Một trong những di tích mang dấu ấn của biệt động Sài Gòn là hầm chứa vũ khí bí mật giữa lòng thành phố. Di tích khẳng định bản lĩnh, tài trí và sự cống hiến của những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan nghe giới thiệu căn hầm bí mật của biệt động Sài Gòn.

Chúng tôi cùng đoàn du khách dừng lại trước tấm biển ghi Di tích Lịch sử-Văn hóa hầm chứa vũ khí bí mật của biệt động Sài Gòn, trong con hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Hòa, cựu chiến sĩ biệt động, ngụ tại quận Thủ Đức, căn hầm nằm trong ngôi nhà của ông Trần Văn Lai (còn gọi là Năm Lai, Năm U-SOM), Anh hùng LLVT nhân dân, thành viên đơn vị Biệt động 159 khu Sài Gòn - Gia Định, trong vỏ bọc là “nhà tư sản” Mai Hồng Quế, chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập. Năm 1967, để chuẩn bị cho kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Bộ chỉ huy Phân khu 6 (Đặc khu Sài Gòn-Gia Định) chỉ đạo lực lượng biệt động xây dựng các hầm bí mật trong nội thành để giấu vũ khí và ém quân. Theo sự thống nhất của chỉ huy đơn vị Biệt động 159, ông Năm Lai mua căn nhà này để thuận tiện cho thực hiện nhiệm vụ. Lấy cớ sửa nhà cần làm công trình vệ sinh và hệ thống thoát nước, ông Năm Lai đưa vợ con về Gò Vấp, một mình ông ở lại, bắt đầu thực hiện kế hoạch đào hầm. Ban ngày, ông vẫn vào Dinh Độc Lập nhận thầu, kiểm tra công việc; đêm về ông hì hục đào từng xẻng đất đổ vào thùng carton, rồi đưa lên ô tô chở ra tận Bình Chánh để bọn địch không phát hiện. Cứ thế, sau 7 tháng kiên trì, cần mẫn, căn hầm đã hoàn thành, lúc đầu dài 2m, rộng 1,2m, cao 2,5m và có 4 cửa thoát hiểm, là những khung tròn trên vách được nối với đường ống thoát nước, đủ cho một người chui vào. Vách và nền hầm được trát xi măng khá dày để không bị thấm nước. Nắp hầm bố trí gần cầu thang và được ngụy trang khéo léo bởi 6 viên gạch lót sàn. Nhìn qua, không ai biết đây là nắp của căn hầm bí mật.

Nhiệm vụ bước đầu đã hoàn thành, nhiệm vụ tiếp theo không kém phần khó khăn là vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc nổ từ ngoại thành về cất giấu trong hầm chuẩn bị cho tổng tiến công. Một lần nữa, “vỏ bọc” nhà tư sản Mai Hồng Quế lại giúp ông Năm Lai vượt qua mọi tầm kiểm soát của địch. Sau khi liên hệ với lực lượng của ta, thống nhất thời gian, địa điểm nhận vũ khí vào lúc nhá nhem tối, ông Năm Lai bắt đầu dùng xe ô tô chở vũ khí, thuốc nổ về nhà, đưa xuống hầm cất giấu. Để che mắt địch, ông và đồng đội đã moi rỗng những tấm ván, nhét vũ khí vào trong; dùng những tấm cót cuộn lại, bên trong chứa đạn dược. Cũng có khi ông dùng sọt đựng thuốc nổ, bên trên xếp đầy trái cây… Với phương pháp vận chuyển bí mật đó, ông Năm Lai đã chở 3 xe ô tô vũ khí, đạn dược, tổng cộng gần 3 tấn từ Củ Chi về nội ô cất giấu. Bọn địch không hề nghi ngờ, tưởng đó là vật liệu ông mua về sửa nhà. Nhờ đó, hầm vũ khí đã được giữ bí mật, để chiều Mồng Một Tết Mậu Thân 1968, các chiến sĩ Đội 5 biệt động Sài Gòn-Gia Định đã lấy vũ khí, bốc xếp thuốc nổ lên xe ô tô, bất ngờ tấn công Dinh Độc Lập. Mặc dù trận đánh không thành công nhưng khiến quân địch hoang mang, lo sợ, bởi Dinh Độc Lập không phải là nơi bất khả xâm phạm.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, căn nhà được trả lại cho ông Năm Lai. Sau đó ông bàn giao căn nhà cho Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh với mong muốn nơi đây trở thành địa chỉ đỏ để tham quan, học tập, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bộ tư lệnh Thành phố và các cấp, ngành liên quan đã đề nghị và được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định công nhận căn nhà là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, năm 1988. Cũng từ đó, ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh đã triển khai trông coi, tu sửa, quản lý di tích trên cơ sở thống nhất bảo tồn nguyên trạng phục vụ khách tham quan. Toàn bộ hệ thống vũ khí, đạn dược sau khi đã xử lý chuyên môn để bảo đảm an toàn vẫn được cất giữ dưới hầm, gắn sau tấm gỗ như lúc ban đầu… Bà Nguyễn Thị Hương, người trông coi di tích hầm vũ khí cho biết: Trước kia ít người biết đến căn hầm này vì nó nằm trong hẻm nhỏ, lại bị lấn chiếm gần hết mặt tiền để bán hàng nên mỗi năm chỉ có khoảng 2.000 lượt khách tham quan. Ba năm nay, nhất là dịp gần đây, di tích được sửa sang, trang trí khá nổi, đường đi lại thông thoáng nên khách đến thăm đông hơn. Các đoàn học sinh, sinh viên được tổ chức chặt chẽ, có đoàn còn mời cả nhân chứng lịch sử tham gia trận đánh Dinh Độc Lập dịp Tết Mậu Thân 1968 giới thiệu căn hầm và kể lại trận đánh năm xưa. Đó là hình thức giáo dục truyền thống sinh động, hiệu quả, phát huy tốt giá trị di tích lịch sử để bồi đắp lý tưởng, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay.

Bài và ảnh: YẾN LONG