Hiếm có nơi nào trên đất nước ta hiện nay còn lưu giữ nhiều di tích, chứng tích lịch sử về chiến tranh cách mạng như ở vùng đất Quảng Trị. Ông Giôn Smít, một cựu chiến binh người Mỹ, khi đi tham quan, du lịch chiến trường xưa ở Quảng Trị đã phải thốt lên:

- Nơi đây dày đặc các di tích lịch sử, truyền thống về chiến tranh để người ta say mê nghiên cứu và tìm hiểu. Vùng đất này là một bảo tàng phong phú và sinh động nhất về chiến tranh mà mỗi người đều có thể tìm ra trong đó những giá trị lịch sử, văn hóa đích thực...

Quả vậy, du khách nếu đến vùng đất Quảng Trị mới được thấy rằng các di tích lịch sử hào hùng về chiến tranh là một sản phẩm du lịch độc đáo nhất của tỉnh. Toàn tỉnh có tới 498 di tích lịch sử, trong đó có 50 di tích được xếp hạng. Các di tích lịch sử này phong phú về số lượng đa dạng về loại hình, có tầm cỡ về giá trị nội dung hình thức... Đặc biệt nổi tiếng là các di tích như: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, địa đạo Vĩnh Mốc, Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, căn cứ Dốc Miếu Đông Hà, Đường 9 - Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh...

Có thể nói bất cứ du khách nào vào thăm Quảng Trị trước hết cũng đều muốn tới dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương thuộc vĩ tuyến 17 để chiêm nghiệm về một vùng đất đã là giới tuyến của hai miền Bắc-Nam trong suốt 20 năm liền. Khu di tích cầu Hiền Lương đã được tôn tạo, giữ lại nguyên vẹn như một chứng tích lịch sử của nước ta. Cây cầu này nằm cách Đông Hà 19km về phía bắc, được công binh Pháp xây dựng năm 1950. Năm 1967 máy bay Mỹ đã liên tục oanh tạc, ném bom phá hoại cầu Hiền Lương, đến năm 1973 cây cầu đã được sửa chữa khôi phục lại.
Giờ đây, đứng bên cầu Hiền Lương, ngắm nhìn dòng sông Bến Hải trong xanh, thấp thoáng những chiếc thuyền đánh cá, nghe câu hò Quảng Trị ngọt ngào, du khách bỗng thấy lòng dào dạt liên tưởng tới sự khốc liệt, hào hùng của quá khứ và một tương lai tươi đẹp đang hiện diện trên vùng đất này. Ở Hiền Lương có các cụm di tích lịch sử nổi tiếng như: nhà Liên Hiệp, đồn công an giới tuyến, hệ thống lô cốt của Mỹ Diệm ở bờ nam Bến Hải, tượng đài khát vọng thống nhất đất nước, nhà bảo tàng...

Qua cầu Hiền Lương gần 20km, du khách sẽ được tới thăm một công trình địa đạo thần kỳ của thế kỷ 20 là địa đạo Vịnh Mốc. Đây là di tích lịch sử hấp dẫn về chiến tranh cách mạng, nơi cán bộ, bộ đội và nhân dân đã sinh sống và hoạt động chiến đấu ngay dưới lòng đất để đánh thắng kẻ thù. Địa đạo Vịnh Mốc dài 2.034m, sâu trên dưới 25m, cao từ 1,5m đến 1,8m, rộng từ 1m đến 2m, thông ra ngoài trời bằng 13 cửa. Dọc theo toàn tuyến địa đạo, cứ khoảng từ 3m đến 5m, lại có một khu vực rộng rãi được đào sâu vào như chiếc hang lớn làm ô nhà ở, cứu chữa thương binh, nơi chiếu phim, hội họp, xem văn nghệ và gia đình dân cư sống theo đơn vị sản xuất và chiến đấu.

Những di tích chiến tranh đã chứng kiến những trận đánh anh hùng, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta ở Quảng Trị đều rất nổi tiếng với trong nước và quốc tế. Đó là về 81 ngày đêm máu lửa ở Thành cổ Quảng Trị, trận tiêu diệt căn cứ Cồn Tiên Dốc Miếu, chiến công của đặc công nước ở Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ anh hùng, chiến thắng Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9... Đặc biệt di tích lịch sử nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở huyện Gio Linh, nơi an nghỉ của 10 vạn liệt sĩ trên cả nước... luôn làm du khách xúc động, tự hào.

Đến Quảng Trị có một di tích lịch sử chiến tranh độc đáo hấp dẫn du khách, đó là hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, nơi Mỹ-ngụy đã bỏ nhiều tiền của, kỹ thuật hiện đại và công sức nhằm ngăn chặn quân và dân ta Nam tiến, nhưng đã bị thất bại nặng nề. Hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra và “phòng tuyến ngăn chặn Việt Cộng” của Mỹ-ngụy có chiều dài hơn 10km kéo dài từ Nam vĩ tuyến 17 đến cuối Đường 9. Ngoài hệ thống hàng rào điện tử “con mắt thần”, còn có hệ thống kẽm gai dày đặc, bãi mìn, hào sâu cắm chông sắt, hệ thống đồn bốt dày đặc, cứ 2km có một tháp canh, 4km có một căn cứ... Hiện nay toàn bộ di tích phòng tuyến ngăn chặn và hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra đang được tu bổ, hoàn thiện... rất cuốn hút du khách đến xem.

Quảng Trị vùng đất là giới tuyến, vùng đất máu lửa của chiến tranh xưa kia, nay đang thay da đổi thịt trong cuộc sống mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên một mảng của đời sống về lịch sử truyền thống, các di tích chiến tranh cách mạng luôn luôn được người dân trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước nâng niu, trân trọng, cảm phục.

HOÀNG MIỄN