Bức thư nhuốm màu thời gian

Đến ngõ 379 phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội), tôi không phải hỏi thăm lâu vì dường như ai cũng biết bà. Trước kia, bà có quán nước ở đầu ngõ, nhưng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán nước phải đóng cửa. Cuộc sống đang bình thường trở lại, bà mới kê tạm cái bàn nước bên hiên nhà...

leftcenterrightdel

Lá thư anh lính Mai Huy Hoàn gửi cho người yêu từ chiến trường được bà Mão cất giữ. Ảnh: KHÁNH AN

Vốn không muốn nhắc lại chuyện xưa, nhưng trước sự thuyết phục kiên trì của tôi, bà mới lấy ra một số kỷ vật. Ngoài bức ảnh đen trắng kiểu “truyền thần” chân dung một người lính, có một lá thư đã mờ nhòe nét chữ do dấu vết của thời gian cùng những dòng gạch xóa. Bà phân bua: “Những dòng gạch xóa này là tôi gạch đấy. Ngày ấy “cổ điển” thế đấy cô ạ. Thấy anh ấy viết từ nào hơi tình cảm một tí là xấu hổ xóa đi!”. Ngoài những chỗ bị gạch xóa hoặc mờ nhòe, tôi đọc được những dòng chữ mảnh và khá đẹp bằng mực bút bi: “Do điều kiện chiến tranh nên khó khăn về cả mặt tình cảm, giấy tờ mực bút nên thư viết vô cùng khó xem. Em thông cảm cho anh... Mong thư em nhiều!”.

Đây là một trong số ba bức thư anh lính Mai Huy Hoàn gửi về cho người yêu trên đường hành quân vào chiến trường. Kèm theo lá thư là một lọn tóc quấn chặt bằng chỉ trắng, như lời hẹn thề chung thủy trọn đời với tình yêu. Có lẽ anh đã nghĩ thế khi cắt lọn tóc của mình gửi về hậu phương. Còn bà, đã nghĩ ngay đến “điềm gở” khi nhận được nó: “Sao anh ấy không quấn bằng chỉ màu mà lại chỉ trắng. Nhỡ đâu!”. Và dòng hồi ức đưa bà trở về cái tuổi 15 trong trẻo...

Day dứt đợi chờ

Năm 1964, Mai Thị Mão mới học lớp 8, buổi sáng đi học, chiều về phải phụ giúp mẹ cha việc đồng áng. Mão nào đã nghĩ đến chuyện tình yêu nam nữ. Thế nên cô hoàn toàn bất ngờ khi gia đình anh Mai Huy Hoàn, người cùng xã Vũ Hội (Vũ Thư, Thái Bình), hơn cô 3 tuổi, đánh tiếng với bố mẹ xin cô về làm dâu. “Còn trẻ con nên chúng tôi vẫn xưng hô mày-tao và chơi đủ trò nghịch ngợm với chúng bạn trong xóm. Chả biết lại bị “để ý” lúc nào”, bà Mão kể.

Rồi gia đình vun vén, cha mẹ cũng khuyên bảo, hai gia đình đã làm lễ ăn hỏi cho hai người. Ngày ấy, Mão đã để ý gì đâu. Nghĩ đám hỏi cũng chỉ là chuyện bình thường để hai gia đình đi lại. Chỉ đến khi lên lớp bị bạn bè trêu chọc, cô mới thấy mình "dại" quá. Cô ấm ức muốn bỏ học, anh Hoàn phải dỗ dành và động viên mãi.

Cuối năm 1964, Mai Huy Hoàn xung phong nhập ngũ dù thuộc diện không phải đi bộ đội vì có hai anh trai đang ở chiến trường. Ngày lên đường, anh hẹn cô ra bụi tre đầu làng để chào từ biệt nhưng Mão không dám đến. Anh gửi tặng cô quyển sổ nhật ký qua người bạn học, Mão cũng chẳng dám mở ra xem. Mãi sau này, cô mới biết anh đã viết: "Anh chỉ muốn ở bên Mão, hằng ngày nhìn thấy em và không tưởng tượng nổi thiếu vắng em sẽ như thế nào, nhưng anh phải đi chiến đấu chống kẻ thù xâm lược".

leftcenterrightdel
 Di ảnh liệt sĩ Mai Huy Hoàn. Ảnh chụp lại

Đóng quân ở Thái Nguyên, thứ bảy nào anh cũng viết thư cho cô. Trong thư, anh hầu như chỉ nói chuyện “chính trị”, khuyên cô phải học tập thật tốt chứ ít khi nhắc chuyện tình cảm. Còn Mão thì vô tư coi anh như người bạn. Có viết thư trả lời anh cũng vẫn xưng hô mày-tao. Rồi một ngày, đang phục vụ cho Đại hội Đảng bộ xã thì người anh họ đến báo tin, Hoàn đang chờ cô ở nhà văn hóa thôn. Mão không thể ngờ đó là lần gặp cuối của hai người, khiến cô cả đời day dứt...

“Khi tôi đến thì anh Hoàn đã ở đó. Anh bảo, lần về phép này anh muốn cưới tôi. Còn tôi thì kiên quyết trả lời anh: Em mới 17 tuổi, còn đang đi học nên chưa muốn kết hôn. Trò chuyện hồi lâu chẳng thuyết phục được tôi, anh nói để anh đưa tôi về. Chẳng hiểu sao ngày ấy mình lại kiêu thế, tôi bảo không cần rồi quay lại nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ xã, bỏ anh lại một mình”, bà Mão nhớ lại.

 Những bức thư anh lính Mai Huy Hoàn gửi về cho người yêu trên đường hành quân vào chiến trường, bà Mão đều lưu giữ cẩn thận. Có bức thư, anh Hoàn gửi về kèm theo một lọn tóc quấn chặt bằng chỉ trắng, như lời hẹn thề chung thủy trọn đời với tình yêu.

Sáng hôm sau, Hoàn lặng lẽ trở về đơn vị. Mão mới biết, có lẽ phút bồng bột, tự kiêu của tuổi trẻ khi không thuyết phục được người yêu khiến anh bỏ dở 10 ngày phép. Mão biết anh giận vì suốt hai tháng sau đó không nhận được thư anh. Chỉ đến khi hành quân vào chiến trường, anh mới gửi thư cho cô. Mão nhận được 3 lá thư rồi bặt tin. Cô thấy ân hận và day dứt vì đã không nhận lời cầu hôn của anh. Kể từ đó, cô quyết tâm chờ anh trở về với suy nghĩ: “Anh đã không tiếc máu xương thì mình tiếc gì công chờ đợi”. Và một lần chờ đợi của Mão là cả đời người...

Tìm anh trở về

Tôi hỏi bà Mão, nhiều năm không có tin tức của người yêu, đến tận khi gia đình nhận được giấy báo tử, biết đích xác ông đã hy sinh, sao bà không gắn bó với một ai đó. Lặng đi một hồi rồi bà kể, vài năm sau khi ông Hoàn đi B, bố mẹ ông có nghe phong thanh chuyện ông hy sinh nên đã gặp bà, khuyên bà đi lấy chồng. Năm 1971, gia đình nhận giấy báo tử và tổ chức lễ truy điệu, bà cũng đến nhà xin đội khăn để tang ông. Sự day dứt, ân hận sao không đồng ý làm đám cưới, để ông được làm chồng và biết đâu sẽ có được đứa con mãi ám ảnh khiến bà không thể yêu ai được nữa. Năm 1973, bà được lựa chọn tham gia xây dựng công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn bó với Viện Khoa học Kỹ thuật Xây dựng (Bộ Xây dựng) đến ngày về hưu. Không lấy chồng, bà dành hết tình thương yêu cho các cháu. Anh cả của bà thoát ly đi xây dựng vùng kinh tế mới có hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi 6 con nhỏ. Bà nhận nuôi 3 cháu, cho ăn học thành tài.

leftcenterrightdel
 

Năm 2004 về nghỉ hưu, bà mở quán nước ở ngõ 379 Đội Cấn và nung nấu ý định đi tìm hài cốt người yêu. Đã nhiều năm, gia đình ông Hoàn cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà mong ước đưa ông trở về chưa thể thực hiện được. Trong 3 lá thư ông gửi về cho bà từ chiến trường thì lá thư cuối cùng ông cho biết đang chiến đấu ở huyện Nông Sơn (Quảng Nam). Đây cũng là lá thư có thông tin hữu ích giúp bà tìm được hài cốt liệt sĩ.

Năm 2015, tích cóp được một số tiền, bà lặng lẽ khăn gói vào Đà Nẵng rồi nhờ người cháu họ đưa vào Nông Sơn, theo những thông tin từ lá thư cuối cùng của người yêu. Sau 5 lần vào ra, được sự giúp đỡ của Ban CHQS huyện Nông Sơn cũng như may mắn tìm được những người đồng đội của liệt sĩ Mai Huy Hoàn, bà và gia đình liệt sĩ đã tìm được nơi chôn cất ông. "Tháng 7-2015, tôi đã đưa được anh trở về với gia đình, hoàn thành nguyện ước của mình", bà Mão trải lòng.

PHẠM THU THỦY