Đoàn công tác đặc biệt

Tháng 5-2017, dự Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559, chúng tôi được gặp các nhân chứng cũng như tiếp cận với nhiều tài liệu quý. Từ đây, những tháng ngày xoi đường, mở con đường xuyên rừng, vượt núi của các thế hệ Bộ đội Trường Sơn dần được tái hiện.

Đầu tháng 5-1959, Thượng tá Võ Bẩm, 43 tuổi, nhận điện triệu tập vào gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh. Tại đây, ông được thông báo sẽ làm Đoàn trưởng cùng các đồng chí: Nguyễn Thạnh, Đoàn phó; Nguyễn Chương, phụ trách công tác bảo vệ và các trợ lý: Lê Trọng Tâm, Huỳnh Chuân, Phạm Tề, Huỳnh Thường, Nguyễn Biên, Phạm Công Chuyên... chuẩn bị tổ chức lực lượng, gọi là đoàn công tác quân sự đặc biệt, mở một con đường trên dãy Trường Sơn làm nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho miền Nam tiến hành chiến tranh giải phóng. “Dường như sợ ba không ý thức hết tầm quan trọng của nhiệm vụ, Thứ trưởng Vịnh nhắc đi nhắc lại rằng đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị, là việc lớn rất khó khăn và tuyệt mật. Bác Vịnh yêu cầu ba dự kiến lực lượng cũng như các công tác bảo đảm để nhiệm vụ chắc chắn thành công bởi sau lưng ba là cả hậu phương miền Bắc”-Thiếu tướng Võ Bẩm đã từng tâm sự với con trai, kiến trúc sư Võ Kim Cương.

leftcenterrightdel
Một xưởng sửa chữa xe ở Trường Sơn. Ảnh tư liệu 

Võ Kim Cương bấy giờ là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được nghỉ học về Hà Nội. Ông Cương cho biết: “Ban đầu, tôi không hiểu sao ngày nào cũng có rất nhiều người gửi thư cho ba. Một lần tôi tò mò đọc trộm vài bức thư trên bàn làm việc của ba mới biết đó là thư của các chú bộ đội miền Nam tập kết ở nhiều đơn vị gửi về. Họ nghe nói ba chuẩn bị dẫn đoàn vào Nam nên gửi thư xin được đi chiến đấu. Trong những ngày bàn kế hoạch, các chú: Thạnh, Chương, Tâm... thường ở lại nhà tôi ăn nghỉ, sinh hoạt luôn”.

Ngày 19-5-1959, Bộ Quốc phòng chính thức phổ biến nhiệm vụ: Mở đường, vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại; vận chuyển và bảo đảm hậu cần cho Đoàn chuyên gia 959 giúp bạn ở mặt trận Hạ Lào. Đồng chí Võ Bẩm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn. Do hôm ấy cũng là sinh nhật Bác Hồ nên đoàn công tác quân sự đặc biệt lấy tên là Đoàn 559, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Kể lại lần được gặp Bác Hồ trước hôm lên đường, trong hồi ký, đồng chí Võ Bẩm viết: “Tôi báo cáo chi tiết ý định mở tuyến, từng trục dùng cho xe đạp thồ, các cung đường giao liên cho Bác nghe. Biết tôi từng nhiều lần ra Bắc, vào Nam, Bác hỏi kỹ và chăm chú lắng nghe. Khi tôi kể về cuộc sống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều tuy thiếu cơm, lạt muối, không áo quần, nhưng từ cụ già đến cháu bé đều tham gia cảnh giới, khuân vác, bảo vệ bộ đội, Bác rất xúc động. Sáng 11-6-1959, lời dặn “Bí mật, bí mật và bí mật” của Người tôi đã truyền đạt đến các chiến sĩ đầu tiên chuẩn bị vượt Trường Sơn”.

Những tháng ngày khai mở

Ngay trong tháng 6-1959, đồng chí Võ Bẩm vào Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chủ trì cuộc họp bàn cụ thể việc mở đường vào Nam với đại diện Khu 5 và Trị Thiên. Cuộc họp quyết định đề đạt lên Bộ Chính trị cho Đoàn chuyển hàng vào sâu hơn ý định ban đầu là qua sông Bến Hải. Khi được trên chấp thuận, Đoàn tổ chức ngay đội khảo sát mở tuyến do Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy. Sau khi khảo sát xong, việc vận chuyển gấp rút được tiến hành. 20 tấn vũ khí là chiến lợi phẩm trong kháng chiến chống Pháp được bao gói cẩn thận, bí mật chuyển tới nơi tập kết tại khu rừng gần Khe Hó (thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh). 

Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1927, sống tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), nguyên chiến sĩ trinh sát và bảo vệ của Đoàn, tự hào kể: “Những ngày ấy, thay cho trang phục bộ đội, chúng tôi đều mặc bà ba đen, đi dép lốp, thay ba lô bằng gùi mây. Tôi cùng các đồng đội đốn tre, dựng nhà làm Trạm 1 của đường Trường Sơn tại Khe Hó, một địa điểm ở sâu trong rừng, giữa thung lũng hẹp phía Tây Nam Vĩnh Linh, thượng nguồn sông Rào Thanh (sông Bến Hải). Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm băng rừng lội suối, chúng tôi đã đưa hàng an toàn vào đến Tà Riệp (Bắc A Lưới, Thừa Thiên Huế ngày nay) sau đó bàn giao cho Khu 5”.

leftcenterrightdel

 Đồng đội tưởng nhớ Đoàn trưởng Võ Bẩm tại quê nhà Quảng Ngãi, năm 2017. Ảnh: TIẾN ÍCH

Cho đến cuối năm 1959, bộ đội Đoàn 559 đã vận chuyển cho Khu 5 và Trị Thiên được gần 2.000 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn, hàng nghìn quân cụ; đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ (chủ yếu là cán bộ đại đội, trung đội) theo tuyến giao liên vào chiến trường. Trải qua thời gian đầu với gần hai mùa khô và một mùa mưa ở Trường Sơn, Đoàn 559 đã thiết lập được tuyến giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm cây số qua những địa hình vô cùng hiểm trở và bị kẻ thù đánh phá ác liệt. Sau này, trong nhiều cuộc nói chuyện, đồng chí Võ Bẩm nhận định, so với yêu cầu của chiến trường, giai đoạn đầu Đoàn 559 còn vận tải quá ít, nhưng đó là bệ phóng quan trọng cho việc hình thành hệ thống đường chiến lược lớn mạnh về sau. 

Thực tế, nhờ được chi viện, quân và dân Khu 5 đã đánh thắng nhiều trận giòn giã, bất chấp việc kẻ thù phát hiện, tổ chức đánh phá con đường vận chuyển mới hình thành của ta. Chúng mở hai đợt Chiến dịch “Hoành Sơn” nhằm chia cắt, xóa sổ tuyến giao liên chiến lược khiến ta không thể vận chuyển trên tuyến đường cũ. Trước tình thế này, chỉ huy Đoàn 559 quyết định mở tuyến mới. Nhiều lực lượng được cử đi khảo sát xoi đường ở tuyến Đông Trường Sơn nhưng không có kết quả. Với cương vị là Đoàn trưởng, đồng chí Võ Bẩm đã cùng các cộng sự của mình quyết tâm nghiên cứu giải quyết khó khăn.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Thắng kể chuyện chiến đấu. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Tháng 8-1960, ông chỉ đạo tổ chức khảo sát dọc tuyến biên giới Việt-Lào, vừa tìm đường mới, gây dựng cơ sở, vừa cố gắng khôi phục lại đường cũ và áp dụng những hình thức chiến thuật vận chuyển linh hoạt. Đến đầu tháng 5-1961, một tuyến đường giao liên mới được hình thành ở phía Tây Trường Sơn bên lãnh thổ Lào. Đây là vùng đất mà lâu nay ta giúp bạn xây dựng cơ sở, bắt đầu từ Vít Thù Lù (phía Tây Quảng Bình), qua biên giới sang bản Tà Ha (cao điểm 1034) thuộc đất bạn, vượt sông Sê Pôn (tại khu vực bản Keng) qua Sa Đì, Mường Noòng vào tới La Hạp. “Nhờ có tuyến đường mới này, từ những năm 1965-1966, việc chi viện cho miền Nam có điều kiện mở rộng quy mô. Cánh lái xe chúng tôi có thêm lựa chọn chuyển hướng đi, vòng tránh được các thủ đoạn phá hoại của địch. Chúng phá đường này, ta lại mở đường khác. Cả Trường Sơn là chiến trường, cũng là công trường lớn luôn sôi động ngày đêm”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn nói. 

Lửa Trường Sơn cháy mãi     

Những năm tháng sau này, từ thế độc tuyến, Bộ đội Trường Sơn còn mở thêm một số đường mới như các đoạn của tuyến giao liên Tây Trường Sơn phát triển thành Đường 16; Đường 129 dài gần 200km, từ Lằng Khằng băng qua nhiều cánh rừng, sông, suối như Sê Băng Hiêng, Sê Băng Phai vào đến Pác Pha Năng, nối thông với Đường 9 ở Mường Phìn (Lào) hay đường kín 24...

Sau khi khai thông Đường 20 Quyết Thắng, đồng chí Võ Bẩm được lệnh rút ra Hà Nội để chữa bệnh. Tiếp tục xây dựng, phát triển đường Trường Sơn là những tướng lĩnh lãnh đạo, chỉ huy ở những thời kỳ khác nhau như: Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện, Đồng Sỹ Nguyên, Đặng Tính, Nguyễn Đôn, Vũ Xuân Chiêm, Hoàng Thế Thiện... Qua 16 năm hoạt động, Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành hệ thống gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang trên tổng chiều dài hàng chục nghìn ki-lô-mét, 500km tuyến đường sông, hơn 1.400km đường ống xăng dầu, như một “trận đồ bát quái” phủ kín dãy Trường Sơn, xuyên 3 nước Đông Dương. “Và để nối tiếp truyền thống anh hùng, tương thân tương ái của Bộ đội Trường Sơn năm xưa, Hội Trường Sơn đã được thành lập ngày 13-5-2011 theo quyết định của Bộ Nội vụ. Hiện nay, Hội quy tụ hơn 33.000 hội viên, hoạt động trên tinh thần dân chủ, tự nguyện. Hội là nơi tập hợp, đoàn kết hội viên, giữ gìn, phát huy truyền thống, bảo vệ di sản Trường Sơn; tổ chức và phối hợp các hoạt động tri ân nghĩa tình, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước”, Thiếu tướng Võ Sở tự hào cho biết.

leftcenterrightdel
Bộ đội theo đường giao liên vượt Trường Sơn vào miền Nam. Ảnh tư liệu 

Những năm qua, Hội Trường Sơn đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, quyên góp được số tiền, hiện vật lên tới hơn 200 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí ấy, không thể kể hết các công trình tri ân, những việc làm nghĩa tình mà Hội đã làm được, như: Trao gần 2.500 nhà tình nghĩa; 4.000 sổ tiết kiệm (3-5 triệu đồng/sổ), hơn 1.500 suất học bổng... tới tận tay các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi. Đặc biệt, Phong trào “Tỏa sáng Trường Sơn”, “Hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi”... giúp hàng trăm gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng được nhân rộng tại 100% tỉnh, thành phố có hoạt động Hội. Ghi nhận kết quả hoạt động thiết thực của Hội Trường Sơn, Chủ tịch nước đã hai lần trao Huân chương Lao động tặng Trung ương Hội. Nhiều tập thể, cá nhân trong Hội được Nhà nước, Chính phủ và các cấp tặng bằng khen, giấy khen.

DANH BÌNH-ĐẶNG SƠN