QĐND - Nằm trên điểm cao 468 ở lưng chừng núi Nậm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên như đài hương giữa trời mây trắng. Được khánh thành ngày 25-6-2016, công trình đã trở thành địa chỉ lịch sử-văn hóa góp phần tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nhà tưởng niệm. Ảnh: Xuân Lộc.

Nậm Ngặt cách thành phố Hà Giang hơn 20km đường bộ nhưng chặng đường từ xã Thanh Thủy đến Nậm Ngặt là một con đường mòn bám vào vách núi dựng đứng. Nhà tưởng niệm được xây dựng tại điểm cao 468 thuộc thôn Nậm Ngặt, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Công trình do Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Mặt trận Vị Xuyên làm chủ đầu tư, 100% vốn được kêu gọi, quyên góp từ các nhà hảo tâm trong cả nước. Công trình được xây dựng với diện tích hơn 1.100m2, trong đó có một nhà tưởng niệm, đường dẫn lên nhà bia “Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”, nhà sắp lễ... và các công trình phụ trợ. Được khởi công từ tháng 7-2015, sau gần một năm xây dựng gấp rút, ngôi nhà chung cho các anh hùng liệt sĩ được hoàn thành trong sự xúc động của các cựu chiến binh, nhân dân và chính quyền địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, khẳng định: Đây là công trình rất có ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho hế thệ hôm nay và mai sau về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Công trình hoàn thành là nơi để các đồng đội, thân nhân các đồng đội và nhân dân cả nước tưởng nhớ đến công ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Đặc biệt, công trình còn là nguồn động lực giúp tỉnh Hà Giang nói chung và xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên nói riêng thực hiện tốt các mục tiêu phát triển khu kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch tâm linh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

CCB Hoàng Thế Cương, nguyên Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 356, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn tại tỉnh Hà Giang bày tỏ: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của quân đội về với đời thường, cho dù còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng hằng năm, anh em đồng đội may mắn còn sống lại trở về đây để thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Khi bắt đầu có dự án xây dựng đài hương tới lúc khởi công công trình, các CCB ở Mặt trận Vị Xuyên đã góp sức, góp công đi vận động, quyên góp để xây dựng nhà tưởng niệm. Đặc biệt, người góp công lớn nhất trong việc hoàn thành công trình này là CCB Nguyễn Công Chiến, trước thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng, quê ở thôn Trùng Quán, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) đã ủng hộ xây dựng Nhà tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Có thể nói, đền tưởng niệm được khánh thành trong niềm vui, tự hào trân trọng nhưng hết sức bùi ngùi xúc động của anh em chúng tôi, là nơi cho anh em đến hẹn lại lên với nhau, hương khói cho nhau”.

Từng có những năm tháng trong quân ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã về đây thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Khuôn mặt vẫn chưa hết xúc động, ông chia sẻ: “Khánh thành nhà tưởng niệm là việc làm thiết thực tri ân những anh hùng liệt sĩ và làm ấm lòng những người ở lại. Tôi mong muốn chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về trong vòng tay gia đình, đồng đội. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải làm tốt công tác giáo dục để thế hệ trẻ luôn trân trọng xương máu của thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đứng trên đài hương nhìn xuống, thung lũng Nậm Ngặt xanh ngát màu xanh của cây cối, lác đác những nếp nhà sàn êm ấm, yên bình. Dưới chân núi, dòng suối Thanh Thủy lặng lờ trôi. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc đã phủ lên mảnh đất từng một thời bom đạn, đau thương này.
VÂN HƯƠNG