Lúc ấy, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.

Cuộc chiến bắt buộc

Phóng viên (PV): Cuộc xung đột ở biên giới Tây Nam ngay sau ngày chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến nhiều người bất ngờ, khó hiểu. Ông có thể cho biết bối cảnh lúc ấy như thế nào?

leftcenterrightdel
Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: THU THỦY

Trung tướng Khuất Duy Tiến: Ngày 30-4-1975, khi Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn, tôi đã chứng kiến những người lính sư đoàn trong niềm hưng phấn chiến thắng đã tự tin tuyên bố: “100 năm nữa cũng không có “thằng” nào dám đánh Việt Nam”.

Không ai ngờ chỉ 3 ngày sau, tập đoàn Pol Pot đã cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc, đánh chiếm các đảo: Cô Tang, Vai, Thổ Chu, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Ban đầu, trong suy nghĩ của chúng tôi, đó chỉ là tranh chấp thông thường, những mâu thuẫn biên giới… Một cuộc đổ máu giữa hai đất nước anh em, láng giềng truyền thống là điều không ai ngờ tới.

Tuy nhiên, tình hình ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu, chỉ tính từ ngày 30-4-1975 đến tháng 6-1977, Pol Pot đã xâm phạm biên giới hơn 2.000 lần, gây tổn thất cho ta là 4.000 người. Đặc biệt, đợt tiến công quy mô lớn từ tháng 9-1977 xảy ra sau khi phái đoàn của Pol Pot đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên về. Những cuộc tiến công trên không phải là hành động bột phát mà là những cuộc tiến công có hệ thống, quy mô ngày càng lớn, hành động vô cùng tàn bạo, được chuẩn bị kỹ lưỡng của tập đoàn phản động Pol Pot…

PV: Quân đoàn 3 nhận lệnh tham chiến bảo vệ biên giới Tây Nam từ khi nào, thưa ông?

Trung tướng Khuất Duy Tiến: Ngày 27-10-1977, Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 nhận được điện khẩn của Bộ Tổng Tham mưu phía Nam yêu cầu vào nhận nhiệm vụ mới. Từ  Nha Trang, tôi khi đó là Trưởng phòng Tác chiến quân đoàn tháp tùng Tư lệnh quân đoàn Kim Tuấn từ Nha Trang vào trụ sở Bộ tư lệnh Tiền phương ở Thành phố Hồ Chí Minh để nhận nhiệm vụ. Lúc đó, quân Khmer Đỏ đã tấn công, giết chóc khắp vùng biên giới Tây Nam, đặc biệt là ở Tây Ninh, Hà Tiên, An Giang. Quân đoàn 3 được bộ giao nhiệm vụ trấn giữ biên giới Tây Ninh, ngăn cản âm mưu xâm lược của quân Pol Pot. Đó là lúc chúng tôi hiểu rằng chiến tranh đã bắt đầu và không thể tránh khỏi. Kỷ niệm ám ảnh tôi đến tận bây giờ là hôm cùng Thiếu tướng (sau là Thượng tướng) Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng lên thị sát khu vực Xa Mát (thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Lúc chúng tôi đến, khắp nơi là xác trẻ em, người già và phụ nữ. Xác người la liệt trong nhà, ngoài sân, sau vườn. Quân Khmer Đỏ không giết người bằng súng. Chúng dùng những cái rìu đốn củi. Anh Lê Ngọc Hiền vốn nổi tiếng là người bản lĩnh, cứng rắn, chứng kiến cảnh đó chỉ biết gọi tôi “Tiến ơi!” rồi bật khóc. Cả đoàn chúng tôi khóc theo. Đi qua hai cuộc kháng chiến, tưởng như cái chết đã trở thành quen thuộc, chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng được cảnh tượng kinh hoàng ở Xa Mát. Sau này tham gia các trận đánh giúp bạn, chúng tôi còn chứng kiến sự tàn độc của Khmer Đỏ với ngay đồng bào của mình. 30.000 người dân Việt Nam và gần 2 triệu người dân Campuchia đã chết dưới chế độ Pol Pot trong những năm tháng đau thương đó.

PV: Trong quá trình tham gia bảo vệ biên giới và giúp bạn giải phóng, kỷ niệm trong trận đánh nào ông nhớ nhất?

Trung tướng Khuất Duy Tiến: Kỷ niệm thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất câu chuyện ở hai thời điểm: Chống địch bu bám khi đơn vị phòng ngự ở biên giới Tây Ninh và trận vượt sông Mê Công bằng sức mạnh khi ta tổng tiến công trên toàn tuyến, giúp bạn giải phóng.

Giữa năm 1978, tôi được điều về làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Hôm giao nhiệm vụ, Tư lệnh Kim Tuấn cho biết, tình hình sư đoàn chiến đấu đang gặp khó khăn, thương vong lớn vì địch thực hiện bu bám rất khó chịu. Chúng tác chiến theo lối nhỏ lẻ, xen cài, bất ngờ tập kích vào đội hình quân ta rồi rút chạy.

Để giải quyết câu hỏi cấp bách: “Làm thế nào để giành quyền chủ động trong thế phòng ngự trước sự bu bám dai như đỉa đói của quân thù”, ngày 2-6-1978, tôi trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 48 mở hội nghị rút kinh nghiệm. Tại hội nghị, tôi hỏi anh em là những cán bộ từ cấp đại đội trở lên:

 - Tại sao ta với địch đánh giằng co như thế, sự thật địch có mạnh không?

Mọi người đều trả lời: Địch không mạnh.

- Địch không mạnh, sao ta lại thương vong nhiều?

- Vì chúng luồn lách, bu bám. Có lúc chúng bò vào tận hầm chốt của ta ném lựu đạn.

- Làm thế nào để đối phó với kiểu đánh này?

Đại đội trưởng Đại đội 6 Trịnh Xuân Lan thay mặt Tiểu đoàn 2 đứng lên phát biểu:

- Địch bu bám, đánh đằng sau, tôi đề nghị mình cũng bu bám, đánh đằng sau nó.

Hội nghị thảo luận sôi nổi với ý kiến của đồng chí Lan. Đa số đồng tình, nhưng có người còn tỏ ý nghi ngờ. Đại đội trưởng Trịnh Xuân Lan đứng dậy: Báo cáo Sư đoàn trưởng, Đại đội 6 xin được làm thí điểm và hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau mấy ngày chuẩn bị, ngày 5-6, anh Lan trực tiếp chỉ huy một tổ bí mật luồn về sau lưng địch. Tại vị trí phục sẵn bên một dòng suối rộng, tổ của ta phát hiện 5 tên địch trở về đang nói chuyện ầm ĩ. Chờ chúng khoác súng lên vai chuẩn bị lội suối, Đại đội trưởng Lan phát lệnh nổ súng. Trận đánh diễn ra không đầy 5 phút, tổ của ta diệt gọn 5 tên, nhanh chóng thu súng rồi bí mật rút quân.

Những ngày tiếp theo, tổ của anh Lan còn tổ chức một số trận phục kích nữa với hiệu suất chiến đấu cao. Phương thức hoạt động nhỏ lẻ đạt hiệu quả cao của Đại đội 6 sau đó được phổ biến cho các đơn vị trong sư đoàn học tập. Từ đó, phong trào thi đua với “ngọn cờ đầu hoạt động nhỏ lẻ” đã nhanh chóng nhân rộng khắp sư đoàn trong suốt giai đoạn phòng ngự.

Cuối tháng 12-1978, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân ta mở các cuộc tiến công trên toàn tuyến. Trưa 4-1-1979, Sư đoàn 320 nhận lệnh của quân đoàn: Vượt sông Mê Công, giải phóng thị xã Kampong Cham, đập nát mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng ngự phía Bắc Phnôm Pênh, mở cửa cho lực lượng chủ lực tiến về giải phóng thủ đô Phnôm Pênh. Chúng tôi chuẩn bị vượt sông bằng hai phương án: Bí mật và bằng sức mạnh. Địch tập trung lực lượng và hỏa lực các loại, bố trí dày đặc trên toàn tuyến để ngăn chặn quân ta. Đích thân tên bộ trưởng quốc phòng Son Sen đến phòng tuyến bên sông để chỉ huy đối phó. Sau khi phương án bí mật vượt sông không thành công, chúng tôi chuyển sang phương án vượt sông bằng sức mạnh. Trung đoàn 64 của sư đoàn được giao đảm nhiệm phương án này. Rạng sáng 6-1, tôi lệnh pháo bắn chuẩn bị. Pháo các loại của ta bắn dồn dập vào các tuyến phòng ngự của địch. Trong lịch sử chiến đấu của sư đoàn có lẽ chưa bao giờ thấy mật độ hỏa lực tập trung và có hiệu quả như thế. 6 giờ 30 phút, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Vũ Cối hạ lệnh vượt sông. Mũi đột kích đánh chiếm đầu cầu nhanh chóng lên 4 xuồng máy nhằm thẳng bờ bên địch xốc tới. Mặc dù có thương vong và địch chống trả điên cuồng nhưng mũi đột kích chiến đấu cực kỳ quả cảm, chiếm được dãy công sự vành ngoài, tạo điều kiện cho đơn vị vượt sông, mở rộng bàn đạp. Sau khoảng một giờ, lực lượng vượt sông của ta thực hiện thọc sâu, chia cắt địch, đánh lui các mũi phản kích, dồn địch vào từng ngõ phố, căn nhà. Địch chạy túa ra, gặp lực lượng phía sau của ta chà đi, xát lại.

10 giờ 30 phút ngày 6-1, thị xã Kampong Cham được giải phóng, cửa vào Phnôm Pênh khai thông. Sư đoàn 10, lực lượng thọc sâu của quân đoàn ào ào vượt sông nhằm thẳng hướng Phnôm Pênh tiến tới…

leftcenterrightdel
Sư đoàn 320 vượt sông Mê Công, đánh chiếm thị xã Kampong Cham (tháng 1-1979). Ảnh tư liệu

“Bộ đội nhà Phật” và niềm tin tương lai

PV: “Bộ đội nhà Phật” là tên gọi mà nhân dân Campuchia dành tặng Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đất nước họ hồi sinh. Quả thật, chỉ một danh xưng ấy thôi cũng đã nói lên tính chính nghĩa, bản chất tốt đẹp và tinh thần quốc tế cao cả của Việt Nam…

Trung tướng Khuất Duy Tiến: Tôi nhớ câu chuyện, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Campuchia và tiếp tục truy quét tàn quân Pol Pot, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gọi điện sang Phnôm Pênh hỏi những người chỉ huy Quân tình nguyện một câu duy nhất: 

- Bộ đội ta khi gặp dân Campuchia cư xử thế nào? 

- Người Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”!

Khi nghe được câu trả lời đó, ở Hà Nội, ông Lê Duẩn đã nở một nụ cười thực sự.

Trên đường tiến công và truy quét địch, tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện và hình ảnh xúc động của Quân tình nguyện với nhân dân Campuchia. Vừa đánh địch nhưng đơn vị nào cũng tổ chức bộ phận giúp đỡ người già yếu, em nhỏ… trên cung đường đảm nhiệm. Trạm phẫu làm việc hết công suất để cung cấp thuốc cho nhân dân. Nhìn đoàn người đói rách, kiệt sức, những em bé bị suy dinh dưỡng héo quắt, ai ai cũng rân rấn nước mắt. Khi càn quét địch, để đưa dân ra, trong điều kiện bộ đội ăn uống chưa đủ nhưng sư đoàn vẫn để ra 5 tấn gạo cùng thuốc men, quần áo cứu dân. Những người bị đói lả được quân y nấu cháo loãng cho ăn, khi tỉnh thì cho ăn cơm và uống thuốc, khi về được Quân tình nguyện cho gạo, muối… Nhiều người dân cảm động, rơi nước mắt, mang ơn cứu sinh của bộ đội Việt Nam. Khi ta đánh vào vùng núi trên đường số 4, cứu dân khỏi sự kìm kẹp, đày đọa của bọn Pol Pot, tôi chứng kiến một ông sư quỳ sọp trước bộ đội Việt Nam, luôn miệng nói: Quân tình nguyện Việt Nam là cứu tinh dân tộc chúng tôi, là “Bộ đội nhà Phật”.

PV: Xin hỏi ông câu cuối, 40 năm nhìn lại cuộc chiến ấy, ông có tâm sự hay nhắn nhủ gì với thế hệ hôm nay?

Trung tướng Khuất Duy Tiến: Đi qua 3 cuộc chiến, đặc biệt là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn chiến thắng chế độ diệt chủng, tôi cũng như đồng đội may mắn còn sống trở về, chỉ mong thế hệ hôm nay và mai sau thấy được giá trị của độc lập, tự do, của máu xương bao người đã đổ xuống. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, tôi nghĩ không phải cái gì cao siêu mà chúng ta hãy học chính tổ tiên, học từ trong lịch sử. Quan hệ tốt với các nước, nhất là các nước láng giềng, gần gũi nhưng phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền. Hợp tác nhưng phải cảnh giác, không bị kích động hay chia rẽ. Xây dựng lực lượng vũ trang, khu vực phòng thủ mạnh, vững vàng. Và, điều quan trọng nhất là đất nước phải giàu lên, mạnh lên, đẩy lùi tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm…

Thế nước đang lên, tôi tin, rất tin, thế hệ hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống cha anh, đưa đất nước phát triển, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của hàng vạn, hàng triệu đồng bào, đồng chí…

PV: Trân trọng cảm ơn và kính chúc ông sức khỏe!

TRẦN HOÀNG - PHẠM THỦY (thực hiện)