Rồi Cầm vào đại học, đi bộ đội, được giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn Nghệ và trở thành người của làng điện ảnh (đóng phim, đạo diễn, viết kịch bản). Tôi vẫn thi thoảng gặp anh, đọc và xem anh.
Tôi đã đọc tập thơ “Xúc xắc mùa thu” của anh, một tập thơ đầy chất kỷ niệm. Bên những kỷ niệm về Hà Nội, những sân trường góc phố, hàng cây, mái tóc người bạn gái và những kỷ niệm khác cũng thật khó mờ phai. Ấy là những kỷ niệm về một thời đánh giặc chưa xa: “Anh về Hà Nội chưa hết nhớ”. Nhớ cánh rừng ran tiếng ve trước khi trận đánh bắt đầu, nhớ “anh bộ đội” và nhớ “tiếng nhạc la”, nhớ những ngày mưa Trường Sơn, nhớ hơn cả là những đồng đội, người mất kẻ còn... Tôi biết cuộc đời cầm súng của Cầm không dài, có dăm bảy năm gì thôi. Nhưng ấy là những năm tháng “không thể nào quên” của anh.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười (vai nhân vật Hoàng khi về già) trong cảnh Lễ thả hoa tưởng nhớ đồng đội bên dòng sông Thạch Hãn. Ảnh do đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cung cấp.
Sau này, lấy cảm hứng từ nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc-người bạn cùng thời sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội của mình, Hoàng Nhuận Cầm không hề làm công việc chuyển thể một cách đơn giản, mà anh viết “Mùi cỏ cháy” như viết về chính thế hệ của anh-thế hệ học sinh, sinh viên “xếp bút nghiên”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, viết cho chính anh và những người trẻ cùng thời. Và kịch bản “Mùi cỏ cháy”, vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là kinh phí, nên mãi 5 năm sau mới được dựng thành phim (khởi quay tháng 12-2010).
Bối cảnh chính của phim là sự kiện “mùa hè đỏ lửa” 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên đại học người Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện cấp tốc và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh, còn Hoàng may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.
“Mùi cỏ cháy” do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Tuy Hòa, Phú Yên; được chiếu giới thiệu tại Lễ khai mạc tuần phim và đoạt giải Bông sen Bạc (không có Bông sen Vàng).
Ngày 17-3-2012, tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2011, phim đã được trao giải Cánh diều Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc nhất (đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Mười) và 3 giải cá nhân: Âm nhạc xuất sắc nhất (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), Biên kịch xuất sắc nhất (Hoàng Nhuận Cầm) và Quay phim xuất sắc nhất (NSƯT Phạm Thanh Hà).
Trên cơ sở kịch bản đầy chất thơ và lãng mạn của Hoàng Nhuận Cầm, bằng tài năng của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, người xem không thể kìm nổi nước mắt trước những hiện thực đầy khó khăn gian khổ chưa xa của một thời bao cấp, bom đạn. Người xem không khỏi bồi hồi khi nhìn thấy những hiện vật, những cảnh sống của đất nước, nhất là của Hà Nội, của tuyến lửa Khu 4. Người xem cũng mỉm cười rơi lệ khi thấy lại những nét hồn nhiên tươi trẻ trước giờ ra trận của những người lính thời bấy giờ, như cảnh đọc thơ, biểu diễn văn nghệ và cả... tắm truồng của bộ đội. Rồi cảnh nhận quà (chỉ là những gói ruốc làm từ thịt cóc) từ hậu phương lớn, cảnh vợ lính đến đơn vị thăm chồng, người yêu tiễn biệt người yêu... Lại nữa, những chặng đường hành quân ra trận đầy ắp tiếng cười. Xem lại “Mùi cỏ cháy”, thấy lại nhiều chi tiết thật sống động. Ví như, trước câu hỏi của Thủ trưởng Phong: “Có ai tiếc cuộc sống bình yên không?”, Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ! Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em!”. Cả bốn anh binh nhì xuất hiện ở đầu bộ phim với hình ảnh ngây thơ, trong sáng. Điều đó được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; rồi cảnh bắt ve sầu, nghe tiếng kêu ve ve của Thành cùng niềm đam mê chơi chọi dế của Thăng… Tuy nhiên, khi được rèn luyện trong môi trường quân đội và trực tiếp chiến đấu với quân thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, họ đã hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, trưởng thành và sống rất có lý tưởng.
Cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”.
Chất ác liệt của trận chiến được đạo diễn tái hiện ngay từ đầu bằng việc những người lính phải vượt sông Thạch Hãn để vào trận địa, gặp ngay thương vong nặng nề với hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom đạn, máu nhuộm đỏ dòng sông... Đơn vị có 107 người, khi qua sông chỉ còn 49, dòng sông đầy máu và xác người. Rồi khi vừa qua sông, những tân binh - sinh viên đã phải chứng kiến cảnh thương binh nằm la liệt tại chốt cứu chữa, nhiều bao tải tử sĩ được khiêng ra từ trong thành. Xem cảnh nhân vật Long trở nên bấn loạn trước khung cảnh chiến trường, anh bị trúng phi pháo hy sinh mới thấy cái khốc liệt của cuộc chiến năm xưa. Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười tâm sự: “Chiến tranh là bom đạn, chết chóc, khốc liệt. Với chiến trường Quảng Trị, ở Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, sự khốc liệt còn lớn gấp bội phần! Khó tái hiện lại được độ khốc liệt ấy. Nhưng nói về Thành cổ Quảng Trị thời điểm bấy giờ không có cái khốc liệt thì đâu còn là “thành cổ”!
Nhưng vì làm phim về chiến tranh Việt Nam, về các đơn vị “lính sinh viên”, theo kịch bản đậm chất lãng mạn, chất thơ của một nhà thơ, nên đạo diễn Nguyễn Hữu Mười lại không chỉ dừng lại ở sự ác liệt. Cái ác liệt trên chiến trường là thế, nhưng với những người lính sinh viên, với những chàng trai Hà Nội lại rất lãng mạn, lãng mạn ngay cả khi tưởng như không thể, như cảnh đồng đội của Long đã chôn theo anh tấm ri-đô, chiếc đàn ghi-ta cháy rụi và chiếc khăn tay thấm đỏ máu. Thật Hà Nội mà cũng rất sinh viên!
Có lẽ, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của người Hà Nội năm nào lại được bộc lộ rõ nét ở Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm ấy. Dù trong tay chỉ còn cây súng AK hết đạn, Thành vẫn dũng cảm giương lưỡi lê xông lên, đâm một nhát chí mạng vào quân thù và anh dũng hy sinh; biết xung quanh mình có địch rình rập nhưng Thăng vẫn liều mình nhảy xuống sông nối dây cáp để giữ liên lạc giữa chiến trường với bộ chỉ huy!...
Khi cùng chúng tôi nói về “Mùi cỏ cháy”, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười giãi bày: Chiến tranh mãi là đề tài hấp dẫn không những với người xem, mà còn cả với những người làm phim. Nhưng hầu như đạo diễn nào cũng “sợ”. Vì vấn đề là kinh phí, là độ chuyên nghiệp. Anh bảo, chỉ riêng việc đánh quả nổ trong phim “Mùi cỏ cháy” sao cho gần giống như thật đã là khó, bởi trình độ của người phụ trách khói lửa, rồi thì tính toán đến độ chính xác, hiệu quả, độ an toàn; lại nữa, đạo cụ, hóa trang, võ thuật. Làm một bộ phim chiến tranh, từ xe tăng, máy bay, súng pháo, khí tài quân sự của ngày hôm nay đã khó, huống chi là của ngày trước. Tuy nhiên anh bảo, với sự hỗ trợ, hợp tác vô tư của những người lính, của các CCB Thành cổ… chất chiến tranh, sự khốc liệt đã được tái hiện trong phim khá rõ nét!
Về đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, xin được “bật mí” thêm cùng bạn đọc Sự kiện và Nhân chứng: Trước khi làm phim “Mùi cỏ cháy”, anh là đạo diễn của những bộ phim truyền hình như: “Nhịp sống”, “Xóm bờ sông”, “Những kẻ lãng mạn”, “Cuộc phiêu lưu không định trước”, “Trở lại chùa Dâu”... và bộ phim truyện điện ảnh: “Chiếc hộp gia bảo”; đồng thời, anh cũng từng là diễn viên sắm các vai: Giáo Thứ trong bộ phim nhựa “Làng Vũ Đại ngày ấy”; thầy giáo Khang trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”; Phùng trong phim “Khôn dại”...
Phim “Mùi cỏ cháy” được mở đầu bằng một khung cảnh bình yên, được nhắc nhở bằng bốn câu thơ, nhưng nội hàm thật sâu sắc:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Tác giả-nhà thơ Lê Bá Dương cũng là một người lính từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị 81 ngày đêm mùa hè năm ấy.
...Và khi xem hết phim “Mùi cỏ cháy”, không hiểu sao trong tâm trí tôi cứ luẩn quẩn cái bóng vươn cao của cây bạch đàn trong nắng chiều Quảng Trị - thứ cây mà người lính trẻ trong phim trước giờ ra trận đã ước được trồng trên mộ mình nếu phải hy sinh cùng câu thơ: Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy thép gai dài/ Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/ Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn... trong bài “Phương ấy” của đồng tác giả kịch bản bộ phim - nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Thập Tam trại, đầu hè năm 2017
NGÔ VĨNH BÌNH