Trong gian phòng trang trọng trên tầng 3 của bảo tàng, khách tham quan xúc động chiêm ngưỡng không gian trưng bày Di chúc Hồ Chí Minh với những hiện vật “biết nói” về quá trình viết tài liệu “tuyệt đối bí mật” được Người cẩn trọng viết tay, đánh máy và chỉnh sửa trong các năm 1965, 1968 và 1969.

Không gian Di chúc Hồ Chí Minh nằm trong tổ hợp gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong 9 cụm trưng bày của bảo tàng. Bên cạnh các tài liệu, hiện vật trưng bày ở phần này là những hình ảnh mô phỏng sinh động về Người. Chính giữa, phía trên là ngôi đền thờ tượng trưng được dựng theo kiến trúc cổ đình chùa Việt Nam với các chất liệu dân tộc và vòm mái cong. Phía sau đền thờ tượng trưng miêu tả cảnh trời thu Hà Nội những ngày đầu tháng 9-1969, bầu trời xanh với những giọt nước mưa không ngớt. Chị Trần Hằng Nga, thuyết minh viên của bảo tàng cho biết: “Đó là vì ngày 2-9-1969, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và 5 ngày đêm tiếp đó, trời Hà Nội mưa không ngớt”. Phía bên phải của đền thờ tượng trưng này, bên những dải băng tang được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới là những dải kim loại dát mỏng tượng trưng cho những dòng nước mắt. Và suốt theo bức tường là những vòng hoa được nghệ thuật hóa, tượng trưng cho hàng nghìn vòng hoa được gửi đến Hà Nội trong những ngày diễn ra Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt thu hút sự quan tâm của khách tham quan ở tổ hợp trưng bày này là hình ảnh Bác Hồ đang ngồi đánh máy văn kiện cuối cùng trong cuộc đời được tái hiện trong không gian 3D, có cả tiếng chim hót, tiếng máy chữ lách cách khiến người xem như được chứng kiến khoảnh khắc bình dị mà thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc.

leftcenterrightdel
Hình tượng “Bác Hồ đánh máy Di chúc” trong không gian Di chúc Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: TUẤN TÚ.

Ngược dòng lịch sử trở lại thời điểm 50 năm về trước, hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp chiều 3-9-1969 đã giao cho Bộ Chính trị trách nhiệm công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc được công bố chính thức chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó có một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết năm 1968 và năm 1969. Bản Di chúc được công bố năm 1969 có đề ngày 10-5, gồm 4 trang in khổ 14,5x22cm. Hiện nay, Di chúc gốc được Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng bảo quản, lưu giữ “tuyệt đối cẩn trọng”. 

Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, nếu nói về hình thức văn bản thì bản Di chúc Bác viết năm 1965 đã hoàn thành. Nhưng cũng giống như 3 văn bản cực kỳ quan trọng viết trong những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử đất nước là: Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước năm 1966, thì cứ còn thời gian là Bác lại lấy tài liệu “tuyệt đối bí mật” ra sửa chữa, thêm bớt. Do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Di chúc và điều kiện bảo quản không cho phép nên không thể đưa ra trưng bày bản Di chúc gốc. Chính vì vậy, quá trình sưu tầm hiện vật, lên ý tưởng trưng bày, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, các cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thành công trong việc lựa chọn giải pháp trưng bày hình ảnh nội dung các bản viết và đưa toàn bộ vào không gian trưng bày hợp lý, hấp dẫn. Ngoài ra, nội dung Di chúc đã được dịch từng phần sang tiếng Anh, tiếng Pháp để khách nước ngoài tiện tham quan, tìm hiểu.

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19-5-1990, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang quản lý hơn 170.000 tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, số lượng tài liệu, hiện vật giấy chiếm một tỷ lệ đáng kể. Ngoài ra, bảo tàng còn có một kho tư liệu ảnh đồ sộ với hơn 36.000 phim, ảnh gốc, chủ yếu được chụp từ sau năm 1945 đến khi Người qua đời. Phần lớn những tài liệu, hiện vật và phim, ảnh này được Văn phòng Phủ Chủ tịch chuyển giao cho bảo tàng từ những năm 70 của thế kỷ 20. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di chúc Bác Hồ đã được các nhà khoa học và các nhà bảo tàng học xác định là một trong những tài liệu trọng tâm, cần được nghiên cứu sâu cả về nội dung và hình thức văn bản để có giải pháp trưng bày phù hợp. Khảo sát thực tế trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, khách tham quan thường dành thời gian dừng lại ở không gian Di chúc Hồ Chí Minh lâu nhất trong lộ trình của mình”.   

NGỌC MAI