Văn hóa sông nước và những dấu ấn thăng trầm

Vài năm trở về trước, nếu nhắc đến cột cờ Thủ Ngữ, đa phần sự quan tâm chỉ dành cho giới nghiên cứu và các nhà quản lý đô thị. Người dân và du khách ít có nhu cầu tìm hiểu công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố. Lý do, tốc độ đô thị hóa với sự ra đời của hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị khiến công trình nhỏ bé này như bị “nuốt chửng” và lãng quên. Bản thân cột cờ độc đáo này cũng không còn công năng như thời kỳ đầu được người Pháp xây dựng.

Nhưng hiện nay thì khác!

Sau khi dự án cải tạo Công viên Bến Bạch Đằng hoàn thành, toàn bộ khu vực bờ sông Sài Gòn phía quận 1, từ cầu Khánh Hội đến cầu Thủ Thiêm 2, trở thành điểm tham quan, giải trí hấp dẫn bậc nhất TP Hồ Chí Minh. Cột cờ Thủ Ngữ đã trở thành điểm nhấn kiến trúc độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Đứng cạnh mé cầu Khánh Hội, giữa khuôn viên cây cỏ xanh rì, bên dòng sông nước đầy ăm ắp, cột cờ Thủ Ngữ cao vút, nổi bật trên nền trời xanh lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật. Trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, cột cờ Thủ Ngữ vẫn giữ nguyên kiểu dáng, kiến trúc nguyên sơ, nhưng khuôn viên và các hạng mục xung quanh thì đã được cải tạo, nâng cấp, làm mới, trở thành điểm nhấn mỹ quan đô thị.

Trong giới nghiên cứu ở Thành phố mang tên Bác, nhà nghiên cứu tuổi bách niên Nguyễn Đình Tư là người dành nhiều công sức, tâm huyết cho việc khai thác, phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa thời kỳ Pháp thuộc, trong đó cột cờ Thủ Ngữ là một điển hình. Theo các tài liệu do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cung cấp thì cột cờ Thủ Ngữ được người Pháp xây dựng vào tháng 10-1865 trên nền dinh quan Thủ ngự, chuyên chăm lo việc thương chính của nhà Nguyễn. Người Pháp đặt tên cho cột cờ này là Mât des Signaus (cột Tín hiệu). Tên gọi này xuất phát từ công năng của công trình, là cái cột dùng để phát tín hiệu điều hành tàu bè ra vào luồng lạch hướng Nhà Bè-Sài Gòn và ngược lại, tại bến cảng ở khu vực này. Chân cột được thiết kế hình ngôi sao 8 cánh, tượng trưng cho cấu trúc “bát quái” của thành Gia Định xưa (còn gọi là thành Bát quái) gồm 3 tầng giật cấp.

leftcenterrightdel

Cột cờ Thủ Ngữ nhìn từ trung tâm Công viên Bến Bạch Đằng. Ảnh: HÙNG KHOA

Nói về tên gọi Thủ Ngữ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư lý giải: “Thủ” dưới thời kỳ Pháp thuộc, được hiểu là cái trạm gác được lập ở những chỗ giáp giới với những vùng chính quyền chưa kiểm soát được về mặt hành chính. Nó thường được đặt dọc theo các dòng kênh, con sông, bến tàu... để kiểm soát việc đi lại của các phương tiện và thu thuế hoạt động kinh doanh. “Thủ Ngữ” là thuật ngữ để chỉ một chức quan võ phụ trách lực lượng canh gác, trông coi, thu thuế... tại một khu vực nhất định.

Nằm ngay trên khu vực cảng sông, nơi tàu bè ra vào tấp nập nên cột cờ Thủ Ngữ trở thành một chứng tích lịch sử, gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng thời kỳ Pháp thuộc và công cuộc nổi dậy, đấu tranh của nhân dân Sài Gòn-Gia Định. Tại khu vực này, vào ngày 17-2-1859, quân Pháp đã đưa tàu chiến chở quân đổ bộ, nổ súng tấn công đánh chiếm thành Gia Định. Nhân dân Sài Gòn-Gia Định đã mưu trí, dũng cảm tái hiện một trận “Bạch Đằng” ngay trên sông Sài Gòn. Cha ông ta đã đóng cọc nhọn xuống lòng sông, kết thuyền ghe lại, sử dụng chiến thuật hỏa công đánh chặn quân giặc. Khu vực này ngày nay được gọi là Bến Bạch Đằng, một phần cũng từ các sự kiện lịch sử oai hùng ấy.

Các tài liệu nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ kháng chiến của các học giả như: GS Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu An Chi... đều có những trang viết về khí thế nổi dậy của đồng bào Sài Gòn-Gia Định trong Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Theo đó, cột cờ Thủ Ngữ là một trong những địa chỉ được lực lượng khởi nghĩa chọn làm điểm xuất phát nổi dậy. Cùng với các địa danh, địa điểm như: Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Sở thú (Thảo Cầm Viên ngày nay)... cột cờ Thủ Ngữ là nơi các lực lượng khởi nghĩa tập trung, củng cố đội hình tiến về các mục tiêu quan trọng khởi nghĩa, giành chính quyền.

Trong cuốn sách “Gia Định-Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử” vừa mới xuất bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã ghi lại chi tiết sự kiện Nam Bộ kháng chiến. Sáng 23-9-1945, quân Pháp được sự hỗ trợ, phối hợp của quân Anh đã nổ súng xâm lược tái chiếm Sài Gòn-Nam Bộ lần thứ hai. Các lực lượng kháng chiến của ta lập phòng tuyến đánh trả quyết liệt. Tại cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội tự vệ được trang bị súng, dao, lựu đạn..., đã chiến đấu ngoan cường chống lại lực lượng quân Anh hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại. Các chiến sĩ tự vệ của ta đã anh dũng chiến đấu, quyết tử bảo vệ mục tiêu cho đến hơi thở cuối cùng. Có một chi tiết được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nhấn mạnh, đó là tinh thần anh dũng, quật khởi của các chiến sĩ tự vệ khiến kẻ thù cũng phải nể phục. Ngay khi chiếm được cột cờ Thủ Ngữ, viên sĩ quan chỉ huy lực lượng quân Anh tham chiến đã tập hợp quân lính bồng súng chào những chiến sĩ của ta vừa ngã xuống trước khi kéo cờ Anh lên cột cờ Thủ Ngữ.

Trong sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975, các chiến sĩ Quân giải phóng sau khi làm chủ Sài Gòn, đã kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ Thủ Ngữ, soi bóng xuống mặt sông Sài Gòn, thể hiện niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc và khí thế tưng bừng của ngày Bắc-Nam sum họp một nhà...

Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự biến thiên của thời gian, cột cờ Thủ Ngữ dần xuống cấp, hư hỏng, phải sửa chữa. Công trình được UBND TP Hồ Chí Minh xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố năm 2016. Tuy nhiên, những lần trước đây chỉ là sửa chữa nhỏ. Đến cuối năm 2020, thực hiện kế hoạch chỉnh trang đô thị, cải tạo khu vực Công viên Bến Bạch Đằng và các hạng mục liên quan ven sông Sài Gòn, cột cờ Thủ Ngữ được trùng tu toàn diện, tổ chức khánh thành vào đầu năm 2021. Hiện nay, cột cờ Thủ Ngữ là điểm nhấn quan trọng trong quần thể kiến trúc hai bên bờ sông Sài Gòn với những hạng mục di tích lịch sử-văn hóa như: Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng, Công trường Lam Sơn, Tượng đài Trần Hưng Đạo, Cảng Ba Son, Cầu Móng... Đây là những chất liệu vô cùng quan trọng để quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa sông Sài Gòn.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Khai thác các tiềm năng, thế mạnh về cảng biển, sông nước... là những định hướng chiến lược lớn. Cùng với dự án Cảng biển quốc tế Cần Giờ và các dự án giao thông đường thủy, việc quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội dọc theo tuyến sông Sài Gòn được Thành ủy, UBND thành phố xác định là dự án lớn, tạo bước đột phá chiến lược, đưa TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế là đầu tàu của cả nước.

Từ cột cờ Thủ Ngữ nhìn xa, hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay, soi bóng xuống dòng sông mênh mông sóng vỗ, các giá trị di sản sơ khai của đô thị hình thành bên sông Sài Gòn hiện về, mang những cảm xúc đặc biệt. Trước khi thực hiện chuyến công tác sang Cộng hòa Pháp khảo sát, nghiên cứu, học tập mô hình phát triển kinh tế-xã hội ở sông Seine, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng với đoàn chuyên gia Pháp đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, đánh giá hiện trạng sông Sài Gòn. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, sông Sài Gòn và sông Seine của Pháp có nhiều nét tương đồng. Nghiên cứu, khảo sát, xây dựng phương án phát triển kinh tế-xã hội sông Sài Gòn trên cơ sở tham khảo, học tập những mô hình tiên tiến của Pháp dọc sông Seine là một hướng đi rất khả thi. Thông qua hệ thống báo chí truyền thông, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến rộng rãi trong giới chuyên gia và nhân dân để xây dựng ý tưởng, lên phương án tổng thể cho dự án mang tầm chiến lược này.

Với quyết tâm lớn và sự đồng thuận cao từ nhân dân, trong tương lai không xa, sông Sài Gòn sẽ mang diện mạo mới, khang trang, hiện đại, tiện ích, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

NGUYỄN PHÚC NY