Thực tế ấy đặt ra những thách thức lớn đối với xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống trong đời sống nhân dân, nhất là tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc đối thoại với PGS, TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Nghĩa tình phải vun từ gốc

Phóng viên (PV): Tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” TP Hồ Chí Minh lần thứ 4-2021 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố đã phát biểu, mong muốn xây dựng nghĩa tình trở thành một “thương hiệu” của người dân TP Hồ Chí Minh. Quan điểm này đã tạo sự quan tâm sâu sắc của truyền thông và dư luận xã hội. Là một chuyên gia về lịch sử - văn hóa, ông suy nghĩ gì về điều này?

PGS, TS Phan Xuân Biên: Đó là một quan điểm rất đúng và trúng cả về lý luận, thực tiễn và yêu cầu đòi hỏi. Văn hóa nghĩa tình là một truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta nói chung và người dân Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh nói riêng. Ngay từ thời mở cõi, khẩn hoang, lập ấp, người dân đến với vùng sông nước phương Nam đã có ý thức sống dựa vào nhau để chống chọi với những mối nguy hiểm từ thiên nhiên hoang dã. Dòng chảy lịch sử qua các thời kỳ đã hun đúc, phát triển phẩm chất ấy trở thành một đặc tính của người dân phương Nam. “Tình” là sự cấu kết của muôn sợi tơ lòng, còn “nghĩa” là cái mà người ta ý thức là phải làm, không làm không được. TP Hồ Chí Minh là nơi giao thoa, hội tụ, tiếp biến các dòng văn hóa cả trong nước và quốc tế nên cái tình nghĩa ấy trở thành động lực, nhu cầu nội tại trong mỗi người dân. Nó trở thành đặc tính tiêu biểu và sâu sắc. Thế nên, đặt vấn đề xây dựng tình nghĩa trở thành một “thương hiệu” của người dân TP Hồ Chí Minh không phải là một khái niệm mới mà là sự nhấn mạnh phương thức, quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống đã có từ lâu đời. 

leftcenterrightdel
 PGS, TS Phan Xuân Biên phát biểu trong một cuộc hội thảo khoa học lịch sử tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TRUNG HIẾU

PV: Nghĩa tình là một “thương hiệu” của TP Hồ Chí Minh, vậy còn các địa phương khác trong cả nước và cộng đồng kiều bào yêu nước khắp nơi trên thế giới thì sao, thưa ông?

PGS, TS Phan Xuân Biên: Như đã nói ở trên, cách đặt vấn đề như vậy là sự nhấn mạnh, cụ thể hóa chủ trương, khái quát hóa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, cần được giữ gìn, phát huy mạnh mẽ trong thời đại mới. Đây là một vấn đề văn hóa, vì vậy không nên hiểu và không thể hiểu theo nghĩa cơ học “thương hiệu” là “đặc quyền” của một địa phương nào. Như chúng ta đều biết, dân tộc ta, nhân dân ta có truyền thống “tương thân tương ái”. Phẩm chất nghĩa tình, lối sống nghĩa tình là thuộc tính cao đẹp trong đời sống văn hóa của toàn dân. Tùy từng hoàn cảnh, đối tượng, môi trường, điều kiện... cụ thể, phẩm chất ấy được bộc lộ, phát huy và lan tỏa. TP Hồ Chí Minh vừa là nơi giao thoa, hội tụ, tiếp biến các giá trị văn hóa của các vùng miền, vừa là đầu tàu kinh tế, nơi khởi phát nhiều mô hình cho cả nước. Xây dựng, phát huy trường văn hóa nghĩa tình trong đời sống đô thị, để nghĩa tình thực sự trở thành “thương hiệu” văn hóa chính là một trong những mô hình như vậy...

PV: Nghĩa tình là một khái niệm vừa cụ thể, vừa khái quát, trừu tượng. Làm thế nào có thể lượng hóa được trong hành vi ứng xử, đời sống hằng ngày của người dân để xây dựng “thương hiệu”?

PGS, TS Phan Xuân Biên: Thực ra nó không hề trừu tượng mà hiện diện, biểu hiện hằng ngày, hằng giờ, trong từng khoảnh khắc của đời sống thường ngày của mỗi người dân. Để đánh giá một vấn đề văn hóa, chúng ta phải dựa trên nền tảng lịch sử, truyền thống. Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh là mảnh đất thành đồng “đi trước về sau”. Lịch sử khai khẩn và truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã tạo nền tảng, bệ đỡ vững chắc về văn hóa nghĩa tình, lối sống nghĩa tình. Thiếu đi phẩm chất ấy, chúng ta không thể phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để làm cách mạng. Thế nên, để phẩm chất ấy có môi trường sinh sôi, kết nối, lan tỏa mạnh mẽ, trở thành giá trị mang tính bản sắc thì chúng ta phải làm thật tốt công tác giáo dục lịch sử ông cha, văn hóa truyền thống của dân tộc. Người dân phải thấy rõ, phải cảm thấu sâu sắc lịch sử truyền thống thì mới có cơ sở, nền tảng để bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, bổn phận cống hiến. Trên phương diện cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng phải ý thức rõ và đầy đủ điểm xuất phát của mình, nền nếp gia phong của ông bà mình, từ đó mới ý thức đầy đủ giá trị cuộc sống đang thụ hưởng và cống hiến. Có cái gốc, cái nền tảng vững chắc ấy thì mới có động lực, mục tiêu đúng đắn đối với những việc làm, hành vi ứng xử có tình, có nghĩa...

Và mô hình “thành phố trong thành phố”

PV: TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình “thành phố trong thành phố” với sự ra đời của thành phố Thủ Đức. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kỳ vọng mô hình này sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ về kinh tế-xã hội. Trên phương diện văn hóa, mô hình này có tác động như thế nào?

PGS, TS Phan Xuân Biên: Về phương diện văn hóa thì có thể nói, nó không bị tác động hay ảnh hưởng gì nhiều. Văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể, không phụ thuộc vào sự thay đổi địa giới hay quy mô đơn vị hành chính, mà nó hình thành, phát triển theo các vùng văn hóa. Chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các vùng văn hóa. Ví dụ, xứ Nghệ là vùng văn hóa ví, giặm thì việc sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh như trước đây hay tách thành hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như hiện nay không ảnh hưởng gì đến vùng văn hóa xứ Nghệ. Sự ảnh hưởng, thay đổi trong lĩnh vực này chính là sự sắp xếp, điều chỉnh các cơ quan quản lý văn hóa và các thiết chế văn hóa phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đây là sự thay đổi theo hướng tốt lên, hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều hơn thì mức sống, mức thụ hưởng của người dân được nâng cao. Thế nên, khi triển khai mô hình “thành phố trong thành phố”, sự quan tâm đối với văn hóa chính là ở khía cạnh tích cực theo hướng phát triển này. Không nên đặt vấn đề lo lắng, vùng Thủ Đức lên thành phố thì sắc thái, phong tục, truyền thống vùng này bị ảnh hưởng.

leftcenterrightdel
 Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh động viên, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: LÊ HÙNG KHOA

PV: Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra trong định hướng phát triển trên, chúng tôi cho rằng đây sẽ là một thách thức lớn, thưa ông?

PGS, TS Phan Xuân Biên: Cần phải thấy rõ, đô thị hóa là xu thế tất yếu của phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mạnh mẽ, nhất là ở vùng ven các đô thị lớn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về xây dựng văn hóa. Đô thị hóa không chỉ có hệ thống điện, đường, trường, trạm và cơ sở vật chất của văn minh công nghiệp mà điều quan trọng là nó làm thay đổi lối sống, nếp sống của người dân từ văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị, từ nông dân sang thị dân, từ xã hội nông thôn sang xã hội đô thị. Thách thức lớn phải giải quyết đó là song song với đô thị hóa về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật phải làm thật tốt việc xây dựng văn hóa thị dân, văn hóa đô thị. Điều này phụ thuộc rất lớn vào trình độ, khả năng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Công tác quản lý xã hội chuyển từ quản lý nông thôn sang quản lý đô thị. Hai hình thức quản lý, phương pháp quản lý này hoàn toàn khác nhau. Để giải quyết những thách thức, đòi hỏi từ xu thế phát triển, chúng ta phải triển khai có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị. Đây là mô hình mới, chúng ta đang làm, vừa làm, vừa từng bước hoàn thiện.

Ở phương diện đời sống văn hóa thị dân, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần phải tiếp tục cải tiến, đổi mới phương thức, cách làm. Ví dụ như mô hình thôn, ấp, làng văn hóa, rất phù hợp với văn hóa nông thôn, vì mỗi thôn, ấp, làng có tính khu biệt tương đối. Khi đô thị hóa thì thôn, ấp, làng trở thành khu phố, tổ dân cư. Trong không gian đô thị hóa, mô hình “khu phố văn hóa” cần phải được khảo sát, đánh giá toàn diện để có sự điều chỉnh, đổi mới cách làm, bởi giữa các khu phố, tổ dân cư không còn tính khu biệt nên để đánh giá khu này, khu kia đạt hay chưa đạt “khu phố văn hóa” không thể máy móc, cứng nhắc được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)