Mùa xuân năm 1974, tôi cùng với một số sinh viên tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm phóng viên mặt trận. Trước ngày tôi lên đường, Mai Ngọc Chừ-người bạn cùng lớp vừa được giữ lại Khoa Ngữ văn làm cán bộ giảng dạy-gửi gắm cho tôi một việc rất đặc biệt. Chừ đưa cho tôi lá thư dán kín và nhờ tôi chuyển tới người có tên Xoan (tên đầy đủ là Đỗ Hồng Xoan) là Bộ đội Trường Sơn ở chiến trường, nhưng không rõ là đơn vị nào và ở đâu, vì hai người đã mất liên lạc kể từ khi Xoan đi B. Chừ tâm sự, Xoan là bạn gái cùng quê Thái Bình. Hai người yêu nhau khi Chừ về làm luận văn tốt nghiệp đại học còn Xoan học lớp 10. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Xoan không đi đại học mà tình nguyện vào bộ đội. Kể từ khi Xoan vào chiến trường, họ không có tin tức gì của nhau. Chiến tranh đã cắt đứt mọi thông tin liên lạc cá nhân giữa người ở hậu phương và người ở tiền tuyến. Họ tin tưởng và đợi chờ nhau chỉ bằng một lời hẹn ước trước lúc chia ly...
Tôi cầm thư nhưng biết rằng hoàn thành việc bạn giao phó là không hề dễ dàng. Ở chiến trường, đi tìm một người không có địa chỉ rõ ràng thì khác nào “mò kim đáy bể”. Dọc đường hành quân từ Khu 4 trở vào, bất cứ nơi nào có bộ đội và thanh niên xung phong, ở trên đường hay các binh trạm, trạm giao liên, tôi đều dừng lại hỏi thăm tin tức của Xoan nhưng không thu được chút thông tin nào dù là mơ hồ nhất. Đến đâu tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu không biết cùng với lời chia sẻ cảm thông.
|
|
Tác giả Lê Ngọc Văn (ngoài cùng, bên phải) tại chiến trường Trung Trung Bộ, năm 1974. Ảnh tư liệu |
Không nản chí, tôi vẫn kiên trì hỏi tiếp bất cứ người nào gặp được trên đường hành quân. Trên vai và bên hông tôi lúc nào cũng đeo lỉnh kỉnh quân tư trang cá nhân của một phóng viên-người lính chiến trường... nặng hơn 20kg. Nhưng lúc này, nỗi buồn vì chưa chuyển được lá thư của Chừ cho người yêu của anh còn nặng trĩu hơn nhiều lần những thứ tôi đeo trên người. Đã có lúc tôi hoang mang chợt nghĩ hay là Xoan đã hy sinh, hoặc may mắn hơn thì bị thương và đã được đưa về tuyến sau chữa trị trước khi ra Bắc an dưỡng. Cho dù có rất ít hy vọng, tôi vẫn luôn cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến.
Đó là một buổi tối khá yên bình. Điểm chúng tôi dừng chân là một binh trạm trong khu rừng được xác định thuộc địa phận A Sầu, A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Cũng như những lần nghỉ chân trước, việc đầu tiên của tôi là tìm đến các đơn vị nữ bộ đội và thanh niên xung phong để hỏi thăm tin tức của Xoan. Người ta nói “quá tam ba bận”, nhưng đây không biết là lần thứ bao nhiêu, có lẽ đã hơn chục cái “ba bận” tôi làm việc này. Vừa lúc đó có một đơn vị bộ đội đi san lấp hố bom trở về doanh trại. Khu rừng chúng tôi dừng chân có rất nhiều lán trại nhưng không ở liền nhau. Cái nọ cách cái kia khoảng chừng 100m, ẩn mình dưới những tán cây xanh. Không chần chừ, tôi bước tới một lán gần nhất có ánh đèn. Trong lán chỉ toàn con gái. Thấy khách lạ đến, các cô ra chào và tranh nhau hỏi thăm, ai cũng mong gặp đồng hương. Cảnh tượng náo nhiệt thường thấy ở các binh trạm mỗi khi có khách ở nơi khác đến là tìm gặp đồng hương. Tôi nói dối mình là người Thái Bình, đang muốn tìm đồng hương tên Xoan. Nếu ở đây có cô nào là Xoan, quê Thái Bình thì cho tôi gặp.
Một cô gái trẻ khoảng 17-18 tuổi, giọng Hà Tĩnh nói như reo lên:
- Chị Xoan cùng đại đội với chúng em.
Cô bên cạnh cũng giọng Hà Tĩnh nhanh nhảu bổ sung:
- Chị ấy ở lán dưới kia, để bọn em dẫn anh đi gặp.
Không thể tin vào tai mình, tôi mừng quýnh lên, cứ lặp đi lặp lại cùng một câu hỏi để xác nhận thông tin vừa nghe: “Thật không? Thật không?”. Dường như không nghe thấy hoặc cho rằng câu hỏi của tôi là thừa, hai cô gái trẻ tíu tít kể về đồng hương. Vừa nói, hai cô vừa dẫn tôi đi loanh quanh trên những lối mòn lên xuống mấp mô, hai bên cây cối um tùm, cuối cùng cũng đến được nơi ở của Xoan. Đó là một cái lán hình chữ nhật rất đơn sơ được dựng lên từ những vật liệu có sẵn trong rừng, chiều dài khoảng 10m, chiều ngang khoảng 3m, vách ngăn bằng tre nứa, trên vách dán rất nhiều tranh, ảnh được cắt ra từ báo, mái lợp bằng lá cọ. Được giới thiệu là đồng hương mới ở Bắc vào, Xoan rất mừng. Cô cũng vừa mới về đến doanh trại, trên người mang bộ kaki màu lục tối, áo chiết ly, ngang hông đeo chiếc thắt lưng to bản, chân đi giày vải cao cổ, mái tóc dài được búi lên thành một đọn tròn phía sau gáy, trông rất gọn gàng, trẻ trung và khỏe khoắn. Cô với lấy bi đông nước treo trên vách nứa cạnh khẩu súng trường, rót ra một chiếc ca sắt tráng men mời tôi uống. Xoan có vẻ đẹp hồn hậu của người con gái quê lúa, người dong dỏng, xinh xắn, khuôn mặt trái xoan. Không biết có phải vì thế mà cha mẹ đặt tên cho cô là Xoan hay không.
Thấy tôi mặc quân phục, lại đeo khẩu súng ngắn K54, Xoan tưởng tôi là sĩ quan quân đội. Tôi liền nói mình không phải sĩ quan mà là phóng viên mặt trận, được trang bị súng ngắn để tự vệ khi cần thiết. Tôi cho Xoan biết mình chỉ vừa tốt nghiệp đại học và tình nguyện vào chiến trường làm phóng viên. Tôi cũng nói với Xoan là tôi không phải quê Thái Bình và gặp Xoan không phải để nhận đồng hương. Linh tính mách bảo Xoan rằng tôi có tin vui đặc biệt mang đến cho cô, Xoan sốt sắng đặt cho tôi một loạt câu hỏi cứ như là đã được chuẩn bị sẵn: Anh học trường nào, khoa nào, có ai cùng lớp quê Thái Bình không?... Tôi kể tên trường, tên khoa, tên lớp và tên người bạn cùng lớp quê Thái Bình. Khi nghe đến cái tên Mai Ngọc Chừ, Xoan không còn bình tĩnh được nữa. Cô dồn dập hỏi những thông tin về Chừ-người bạn trai mà cô bặt tin mấy năm trời. Tôi nhanh chóng nhận ra tình yêu của cô với Chừ vẫn còn nguyên vẹn và nó đang bừng lên mạnh mẽ sau những tháng năm bị dồn nén trong khói lửa chiến tranh.
Sau những phút giây xao xuyến, Xoan trở nên trầm tư hơn. Cô muốn tôi cho biết một thông tin quan trọng nhất về Chừ. Xoan hỏi một câu thăm dò:
- Anh Chừ có người yêu chưa?
Tôi kể cho Xoan nghe toàn bộ câu chuyện và tình cảm mà bạn tôi đã gửi gắm. Xoan xúc động chăm chú lắng nghe rồi đưa tay lên dụi đôi mắt đỏ hoe. Cuối cùng, tôi trao cho Xoan lá thư mà có lẽ tình yêu trong sáng chứa đựng trong đó đã làm ngọn đuốc chỉ lối cho tôi tìm đến được địa chỉ người nhận. Cầm phong thư dán kín như nâng niu một vật báu, Xoan run run bóc thư của Chừ ra đọc, mặc cho nước mắt tuôn rơi ướt cả lá thư. Cô đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc khi biết rằng người bạn trai ở hậu phương đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, được giữ lại trường làm giảng viên. Anh vẫn hằng ngày mong ngóng tin tức của cô. Và quan trọng nhất là vẫn thủy chung chờ đợi ngày trở về của người bạn gái ở chiến trường.
Giọt mưa nối đất với trời/ Lá thư kết nối mối tình Chừ-Xoan. Tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà bạn tôi giao phó, một việc tưởng như không thể làm, giống như nối trời với đất. Đúng là ở trên đời này có những điều thật màu nhiệm. Tôi đã may mắn được làm giọt mưa trong câu chuyện tình lãng mạn của bạn tôi.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình. Trên đường hành quân, tôi bắt gặp hình ảnh Xoan và đồng đội của cô đi mở đường cho xe của bộ đội ra tiền tuyến. Tôi cũng chứng kiến những đoàn quân trùng trùng điệp điệp ra trận với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đằng sau những cô gái đi mở đường và những chàng trai ra mặt trận ẩn chứa biết bao mối tình thầm lặng mà vẻ đẹp của nó khó có thể diễn tả hết được bằng lời. Với những con người như thế, làm sao dân tộc ta không chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.
Đó chính là những chất liệu sống đầu tiên cho một phóng viên trên đường ra mặt trận như tôi. Câu chuyện lá thư tình thời chiến tranh là một phần tình yêu của thế hệ chúng tôi. Đó cũng là một phần không thể thiếu trong lịch sử của cuộc chiến tranh này.
Từ lá thư ấy, Đỗ Hồng và Mai Ngọc Chừ đã kết nối liên lạc lại với nhau. Kết thúc chiến tranh, Xoan xuất ngũ và đi học ở Trường Đại học Luật Hà Nội, trở thành cán bộ công tác tại Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch. Còn Mai Ngọc Chừ là GS, TS chuyên ngành ngôn ngữ. Hai người nên duyên vợ chồng và hiện nay đang sống hạnh phúc tại Hà Nội. Câu chuyện về họ sẽ được Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng đăng tải trong số báo tiếp theo. |
LÊ NGỌC VĂN - PGS, TS, nguyên cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng tại Trung Trung Bộ