Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tượng của Nguyễn Văn Trỗi được dựng ở một số công viên chính tại nhiều tỉnh, thành phố. Tên anh được đặt cho nhiều con đường, cây cầu và trường học ở Việt Nam và nước ngoài... Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đặt giải thưởng mang tên anh và một sân vận động ở Cu-ba cũng rất tự hào được mang tên anh - Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Tấm gương hy sinh bất khuất của Nguyễn Văn Trỗi còn trở thành cảm hứng sáng tác trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, gây xúc động lòng người như bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu, bài hát “Lời anh vọng mãi ngàn năm” của Vũ Thanh, các bộ phim: Phim tài liệu “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” và phim truyện “Nguyễn Văn Trỗi” (đều do Bùi Đình Hạc đạo diễn)...; đặc biệt là cuốn sách “Sống như anh” của nhà báo Thái Duy (nhà văn Trần Đình Vân). Tác phẩm này đã trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và, cho đến gần đây, “Sống như anh” còn được tái bản và trở thành cuốn sách được bạn đọc bình chọn là một trong ba cuốn sách có nội dung hay nhất năm 2002, đồng thời đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, mới đây nhất là tiếng Tây Ban Nha.
Cuối năm 1964, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, anh Trỗi là tấm gương nổi bật trong số những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở miền Nam giai đoạn ấy. Trong dịp này, nhà văn Trần Đình Vân (bấy giờ là phóng viên Báo Giải phóng) đã nghe chị Phan Thị Quyên-vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi kể nhiều chuyện về cuộc đời cũng như tấm gương hy sinh anh dũng của người anh hùng.
Bìa cuốn “Sống như anh” do NXB Văn học xuất bản đầu tiên năm 1965.
Qua những câu chuyện chị Quyên và đồng đội của anh Trỗi kể, nhà văn Trần Đình Vân đã khắc họa một cách chân thực và sinh động cuộc đời, đặc biệt là những “phút làm nên lịch sử” đầy bi tráng của người chiến sĩ biệt động Sài Gòn trẻ tuổi mà nhà văn chưa từng gặp mặt.
Tác phẩm “Sống như anh” được viết theo dạng hồi ký ghi rõ Phan Thị Quyên (kể), Trần Đình Vân (ghi), mới đầu có tên là “Những lần gặp gỡ cuối cùng” được nhanh chóng gửi ra Hà Nội. Tác giả cho biết, bản thảo cuốn sách đã được các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu (Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) và Trần Quang Huy (Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương) khi ấy đọc và cho ý kiến. “Sống như anh” đã được Nhà xuất bản Văn học xuất bản lần đầu.
Qua cuốn sách, chúng ta được biết, anh Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.
Năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi trở thành chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Bước vào đời hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Anh là một người lính không ngại gian khổ hy sinh, chiến đấu mưu trí, dũng cảm!
Được tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Na-ma-ra, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5-1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ được hơn 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ. Anh cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý-nơi dự đoán là Mắc Na-ma-ra cùng phái đoàn Mỹ từ Sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi anh cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8kg ở cạnh cầu, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị lộ, anh bị địch bắt.
Để bảo đảm an toàn hoạt động và tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai mà còn nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, tra tấn, kẻ thù đưa anh ra xử tại tòa án binh, rồi kết án tử hình.
Trong tù, Nguyễn Văn Trỗi dù chịu nhiều cực hình tra tấn dã man của địch, vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm cách vượt ngục để được tiếp tục chiến đấu. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ biểu hiện một ý chí sắt đá, tinh thần tiến công của người chiến sĩ biệt động trẻ tuổi trước giây phút bị đưa ra pháp trường xử bắn mà còn như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các bạn tù. Anh không chấp nhận rửa tội mà còn khẳng định chính bọn Mỹ, ngụy mới là kẻ có tội, là thủ phạm gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh lầm than chết chóc, chia lìa xa cách!
Tuy biết trước sẽ bị tử hình nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản, tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Khi địch bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”.
Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô: “Hãy nhớ lấy lời tôi/ Đả đảo đế quốc Mỹ/ Đả đảo Nguyễn Khánh/ Hồ Chí Minh muôn năm!/ Hồ Chí Minh muôn năm!/ Hồ Chí Minh muôn năm!”.
“Sống như anh” vừa ra mắt đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận. “Sống như anh” được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong nhà trường suốt mấy thập niên. Cuộc đời “người công nhân thành phố Sài Gòn” cùng tấm gương hy sinh lẫm liệt đã có sức lay động lương tri không những trong nước mà cả toàn thể nhân loại yêu chuộng hòa bình. Sau khi anh Trỗi hy sinh, cả nước đã dấy lên cao trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” mà sôi động nhất là phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ. Phong trào “Ba sẵn sàng” có một sức sống vô cùng to lớn, đi vào thực tiễn cuộc sống, trên mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, học tập… trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc cùng với phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam đã khơi dậy, hun đúc và khuyến khích tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhất là phong trào thi đua giết giặc lập công của đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn-Gia Định-nơi anh đã sống, chiến đấu và hy sinh và Quảng Nam-quê hương anh.
Về tác giả cuốn sách-nhà báo Thái Duy, ông tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại Bắc Giang. Bút danh Trần Đình Vân của ông gắn với tác phẩm “Sống như anh”. Ngoài “Sống như anh”, Thái Duy còn có nhiều tác phẩm gắn với các giai đoạn lịch sử cách mạng sôi động của dân tộc như: “Người tử tù Khám lớn”, “Hải Phòng anh dũng”, “Khoán chui hay là chết”, “Đổi mới ở Việt Nam-nhớ lại và suy ngẫm”... Trong cuộc đời làm báo, viết văn, ông đã nhiều lần được gặp Bác. Khi cuốn “Sống như anh” của ông được xuất bản, được in hàng triệu cuốn, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từ miền Nam, ông và nhà văn Phan Tứ được ra Hà Nội vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ.
Khi mới còn là bản thảo, nhà báo Trần Đình Vân cũng đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam kể chuyện cho các biên tập viên và cộng tác viên của đài nghe. Từ những lần tiếp xúc đó, từ tác phẩm “Sống như anh” mà nhạc sĩ Vũ Thanh đã sáng tác ca khúc nổi tiếng “Lời anh vọng mãi ngàn năm” với những câu tha thiết, đầy tinh thần tri ân: “Sáng mãi tên anh người con của đất nước/ Sông núi reo ca người anh hùng Thành đồng bất khuất/ Nguyễn Văn Trỗi… Nguyễn Văn Trỗi…” còn vang vọng đến hôm nay.
NGÔ VĨNH BÌNH