Năm 1970, ông làm Tư lệnh Sư đoàn 304, chiến đấu ở Mặt trận Trị Thiên. Có lần, ông dẫn đoàn cán bộ đi kiểm tra địa hình để bố trí lực lượng, thế trận. Tư lệnh Hoàng Đan hiểu rõ, thời điểm này, trình độ đọc bản đồ và xác định trên thực địa của cán bộ chưa thạo, nếu giao nhiệm vụ trên tọa độ bản đồ có khi sai lệch, vì vậy, ông yêu cầu cơ quan tham mưu đi theo ghi chép cụ thể những chỉ lệnh của ông. Khi qua một cánh rừng, ông bảo dừng lại “để tôi đi tiểu”. Tiếp đến, vượt qua dãy núi, ông bảo dừng lại “tôi đi đại”, rồi tiếp tục đi. Khi đến một con suối, ông bảo “tôi tắm cái đã”. Mấy ngày sau về vị trí tập kết họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị, ông tuyên bố: Tôi yêu cầu bố trí: Trung đoàn 24 xung quanh chỗ tôi đi tiểu; Trung đoàn 66 chỗ tôi đi đại; còn Trung đoàn 9 là chỗ tôi tắm. Mọi người nhận nhiệm vụ hiểu ngay và khi đưa bộ đội vào bố trí lực lượng chính xác theo ý đồ chiến thuật của sư đoàn.
Lần khác, khi các đơn vị chuẩn bị bước vào chiến dịch mới, Tư lệnh Sư đoàn 304 Hoàng Đan thông báo gửi quà cho Đại đội Cao xạ 16 một xe hàng và yêu cầu chỉ được mở trước lúc vào chiến dịch. Anh em bộ đội đinh ninh là quà, kiểu gì cũng là thuốc lá, bánh kẹo, lương khô… Nhưng khi mở ra thì lại là một xe đầy cuốc, xẻng. Lúc này, anh em mới hiểu ý của tư lệnh muốn nhắc nhở bộ đội rằng, muốn đánh thắng địch phải bảo toàn lực lượng, muốn bảo toàn lực lượng phải có công sự vững chắc. Đây là một bài học kinh nghiệm mà người cầm quân cần phải thực hiện. Đại đội trưởng Đại đội Cao xạ 16 ngày ấy là đồng chí Bùi Trung Thành luôn tâm niệm bài học đó và ông đã cho các chiến sĩ của mình làm công sự vững chắc, đào hầm đầy đủ. Chính nhờ đó mà trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đại đội do ông chỉ huy đã hạn chế được thương vong, bảo đảm lực lượng để trụ vững và chiến đấu đến khi có lệnh rút khỏi Thành cổ. Đại đội trưởng Bùi Trung Thành sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân nhờ thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu.
THANH TUẤN