“Hai đại” là đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX. “Hai tổng” là Tổng biên tập Báo Nhân Dân và Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. “Hai trưởng” là Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Trưởng ban chỉ đạo Xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập. “Hai trợ” là trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn và trợ lý Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 / 21-6-2020), chúng tôi có cuộc trò chuyện cởi mở tại tư gia của nhà báo Hà Đăng về một số kỷ niệm trong đời làm báo của ông.

Bài báo đầu tiên và hai kỷ niệm viết về nông thôn

Phóng viên (PV): Thưa nhà báo Hà Đăng, ông đến với nghề báo như thế nào và bài báo đầu tiên, hẳn ông còn nhớ rõ?

Nhà báo Hà Đăng: Tôi tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lúc 15 tuổi, không hề nghĩ mình sẽ là một nhà báo. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi, bắt đầu từ năm 1947. Năm ấy, tôi làm Trưởng ban tuyên truyền xã Bình Kiến (thuộc thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) và bài báo đầu tiên đã ra đời...

Tôi còn nhớ bài báo có tên “Tâm sự của đồng bạc trong két sắt”. Cả tỉnh lúc bấy giờ chỉ có một tờ báo duy nhất là tờ Phấn đấu-cơ quan của Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Phú Yên. Xã tôi lúc đó có Bộ tư lệnh Khu 6 (Nam Trung Bộ) đóng. Ở phòng chính trị khu có một cán bộ Nam tiến là Nguyễn Thường Khanh, tức Trần Mai Ninh, một nhà báo kỳ cựu từ thời mặt trận bình dân. Anh có mối liên hệ rất chặt chẽ với địa phương và chính anh là người giúp chúng tôi làm công tác tuyên truyền. Anh từng nói một câu mà sau tôi coi như lời khuyên định hướng cho đời. Anh bảo: “Sau này cậu định làm gì? Nếu muốn làm báo thì theo tớ, nếu muốn học cao hơn nữa và đi vào đại học thì tớ khuyên nên học ngành điện. Lênin có nói: “Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa”, đây là cái tiên tiến nhất của thời đại”. Anh từng viết nhiều bài cho Báo Phấn đấu. Sau này, trong cuốn “Từ điển văn học” có viết về Trần Mai Ninh, coi anh là nhà thơ mới, người mở ra trường phái thơ phá thể. Mặc dù thời gian gần gũi anh không nhiều nhưng từ lâu, tôi vẫn coi anh như người thầy đầu tiên định hướng cho tôi làm báo.

leftcenterrightdel
Nhà báo Hà Đăng. Ảnh: TUẤN TÚ

Trong bài báo đầu tiên của mình “Tâm sự của đồng bạc trong két sắt”, tôi muốn phản ánh thái độ của nhà giàu trước không khí sôi nổi của phong trào ủng hộ quỹ kháng chiến. Sau giải phóng, dân chúng còn nghèo nhưng ai cũng nhiệt tình quyên góp, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Trong khi đó, nhiều nhà giàu lại chỉ đóng góp tượng trưng. Để kích động thêm cho phong trào tôi mới viết bài “Tâm sự của đồng bạc…” là tâm sự gì? Cũng là bạc như nhau mà bạc của nhà nghèo đóng góp làm ra lương thực, súng đạn cho bộ đội, đó là đồng bạc đầy ý nghĩa, tạo sức mạnh, còn những đồng bạc đẹp hơn, mới hơn nằm trong két sắt nhà giàu lại là đồng bạc buồn tẻ, lạnh lùng, vô dụng. Khi viết bài này, tôi nghĩ mình là một anh vô danh tiểu tốt thì khó mà được đăng. Cho nên khi thấy bài trên báo thì vui không tả xiết.

PV: Ông tên thật là Đặng Ha, còn cái tên Hà Đăng mới thật sự gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp làm báo của ông. Bút danh này có xuất xứ như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Hà Đăng: Khi tôi về Nhân Dân Liên khu 5, báo chỉ có 4 người, mỗi người phụ trách mấy mục. Hồi đó, tôi thường hay viết cả tin quốc tế; bình luận quốc tế, còn xã luận đôi khi mới viết và ngoài tên Hà Đăng, tôi ký cả tên Hồng Hà…

Nói đến tên Hà Đăng thì lại là một câu chuyện. Năm 1951, khi Báo Văn nghệ Liên khu 5 mới ra đời, tôi viết bài phỏng vấn đăng trang nhất, ký đúng tên thật là Đặng Ha. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, thư ký tòa soạn không chịu, anh bảo: Học sinh mới ra trường không nên ký tên thật trên báo. Rồi theo kiểu nói lái miền Bắc, anh đổi Đặng Ha thành Hạ Đăng, nhưng xuống đến nhà in anh em lại đổi Hạ thành Hà. Và tôi mang cái tên Hà Đăng cho đến mãi bây giờ. Còn tên Hồng Hà, sau ra Hà Nội, thấy trùng với Hồng Hà ở Báo Nhân Dân, mà anh lại là người giỏi hơn nên tôi không dùng bút danh đó nữa. Và cũng ở Báo Nhân Dân, tôi biết rằng những tên tuổi nổi tiếng như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà… đều là những bút danh.

PV: Ông là phóng viên có nhiều bài viết về nông thôn miền Bắc những năm 60 rất đáng chú ý. Ông cho biết về kỷ niệm sâu sắc của một số bài viết ngày ấy?

Nhà báo Hà Đăng: Thời kỳ này, Báo Nhân Dân có khá nhiều cây viết giỏi về nông thôn: Lê Điền, Phan Quang, Nguyễn Địch Dũng, Văn Sơn, Minh Tân, Hữu Thọ. Riêng tôi, vào thời kỳ này, tôi thích và tâm đắc nhất với hai bài, một là bài điều tra về phong trào hợp tác hóa ở Thái Bình và hai là bài viết về Hợp tác xã Đại Phong.

Nghiên cứu về hợp tác hóa, Báo Nhân Dân tập trung các phóng viên giỏi nhất, đi tập thể chứ không đi riêng. Đang có vấn đề là nên làm hợp tác hóa chậm lại hay nhanh lên. Chúng tôi phải tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng, đặc biệt ở hai tỉnh Thanh Hóa và Thái Bình, một tỉnh làm nhanh và một tỉnh làm chậm. Đoàn xuống Thái Bình điều tra có các anh Lê Điền, Trưởng ban Nông thôn; Phan Quang, Văn Sơn, Hữu Thọ, Nguyễn Địch Dũng và tôi. Tôi và Hữu Thọ đi một nhánh, tới huyện Duyên Hà vào lúc trời đang mùa rét.

Sau gần 10 ngày nghiên cứu, khảo sát ở các huyện, chúng tôi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, trình bày quan điểm cho rằng ở Thái Bình có sự chậm trễ trong phong trào hợp tác hóa và tổ đổi công. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói là không chậm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn viết bài điều tra với những dẫn chứng xác thực đăng trên 4 kỳ báo liền. Bài có tiếng vang lớn, được thảo luận rộng rãi ở các cấp.

Cuối cùng, Trung ương kết luận là Thái Bình làm chậm. Các đồng chí lãnh đạo ở Thái Bình cũng xác nhận điều đó. Thực tình ngày ấy, công việc cứ cuốn đi, mấy năm không có thì giờ đọc lại bài viết nhưng cảm thấy nó có một ý nghĩa thực tế. Viết điều tra cụ thể về một vấn đề không phải chỉ để phản ánh thực tế mà phải qua đó đề ra được phương hướng phát triển mới. Đây chính là giá trị phát hiện của bài báo.

leftcenterrightdel

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải cống hiến, vinh danh nhà báo tiêu biểu Hà Đăng (tháng 1-2020). Ảnh: TRỌNG HẢI

Bài báo thứ hai là bài “Ba lần đuổi kịp trung nông”, viết về hợp tác xã Đại Phong ở Quảng Bình. Đây là một bài viết nảy sinh khi tôi dự hội nghị tổng kết hợp tác hóa ở Quảng Bình. Do đến chậm nên khi tôi vào, hội nghị gần kết thúc. Chiều hôm đó, tôi chỉ nghe được ý kiến Phó thủ tướng Phạm Hùng biểu dương Hợp tác xã Đại Phong. Nhận thấy đây là một điển hình hay nên sau khi hội nghị kết thúc, tôi bám ngay Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh và đề nghị đồng chí chủ tịch tỉnh cho tôi theo anh về để viết bài, không phải thông qua tỉnh, huyện nữa. Chủ tịch tỉnh Trần Vũ ủng hộ và ngày hôm sau tôi và anh cùng về đó...

Bài viết xong, anh Lê Điền có sửa lại phần đầu một chút, rồi in lên Báo Nhân Dân (ngày 9-1-1961). Sau này, bài viết cũng được in lại trong cuốn giáo trình về làm báo. Tôi nhớ khi bài báo mới ra, Bác Hồ đã gọi điện cho báo, khen đây là một điển hình tốt. Liền đó, ngày 11-1-1961, Báo Nhân Dân đăng bài của Bác ký tên T.L, nhan đề là “Một hợp tác xã gương mẫu”. Bác viết: “Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ ngang với mức sống trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên”. Bác cũng đã chỉ thị cho Ban Công tác nông thôn Trung ương do đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Trưởng ban trực tiếp đi nghiên cứu và viết về kinh nghiệm Đại Phong. Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng một đoàn cán bộ đã vào Đại Phong. Khi về, anh đích thân hướng dẫn và sửa một bài điều tra mang tính tổng kết sâu sắc về Đại Phong, trong đó nêu lên rất nhiều kinh nghiệm… Cũng từ đó, một phong trào học tập Đại Phong nổi lên khắp cả nước.

Lúc bấy giờ, cả nước đang phát triển phong trào học tập những gương tốt, những điển hình tiên tiến trong nông nghiệp, công nghiệp và quân đội. Về nông nghiệp có Đại Phong; về công nghiệp có Duyên Hải. Trong quân đội có Phong trào thi đua “Ba nhất”. Tôi rất vui vì mình đã có đóng góp phần nào cho phong trào, nhất là khi Hợp tác xã Đại Phong được tuyên dương anh hùng.

Làm báo “thời tôi” và thời 4.0

PV: Theo ông, làm báo hiện nay so với trước thì khó hơn hay dễ hơn? 

Nhà báo Hà Đăng: Làm báo hiện nay có cái khó và cũng có những thuận lợi hơn so với trước. Thời chúng tôi chỉ có báo giấy và phát thanh, còn truyền hình sau này mới có. Bây giờ thì đa dạng hơn, thông tin bùng nổ, đặc biệt là sự phát triển của báo điện tử và mạng xã hội. Trong một cơ quan báo chí cũng có xu hướng phát triển “đa phương tiện”, mô hình “tòa soạn hội tụ”… Các cách khai thác, xử lý, kiểm chứng và đăng tải thông tin giờ cũng khác, đa dạng hơn và với hệ thống phương tiện, công nghệ hiện đại. Trong thời đại làm báo 4.0 hiện nay, nhiều lúc tôi thấy mình cũng lạc hậu, đặc biệt là về kỹ thuật, công nghệ.

Bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, làm báo hiện nay cũng chịu nhiều áp lực, cạnh tranh thông tin gay gắt. Nếu không rèn luyện để có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng thì dễ lệch lạc, bị cuốn và sa vào những thông tin đám đông, tin giả, tin xấu…

PV: Đó là báo chí hiện nay nói chung. Còn riêng làm báo về truyền thống và lịch sử, ông thấy thế nào?

Nhà báo Hà Đăng: Truyền thống, lịch sử có giá trị đặc biệt. Lênin nói: “Hãy nhìn về lịch sử để thấy được chiều sâu của quá khứ, bề dày hiện tại và chiều dài của tương lai”. Bác Hồ cũng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích, nước nhà Việt Nam”. Làm báo về truyền thống, lịch sử hiện nay chịu nhiều thách thức, nhất là sự bùng nổ thông tin, sự phát triển như vũ bão của công nghệ làm báo và mối quan tâm của dư luận, bạn đọc. Tuyên truyền trên báo về các sự kiện, nhân vật lịch sử, về truyền thống phải luôn chính xác, nói nhiều lần, bằng nhiều cách, dưới các góc nhìn, tiếp cận khác nhau để làm rõ sự thật, không bị tác động làm méo mó thông tin. Cách xây dựng và tuyên truyền hình tượng lịch sử cũng phải phù hợp, lý lẽ phải thuyết phục, theo hướng tôn trọng lịch sử và đề cao các giá trị cao đẹp.

PV: Ông có lời khuyên gì với các nhà báo hôm nay?

Nhà báo Hà Đăng: Nói với các nhà báo hôm nay thì tôi vẫn nhấn mạnh tới 3 vấn đề:

Một là, phải rèn luyện thường xuyên để có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Dứt khoát trong mọi hoàn cảnh phải vững vàng, chệch choạc là hỏng.

Hai là, về nghiệp vụ: Phải đổi mới, thông tin nhanh nhạy, xử lý phải chính xác, kịp thời. Tiếp cận và tận dụng được các công nghệ hiện đại.

Ba là, phải tự học, tự lập, tự rèn luyện tu dưỡng. Làm báo phải có đạo đức, không có đức là hỏng, mà còn nguy hại. Không được thỏa mãn, tự cao tự đại. Viết được vài bài báo hay, nhận được vài giải thưởng, tưởng mình đã là giỏi, là hơn người khác. Tôi mong các thế hệ làm báo trao truyền nhiệt huyết, trách nhiệm cho nhau, lớp trước dạy dỗ, khuyến khích, động viên lớp sau. Lớp trẻ phải khiêm tốn học hỏi, cố gắng gìn giữ truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG – TRANG DUY (thực hiện)