Trong số 4 Mặt trận: 479, 779, 979 và 579 tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia thì Mặt trận 579 do Quân khu 5 chịu trách nhiệm có địa hình vô cùng khắc nghiệt. Đây cũng là nơi Pôn Pốt đặt căn cứ chỉ huy đầu não, nơi có dãy Đăng Rếch chạy dài gần 1.000km, thành trì của chúng. Vì thế có hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 5 đã hy sinh. Là lần hội ngộ đông đủ nhất sau khi rút quân về nước nên buổi gặp đã kéo dài hơn cả dự kiến. Ngài Huốt Xiêng trở thành tiêu điểm khi lên phát biểu gần một tiếng đồng hồ có lúc bằng tiếng Khơ-me, có lúc bằng tiếng Việt. Không ít lần ông phải dừng lại vì nghẹn ngào. Ông kể về những hy sinh quá lớn của Mặt trận 579; kỷ niệm sát cánh cùng Bộ đội tình nguyện Việt Nam chống lại Pôn Pốt. Ông cảm ơn những năm tháng được chuyên gia Mặt trận 579 dìu dắt, giúp ông từ chiến sĩ trở thành tướng lĩnh. Bằng tiếng Việt rất rành rọt, ông khẳng định: “Nhân dân Cam-pu-chia mãi mãi biết ơn Mặt trận 579. Không có Mặt trận 579 không có ngày giải phóng Cam-pu-chia...”. Mọi người vỗ tay hồi lâu trước tình cảm chân tình của vị tướng nước bạn.

leftcenterrightdel
Các tướng lĩnh, sĩ quan Bộ tư lệnh Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Cam-pu-chia với các cựu chiến binh Quân khu 5 (tháng 12-2014). Ảnh: HỒNG VÂN

Chớp lấy câu nói này như một điểm nhấn xuyên suốt, tôi có ngay bài đăng trên Báo Công an Đà Nẵng ngày hôm sau với tít: “Không có Mặt trận 579 không có ngày 7-1”. Tít này để trong ngoặc kép và trong bài có nêu dẫn câu nói đó từ ngài Huốt Xiêng. Để tránh sai sót vì đây là bài viết liên quan đến quan hệ quốc tế, tôi đã đưa cho Trung tướng Nguyễn Trung Thu, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 579 đọc và duyệt rất kỹ. Bài vừa mới đăng đã tạo ấn tượng với bạn đọc. Các cựu chiến binh từng ở chiến trường K và cả những bạn đọc trẻ đều khen bài viết đã làm cho họ thêm tự hào về tình đoàn kết hai nước. Một ngày sau khi đăng tải trên mạng, đã có gần 1.000 lượt người truy cập. Đoàn Cam-pu-chia khi biết có bài báo đã nhờ thủ trưởng Thu giúp cho họ mỗi người có một tờ. “Vốn liếng” tôi chỉ có 3 tờ mua ngày trước dự định tặng bạn tượng trưng. Để có 11 tờ theo yêu cầu, tôi phải đến tòa soạn, nhờ anh Sinh, thư ký “vét” hết báo lưu của phóng viên. Mệt một chút nhưng cũng thật vui. Bởi tôi biết, bài báo dẫu chỉ 1.200 chữ thôi, nhưng sẽ góp phần là cầu nối trong quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.

Được bạn quan tâm đến thế, nhưng bài báo khiến tôi gặp rắc rối không nhỏ. Đó là có một vài cựu chiến binh (hầu hết là những người không dự gặp mặt) nói với thủ trưởng hiện nay của tôi rằng đặt tít như vậy là không đúng, quá đề cao Mặt trận 579. Tôi giải thích đây là tít trong ngoặc kép, trích lời ngài Phó tư lệnh Lục quân Cam-pu-chia nói trước 700 người. Ngày 22-12-2014, khi đoàn quân sự Cam-pu-chia dự Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Nhà văn hóa Quân khu 5, tôi giãi bày tít gây tranh cãi. Đại tướng Huốt Xiêng nói rằng, ông đã đọc bài viết. Bài hoàn toàn đúng sự thật như những gì ông nói. Chiến thắng ngày 7-1 là xương máu của nhiều mặt trận, của nhân dân Cam-pu-chia. Ai cũng biết điều đó. Nhưng chúng ta đang kỷ niệm 35 năm Mặt trận 579 thì chỉ đề cập đến 579 thôi. Nếu các mặt trận khác gặp mặt và nói rằng: “Nếu không có…” thì cũng là điều bình thường.

HÀ MY